Đau dạ dày (hay đau bao tử) là một triệu chứng tương đối phổ biến. Tình trạng này thường được mô tả là cơn đau âm ỉ, nóng rát và tức tại vùng thượng vị (phần trên rốn, nằm bên dưới khung xương sườn). Trong hầu hết các trường hợp, đau dạ dày thường không nghiêm trọng và có thể khắc phục tại nhà. Đặc biệt, một số loại thức uống có thể giúp giảm sự khó chịu ở dạ dày của bạn. Vậy, đau dạ dày uống gì? Cùng tìm hiểu ngay!
Những nguyên nhân thường gặp nhất gây đau dạ dày gồm: chứng khó tiêu, ăn uống kém khoa học, dị ứng thực phẩm, stress kéo dài, hiếm khi là do các bệnh lý như viêm hoặc loét dạ dày. Hầu hết các trường hợp người bệnh có thể tự khắc phục tại nhà bằng cách chườm ấm, ăn đúng bữa đúng giờ, ăn đồ dễ tiêu, uống thuốc không kê đơn và dùng một số thức uống hỗ trợ giảm đau dạ dày. Sau đây là 10 gợi ý của Hello Bacsi cho câu hỏi “Đau dạ dày uống gì?”.
1. Đau dạ dày uống gì? Uống đủ nước lọc
Cơ thể cần nước cho mọi hoạt động sống và nước cũng cần trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Mất nước có thể khiến quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn hơn, gây ra khó chịu cho dạ dày và nhiều triệu chứng khác. Hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nước đủ 2 lít nước mỗi ngày và chia đều để uống trong suốt cả ngày.
Khi xuất hiện triệu chứng đau dạ dày, bạn có thể uống một ly nước ấm và ngồi ngả trên ghế tựa để thư giãn và giúp làm giảm cơn đau.
2. Nước gừng là thức uống giúp giảm đau dạ dày hiệu quả
Một trong những biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến nhất cho các vấn đề về dạ dày là gừng. Gừng đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua như một phương thuốc tự nhiên chữa đau dạ dày rất hiệu quả. Nó có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có thể giúp làm dịu dạ dày và giảm viêm, từ đó giúp giảm cảm giác đau và khó chịu ở dạ dày ngay tức thì.
Cách pha nước gừng uống giảm đau dạ dày cũng rất đơn giản:
- Cách 1: Thêm vài lát gừng tươi vào cốc nước nóng và ngâm trong vài phút. Uống 2 hoặc 3 lần một ngày để có kết quả tốt nhất.
- Cách 2: Thêm một vài lát gừng thái nhỏ vào tách trà buổi sáng hoặc buổi tối, đặc biệt là trà xanh sẽ hạn chế được cơn đau dạ dày trong vòng 2-3 ngày.
- Cách 3: Thêm một thìa nước cốt gừng tươi và một thìa nước chanh vào cốc nước lọc, sau đó, khuấy đều. Tiếp theo, thêm một thìa mật ong vào hỗn hợp trên và uống đều đặn vào mỗi sáng.
3. Giấm táo pha loãng là lựa chọn cho đau dạ dày uống gì
Giấm táo từ lâu được biết đến là loại thức uống lành mạnh, có hiệu quả trong điều trị chứng trào ngược dạ dày. Giấm táo cũng giữ được những enzym có bên trong táo, nhờ đó mang đến công dụng bảo vệ đường ruột khỏi chứng trào ngược dạ dày. Đồng thời, giấm táo còn giúp làm giảm độ pH có bên trong máu, hỗ trợ hệ thống đường ruột có thể chống lại các vi khuẩn gây hại.
Cho 2 hoặc 3 thìa giấm táo vào một cốc nước ấm rồi khuấy đều và uống. Uống vào buổi sáng trước khi ăn để ngăn ngừa bệnh đau dạ dày. Giấm táo có tính acid tương đối mạnh và hoàn toàn không tốt cho những người mắc chứng viêm loét dạ dày. Chính vì vậy, hãy thận trọng khi dùng để đảm bảo được hiệu quả và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
4. Đau dạ dày có thể uống trà hoa cúc
Một lựa chọn hiệu quả nếu bạn thắc mắc đau dạ dày uống gì chính là trà hoa cúc. Hoa cúc có tác dụng giải nhiệt, giảm viêm và chống co thắt các cơ ở dạ dày, giúp chữa đau dạ dày rất tốt. Đồng thời, nó còn giúp giảm stress – một trong những nguyên nhân chính gây đau dạ dày.
Cách thực hiện là cho 10g hoa cúc khô vào ấm và tráng qua một lần với nước sôi. Sau đó, thêm 1 lượng nước vừa đủ vào hãm trà trong khoảng 10-15 phút. Cuối cùng, chỉ việc gạn lấy nước trà pha chung với mật ong nhâm nhi rồi uống từ từ.
5. Đau dạ dày uống gì? Nước từ lá bạc hà
Đau dạ dày uống lá gì? Một phương pháp điều trị đau dạ dày tại nhà hiệu quả và quen thuộc khác là dùng lá bạc hà. Bạc hà được biết đến là loại dược liệu có tác dụng làm dịu dạ dày, đặc biệt hiệu quả với chứng đau và co thắt dạ dày.
Bạn có thể dùng bạc hà theo những cách sau đây:
- Hãm trà lá bạc hà để uống: Dùng vài lá bạc hà tươi cho vào cốc nước nóng hãm thành trà, uống 2-3 lần/ngày.
- Xay sinh tố hoặc ép lá bạc hà tươi lấy nước uống.
- Nhai trực tiếp 2-3 lá bạc hà tươi, ăn 2-3 lần trong ngày.
6. Đau dạ dày uống nước ép gì? Nước ép lô hội giảm khó chịu dạ dày
Nếu bạn băn khoăn không biết uống nước ép gì tốt cho người đau dạ dày thì nước ép lô hội chính là câu trả lời. Lô hội có đặc tính làm dịu và có thể giúp giảm viêm dạ dày. Lô hội cũng hiệu quả với chứng co thắt, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
Để làm nước ép lô hội, bạn chỉ cần rửa sạch lô hội, bỏ phần vỏ bên ngoài rồi ép lấy nước cốt. Mỗi lần sử dụng, lấy 1 thìa nước cốt lô hội pha với 1 cốc nước ấm khoảng 250ml, thêm 1 thìa cà phê nước cốt chanh, khuấy đều và uống khi còn ấm.
7. Nghệ mật ong – lựa chọn quen thuộc cho người đau dạ dày
Củ nghệ đem lại nhiều lợi ích trong việc điều trị các rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, loét, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Hoạt chất curcumin trong nghệ đã được chứng minh có khả năng giảm các triệu chứng của viêm dạ dày trong vòng một vài tuần. Curcumin cũng đóng vai trò như một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của dịch vị dạ dày.
Nghệ kết hợp với mật ong giúp tăng tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa mà không làm tăng dịch vị dạ dày nên được dùng rộng rãi để giảm cơn đau dạ dày.
Cách thực hiện là dùng 1 củ nghệ tươi gọt vỏ, rửa sạch và giã nát, rồi vắt lấy nước để thu được 3 muỗng cà phê nghệ. Sau đó, pha nghệ với mật ong và 100ml nước ấm, uống 2 lần/ngày sau bữa cơm trưa và tối khoảng 30 phút, duy trì liên tục trong 2 tháng để thấy rõ hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng khoảng 2 thìa tinh bột nghệ và 1 thìa mật ong bỏ vào ly nước ấm, khuấy đều lên rồi uống. Bạn cũng nên duy trì cách này sau mỗi bữa ăn để điều trị lâu dài.
8. Nước muối ấm
Đau dạ dày uống nước gì? Một biện pháp đơn giản, rẻ tiền và có hiệu quả làm giảm cơn đau dạ dày nhanh chóng đó là uống nước muối ấm pha loãng. Nước muối có tác dụng kháng khuẩn, làm sạch đường ruột, giảm đau, co thắt và rối loạn chức năng dạ dày. Vì vậy, khi cơn đau dạ dày ập đến, hãy pha ngay một thìa muối vào một cốc nước ấm, khuấy đều rồi uống từng ngụm nhỏ khi còn ấm.
9. Đau dạ dày uống gì? Nước dừa
Uống nước dừa có thể làm giảm đau dạ dày là do trong nước dừa có chứa acid lauric. Khi vào cơ thể, chất này chuyển thành monolaurin có khả năng kháng khuẩn, giúp hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, một số enzyme trong nước dừa như catalase, dehydrogenase kích thích dạ dày tiết chất nhầy, bảo vệ cho niêm mạc dạ dày, tránh viêm loét. Đồng thời, nước dừa có tính kiềm nhẹ nên có thể trung hòa một phần acid dịch vị, giúp giảm viêm loét dạ dày.
- Uống nhiều nước dừa có thể gây đầy bụng, tiêu chảy.
- Uống nước dừa vào buổi sáng, khi bụng đang đói hoặc sau bữa ăn. Không nên uống nước dừa buổi tối vì có thể gây chướng bụng.
- Nên dùng nước dừa nguyên chất, không chứa chất bảo quản, không uống nước dừa để qua đêm.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và người mắc bệnh huyết áp thấp nên hạn chế uống nước dừa.
10. Cam thảo là vị thuốc giảm đau dạ dày
Theo một số nghiên cứu lâm sàng, hoạt chất chống oxy hóa glabridin và glabrene có trong rễ cam thảo có tác dụng giúp làm giảm đau và làm lành vết loét dạ dày nhanh chóng. Đặc biệt, chúng còn có công dụng làm giảm nhanh triệu chứng buồn nôn, ợ nóng do đau dạ dày gây ra. Bên cạnh đó, chiết xuất từ cây cam thảo có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày.
Sử dụng cao lỏng có chiết xuất từ cam thảo thêm vào đồ uống và uống khi còn ấm. Mỗi ngày, uống 4 lần và 15ml/lần. Điều trị liên tục trong 6 ngày để thấy rõ hiệu quả.
Tuy nhiên, rễ cam thảo có thể gây mất cân bằng nồng độ kali, làm tăng huyết áp khi dùng lượng lớn. Các nhà nghiên cứu khuyên không nên tiêu thụ quá nhiều cam thảo trong một ngày. Tốt nhất, nên dùng ở mức quy định từ 4 – 80g/ngày.
Đau dạ dày nên kiêng uống gì?
Chúng ta vừa đi qua 10 lựa chọn cho câu hỏi “Đau dạ dày uống gì?”. Vậy, thức uống nào cần tránh khi dạ dày khó chịu? Đó là các đồ uống sau:
- Rượu bia: Đây là loại thức uống có cồn vừa làm yếu lớp màng bảo vệ dạ dày, vừa tương tác với các thuốc trị đau dạ dày làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Các thức uống có cafein như cà phê, trà đen, trà xanh, ca cao nóng và nước tăng lực,… gây kích ứng dạ dày. Ngay cả cà phê decaf cũng nên tránh vì nó có tính acid.
- Nước có gas: làm tăng khí trong đường tiêu hóa gây ra đầy hơi.
- Nước ép trái cây có tính acid: gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
Hi vọng bài viết đã gợi ý cho bạn lựa chọn được đau dạ dày uống gì. Bạn cũng nên lưu ý rằng hiệu quả của những thức uống giúp giảm đau dạ dày kể trên cũng còn tùy vào cơ địa của từng người. Nếu cơn đau dai dẳng, trầm trọng, hoặc đau kèm theo các dấu hiệu như nôn ra máu, đi tiêu ra máu, khó thở, giảm cân không rõ nguyên nhân… bạn nên đi khám ngay để được kiểm tra và điều trị y tế kịp thời.
[embed-health-tool-bmr]