backup og meta

Xuất huyết dạ dày: top 3 nguyên nhân và cách phòng ngừa

Xuất huyết dạ dày: top 3 nguyên nhân và cách phòng ngừa

Xuất huyết dạ dày (bao tử) có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu hoặc thậm chí là gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Do đâu bạn lại gặp phải vấn đề sức khỏe này?

Bạn mệt mỏi với các cơn đau bụng dữ dội, đặc biệt ở khu vực thượng vị? Tình trạng đau bụng còn đi kèm với biểu hiện nôn ra máu và đi ngoài ra phân hắc ín? Đây có thể là triệu chứng xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày). Hiểu rõ nguyên nhân gây xuất huyết có thể giúp bạn sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả, đồng thời chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh.

Top 3 nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày phổ biến nhất

Xuất huyết bao tử xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày chịu thương tổn nặng nề dẫn đến chảy máu tại đây. Tình trạng này thường liên quan đến các bệnh lý dạ dày. Trong đó, phổ biến nhất là 3 vấn đề sức khỏe sau:

1. Viêm dạ dày

Có đến 20 – 30% trường hợp nguyên nhân chảy máu dạ dày là do viêm. Viêm dạ dày có thể xảy ra theo 2 hướng gồm:

Lạm dụng bia rượu và thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAID) là hai nguyên nhân chủ yếu khiến lớp niêm mạc dạ dày bị sưng viêm. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác gây ra bệnh như:

  • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp)
  • Trào ngược dịch mật
  • Rối loạn tự miễn

2. Chảy máu dạ dày từ vết loét

hình ảnh loét dạ dày gây xuất huyết

Khoảng 10 – 20% ca xuất huyết bao tử liên quan đến loét dạ dày. Các vết loét có thể phát triển dần theo thời gian và ăn mòn các mao mạch gần đó, dẫn đến tình trạng xuất huyết dạ dày.

Tương tự viêm dạ dày, nguyên nhân loét bao tử thường liên quan đến nhiễm khuẩn Hp và lạm dụng thuốc NSAIDs. Ngoài ra, người mắc hội chứng Zollinger-Ellison sẽ dễ gặp phải vấn đề sức khỏe này do hàm lượng axit dạ dày được sản sinh quá nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến lớp niêm mạc.

Mặt khác, căng thẳng do chấn thương đầu, bỏng hoặc sốc tâm lý cũng có thể góp phần gây loét và chảy máu dạ dày. 

3. Xuất huyết bao tử do ung thư dạ dày

Một nguyên nhân thường gặp khác gây chảy máu dạ dày là ung thư. Ung thư dạ dày là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Globocan 2018, tỷ lệ mắc bệnh này ở Việt Nam là 11,38/100.000 dân số, đứng thứ 3 sau ung thư gan và ung thư phổi. 

Mặc dù nguyên nhân gây ung thư bao tử dẫn đến xuất huyết vẫn đang được nghiên cứu, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển của các tế bào đột biến tại đây có mối liên hệ mật thiết với một số yếu tố dưới đây: 

  • Khuẩn H. pylori: nhiễm Hp có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày của một người lên đến 6 lần bởi những vấn đề mà chủng vi sinh vật này gây ra như viêm loét dạ dày, teo niêm mạc, dị sản ruột…
  • Chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh, khoa học, ví dụ như:
    • Ăn quá nhiều thực phẩm chứa muối và nitrat
    • Ít bổ sung vitamin A và C
    • Thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn, hun khói…
    • Nghiện bia rượu
    • Hút thuốc lá 
  • Yếu tố di truyền: ung thư dạ dày do di truyền chiếm khoảng 1 – 15% tổng số ca bệnh.

Xuất huyết dạ dày có chữa được không?

Hầu hết các ca xuất huyết bao tử đều có thể chữa lành hoàn toàn. Phác đồ điều trị cho từng trường hợp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu. Điều quan trọng là sau khi điều trị, bạn sẽ cần thay đổi lối sinh hoạt để phòng ngừa tình trạng xuất huyết quay trở lại.

Làm thế nào để phòng ngừa chảy máu dạ dày?

chế độ ăn uống hợp lý

Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn kiểm soát tốt các vấn đề đang xảy ra ở bao tử, nhờ đó hạn chế tối đa nguy cơ xuất huyết, chẳng hạn như: 

  • Duy trì tâm lý thoải mái, hạn chế căng thẳng
  • Nếu phải sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, hãy đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ
  • Lưu ý các vấn đề về ăn uống, bao gồm:
    • Ăn chín uống sôi
    • Lựa chọn thực phẩm tươi sạch
    • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích
    • Ăn uống khoa học, không bỏ bữa
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá
  • Rèn luyện thể chất đều đặn để tăng cường sức khỏe tổng thể

Nhìn chung, xuất huyết dạ dày chính là biến chứng nguy hiểm của các bệnh lý xảy ra ở cơ quan này. Xác định đúng nguyên nhân ngay từ đầu sẽ giúp bạn sớm có biện pháp điều trị hiệu quả, phù hợp.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What causes bleeding in the stomach? https://www.webmd.com/digestive-disorders/qa/what-causes-bleeding-in-the-stomach. Ngày truy cập 18/02/2021.

What are signs of bleeding in the esophagus, stomach, or duodenum? https://www.webmd.com/digestive-disorders/qa/what-are-signs-of-bleeding-in-the-esophagus-stomach-or-duodenum. Ngày truy cập 18/02/2021.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày. https://kcb.vn/wp-content/uploads/2020/07/3127_QD-BYT_Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-ung-thu-DD-1.pdf. Ngày truy cập 18/02/2021.

Tổng quan về xuất huyết tiêu hoá. https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ti%C3%AAu-h%C3%B3a/xu%E1%BA%A5t-huy%E1%BA%BFt-ti%C3%AAu-ho%C3%A1/t%E1%BB%95ng-quan-v%E1%BB%81-xu%E1%BA%A5t-huy%E1%BA%BFt-ti%C3%AAu-ho%C3%A1. Ngày truy cập 18/02/2021.

Phiên bản hiện tại

22/02/2021

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Top thực phẩm tốt và không tốt cho người bị viêm loét dạ dày


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 22/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo