backup og meta

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan B là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, nhiều người lo lắng không biết viêm gan B có lây qua đường ăn uống không và nên phòng ngừa viêm gan B như thế nào?

Viêm gan B là bệnh do virus hepatitis B (HBV) hay virus viêm gan B gây ra. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến chức năng gan, thậm chí dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Bài viết sau Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm thông tin về con đường lây truyền của viêm gan B cũng như giải đáp băn khoăn viêm gan B có lây qua đường ăn uống không để bạn có cách phòng ngừa phù hợp và bớt lo lắng nếu có tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với người bệnh.

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan B có lây không? Bệnh viêm gan B là một căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Vậy, viêm gan B lây qua đường nước bọt không? Theo các chuyên gia sức khỏe, virus viêm B không lây qua dịch tiết nước bọt dù virus này có thể được tìm thấy trong nước bọt của người bệnh.

Rất nhiều người khi có người thân, bạn bè hay đồng nghiệp mắc bệnh viêm gan B thường băn khoăn không biết: “Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?”. Theo các chuyên gia, bạn sẽ không bị nhiễm viêm gan B khi dùng chung đồ ăn, thức uống hoặc sử dụng chung đũa muỗng với người bệnh. 

Ngoài ra, virus viêm B cũng không lây qua các tiếp xúc thông thường như hôn, nắm tay, hít phải giọt bắn khi người bệnh ho hoặc cho con bú.

Do đó, việc ăn uống và sinh hoạt riêng với người bị viêm gan B là không cần thiết.

Viêm gan B lây qua đường nào?

viêm gan B có lây qua đường ăn uống không

Sau khi đã có câu trả lời cho thắc mắc “Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?”, hẳn bạn rất băn khoăn không biết “Viêm gan B lây qua đường nào?”. Virus viêm B thường hiện diện nhiều trong dịch cơ thể, nhất là máu, dịch âm đạo và tinh dịch. Do đó, viêm gan B có thể lây qua 3 con đường chính như sau:

Đường máu

Máu là nơi hiện diện nhiều virus viêm gan B nhất. Bạn có thể bị lây nhiễm bệnh nếu:

  • Nhận máu đã bị nhiễm virus HBV
  • Dùng chung kim tiêm hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh qua vết thương hở
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân có nguy cơ dính máu cao như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ xăm hình hay nhổ răng…
  • Thực hiện phẫu thuật với dụng cụ mang mầm bệnh chưa được tiệt trùng đúng cách.

Đường tình dục

Quan hệ tình dục không an toàn có thể là nguyên nhân khiến bạn bị nhiễm virus HBV. Cụ thể, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu:

  • Quan hệ bằng miệng (oral sex) hoặc hậu môn
  • Sử dụng đồ chơi tình dục không được tiệt trùng
  • Quan hệ tình dục không dùng các biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su, dùng màng chắn khi quan hệ bằng miệng
  • Quan hệ thô bạo, dẫn đến các vết xước trên da hoặc niêm mạc khiến virus dễ lây lan theo đường máu
  • Quan hệ đồng giới, quan hệ tập thể.

Nếu so với virus HIV, cơ hội lây nhiễm của virus HBV qua đường tình dục có thể cao hơn 50 – 100 lần.

Truyền từ mẹ sang con

Mẹ bầu bị viêm gan B có thể lây truyền sang con. Theo nghiên cứu, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con là 95% nếu trong quá trình mang thai và chuyển dạ không được dự phòng tốt. 

Không những vậy, nếu mẹ bị viêm gan B mãn tính truyền virus cho con khi sinh thì đến 90% tình trạng viêm gan B ở trẻ cũng phát triển thành mãn tính.

Nhiều mẹ băn khoăn không biết “Mẹ bị viêm gan B cho con bú thì bé có bị viêm gan B không?”. Virus viêm gan B không lây truyền qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu núm vú của mẹ bị nứt hoặc chảy máu thì khi cho bé bú, virus viêm gan B có thể truyền sang cho bé thông qua đường máu.

Phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B như thế nào?

phòng ngừa viêm gan B

Hiểu rõ viêm gan B có lây qua đường ăn uống không, bạn cũng nên biết cách phòng ngừa bệnh lây nhiễm. Tiêm ngừa vaccine viêm gan B là cách phòng ngừa tốt nhất giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Vaccine ngừa viêm gan B được đánh giá là an toàn, hiệu quả cao, gồm 3 mũi tiêm và có thể bảo vệ đến 20 năm.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo tất cả trẻ em nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B ngay từ khi mới sinh. Trong thời gian mang thai, nếu bà bầu nghi ngờ nhiễm viêm gan B thì cần đi làm xét nghiệm. Nếu bị nhiễm, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây nhiễm sang cho bé.

Bé sinh ra bởi mẹ bị nhiễm virus viêm gan B cần được tiêm ngừa trong 12 – 24 giờ sau sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm viêm gan B từ mẹ. Cụ thể, bé sẽ được tiêm 2 mũi là 1 mũi là globulin miễn dịch viêm gan B và 1 mũi vaccine phòng HBV cho trẻ sơ sinh.

Ngoài tiêm vaccine, bạn cũng có thể giảm nguy cơ nhiễm virus viêm gan B bằng cách:

  • Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân có nguy cơ dính máu cao như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người khác.
  • Nếu có ý định xăm mình, xỏ lỗ trên cơ thể hoặc châm cứu, hãy chọn những địa chỉ an toàn. Chắc chắn rằng các dụng cụ được sử dụng đã được khử trùng đúng cách.
  • Sử dụng bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả viêm gan B và HIV.

Qua những chia sẻ trên, hẳn là bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?”. Virus viêm gan B chỉ lây qua đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con nên nếu có tiếp xúc, sinh hoạt chung với người bị nhiễm thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hepatitis B https://www.sfcdcp.org/infectious-diseases-a-to-z/hepatitis-b/ Ngày truy cập: 13/11/2021

Hepatitis https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/index.htm Ngày truy cập: 13/11/2021

Transmission of Hepatitis B https://www.hepb.org/prevention-and-diagnosis/transmission/ Ngày truy cập: 13/11/2021

Hepatitis B https://www.plannedparenthood.org/learn/stds-hiv-safer-sex/hepatitis-b Ngày truy cập: 13/11/2021

Hepatitis B https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b Ngày truy cập: 13/11/2021

Bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? https://bvnguyentriphuong.com.vn/benh-truyen-nhiem/benh-viem-gan-b-co-lay-qua-duong-an-uong-khong Ngày truy cập: 29/05/2024

Phiên bản hiện tại

29/05/2024

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Giá vacxin viêm gan B cho người lớn và những lưu ý cần thiết

Viêm gan B kiêng ăn gì? 7 nhóm thực phẩm cần kiêng khi bị viêm gan B


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 29/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo