backup og meta

“Nằm lòng” 10 cách giảm đầy hơi để tránh khó chịu sau khi ăn uống

“Nằm lòng” 10 cách giảm đầy hơi để tránh khó chịu sau khi ăn uống

Đầy hơi sau khi ăn là tình trạng phổ biến và bình thường. Tuy nhiên, khi bị đầy hơi quá mức có thể gây đau, chướng bụng và khó chịu. Thậm chí, điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của bạn. Chính vì vậy mà việc tìm hiểu các cách giảm đầy hơi chướng bụng là điều mà không ít người quan tâm.

Thực chất, làm sao để ngăn ngừa đầy hơi chướng bụng hiệu quả là điều không quá khó khăn. Một số thay đổi nhỏ trong ăn uống, thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn tránh được sự khó chịu do đầy hơi. Trong bài viết sau của Hello Bacsi, hãy cùng theo dõi, tham khảo chi tiết mẹo giảm đầy hơi sau khi ăn nhé!

1. Cách giảm đầy hơi chướng bụng: Cắt giảm bớt thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ là một loại carbohydrate được tìm thấy trong những thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà cơ thể không tiêu hóa được. Chất xơ giữ một số chức năng quan trọng đối với cơ thể như điều chỉnh lượng đường trong máu và làm chậm thời gian hấp thụ đường.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thực phẩm giàu chất xơ có thể gây sản xuất nhiều khí dẫn đến đầy hơi, chướng bụng sau khi ăn. Các thực phẩm này bao gồm đậu lăng, đậu Hà Lan, bông cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt, bắp cải Brussel, súp lơ trắng, một số loại trái cây… Nếu bạn thường xuyên bị đầy hơi, hãy thử loại bỏ một số loại thực phẩm giàu chất xơ kể trên khỏi chế độ ăn và theo dõi xem tình trạng này có cải thiện không.

2. Nhận thức được tình trạng không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm

Về cơ bản, cách giảm đầy hơi chướng bụng hiệu quả cần dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đối với một số người, đầy hơi có thể là triệu chứng của chứng không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm. Những vấn đề này có thể gây ra nhiều khí hoặc làm khí “mắc kẹt” trong đường tiêu hóa. Trong đó, gluten có trong hầu hết các loại ngũ cốc hoặc các loại đường có trong sữa, các sản phẩm từ sữa, trái cây, kể cả các chất thay thế đường (sorbitol, mannitol và xylitol), đều là thành phần điển hình nhất mà cơ thể không thể tiêu hóa hoàn toàn, từ đó hình thành khí dư thừa và gây đầy hơi.

Hiện nay, chưa có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán thực phẩm cụ thể mà bạn không dung nạp hoặc dị ứng. Vì vậy, lời khuyên là bạn nên chủ động theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi ăn bất kỳ thực phẩm nào và ghi chú lại thông qua nhật ký ăn uống. Điều này sẽ giúp bạn xác định được loại thực phẩm mà cơ thể không dung nạp, không tiêu hóa được để đưa vào danh sách không nên ăn.

3. Hạn chế thức ăn nhiều chất béo

cách giảm đầy hơi: hạn chế đồ ăn nhiều chất béo

Chất béo là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Tuy nhiên, cơ thể thường tiêu hóa chất béo chậm và khiến thức ăn có nhiều thời gian để lên men. Đối với một số người, điều này có thể dẫn đến tăng khí và gây đầy hơi. Trong trường hợp này, việc tránh ăn các thực phẩm giàu chất béo sẽ giúp kiểm soát được các triệu chứng khó chịu do đầy hơi, chướng bụng.

4. Cách giảm đầy hơi: Tập thói quen ăn uống chậm rãi

Thói quen ăn uống quá nhanh thường làm tăng lượng không khí mà bạn nuốt vào. Điều này có thể dẫn đến tích tụ nhiều khí trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Vì vậy, lời khuyên chung là bạn không nên ăn uống vội vàng. Thay vào đó, bạn nên tập thói quen ăn uống chậm rãi để cải thiện chứng đầy hơi sau khi ăn.

5. Tránh đồ uống có ga và bia

Đồ uống có ga (bao gồm nước ngọt không calo) và bia thường chứa khí carbon dioxide. Đây là loại khí có thể tích tụ trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Vì vậy, lời khuyên trong việc kiểm soát chứng đầy hơi mà hầu hết mọi người đều nên áp dụng là hạn chế thức uống có ga, thức uống có cồn (bia rượu). Thay vào đó, nước lọc sẽ là lựa chọn tốt nhất và cần thiết nhất cho sức khỏe của bạn. Ngoài ra, hạn chế dùng ống hút cũng rất hữu ích trong việc giảm đầy hơi nên bạn cần lưu ý nhé!

6. Cách giảm đầy hơi chướng bụng bằng trà gừng

các giảm đầy hơi: uống trà gừng

Gừng là một phương thuốc tự nhiên giúp cải thiện được nhiều vấn đề của hệ tiêu hóa. Trong đó, việc dùng trà gừng cũng hữu ích trong việc giảm đầy hơi sau khi ăn. Ngoài trà gừng, một số loại trà thảo dược hỗ trợ giảm đầy hơi khác mà bạn cũng có thể lựa chọn đó là trà hoa cúc, trà bạc hà…

7. Tránh nhai kẹo cao su

Thói quen nhai kẹo cao su thường vô tình tạo điều kiện để bạn nuốt nhiều không khí hơn. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây đầy hơi đối với một số người. Vì vậy, nếu hay bị đầy hơi thì bạn nên hạn chế nhai kẹo cao su nhé!

8. Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn

Thói quen vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ ngắn, thong thả sau khi ăn đã được chứng minh là giúp loại bỏ khí trong đường tiêu hóa nên có thể giúp giảm khó chịu do đầy hơi, chướng bụng.

9. Cách ngăn ngừa đầy hơi: Tập thói quen tránh nói chuyện trong khi ăn

Nói chuyện trong khi ăn cũng là một trong những hoạt động khiến bạn nuốt khí nhiều hơn. Từ đó dẫn đến tích tụ khí dư thừa trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Vậy nên, đây cũng là một trong những thói quen cần được thay đổi để ngăn ngừa chứng đầy hơi sau khi ăn.

10. Điều trị chứng đầy hơi 

Đầy hơi là triệu chứng thường gặp trong bệnh lý dạ dày, trong nhóm triệu chứng khó tiêu chức năng (functional dyspepsia). Nguyên nhân thường gặp có thể điều trị được bao gồm các nguyên nhân kể trên và nhiễm Hp. Bạn có thể dùng thuốc kháng axit không kê đơn và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ cần được điều trị theo đơn thuốc được kê toa hoặc thông qua các phương pháp khác.

Nhìn chung, đầy hơi là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Việc điều trị hoặc ngăn ngừa đầy hơi sẽ hiệu quả nhất khi bạn xác định được nguyên nhân cụ thể. Bên cạnh đó, việc duy trì một số thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh cũng là cách giảm đầy hơi rất hữu ích nên bạn cần lưu ý nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Belching, gas and bloating: Tips for reducing them

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gas-and-gas-pains/in-depth/gas-and-gas-pains/art-20044739 Truy cập ngày 06/01/2023

Treatment for Gas in the Digestive Tract

https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gas-digestive-tract/treatment Truy cập ngày 06/01/2023

Gas: Beat The Bloat

https://www.brighamandwomens.org/patients-and-families/meals-and-nutrition/bwh-nutrition-and-wellness-hub/special-topics/gas-beat-the-bloat Truy cập ngày 06/01/2023

Gas, Burping, or Bloating That Begins After Eating or Drinking

https://healthy.kaiserpermanente.org/health-wellness/health-encyclopedia/he.gas-burping-or-bloating-that-begins-after-eating-or-drinking.aa109116 Truy cập ngày 06/01/2023

How to prevent bloating after a meal

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322200 Truy cập ngày 06/01/2023

Phiên bản hiện tại

13/01/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trà phan tả diệp: "Hiệp sĩ" đẩy lùi chứng táo bón, đầy hơi

Bị đầy hơi chướng bụng nên ăn gì? Gợi ý 5 thực phẩm hữu ích


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 13/01/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo