backup og meta

Viêm gan A lây qua đường nào? Triệu chứng và cách phòng ngừa

Viêm gan A lây qua đường nào? Triệu chứng và cách phòng ngừa

Viêm gan A lây qua đường nào hay con đường lây nhiễm viêm gan A diễn ra như thế nào… là những thắc mắc thường gặp. Việc hiểu rõ nguyên nhân lây nhiễm loại virus này sẽ giúp bạn phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe của lá gan tốt hơn.

Bệnh viêm gan A hay HAV là một bệnh nhiễm trùng ngắn hạn, rất dễ lây lan nhưng rất hiếm khi trở thành bệnh mãn tính. Hãy cùng theo dõi những thông tin được tổng hợp trong bài viết của Hello Bacsi bên dưới nhé. 

Viêm gan A lây truyền qua đường nào?

Virus viêm gan A có thể lây lan ngay cả khi người bị nhiễm chưa có các triệu chứng nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia, đường lây truyền của virus này là qua đường ruột, đường tiêu hóa hoặc đường phân, khi tiếp xúc trực tiếp với phân hoặc máu của người bị nhiễm bệnh. Sau đây là hai đường lây truyền chính của virus viêm gan A: 

Tương tác giữa người với người

Viêm gan A có thể lây truyền khi tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh, thông qua một số con đường như:

  • Quan hệ tình dục, nhất là quan hệ bằng miệng 
  • Chăm sóc người bệnh và tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người bệnh 
  • Sử dụng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh (trường hợp này thường xảy ra ở những người bị nghiệm ma túy).

Viêm gan A lây truyền qua đường nào? Ăn thức ăn hoặc đồ uống bị ô nhiễm

Trong chuỗi năm quy trình chế biến thực phẩm là trồng trọt, thu hoạch, chế biến, xử lý và nấu chín, thì bất kỳ thời điểm nào virus viêm gan A cũng có thể xâm nhập và làm lây lan bệnh. Tình trạng ô nhiễm thức ăn và nước uống xảy ra thường xuyên hơn ở những quốc gia có bệnh viêm gan A phổ biến.

Bởi vì viêm gan A lây truyền qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc giữa người với người, nên một số đối tượng sau sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này: 

  • Du khách quốc tế
  • Những người sử dụng hoặc tiêm chích ma túy 
  • Những người vô gia cư
  • Những người bị bệnh gan mãn tính, bao gồm cả viêm gan B và viêm gan C
  • Người nhiễm HIV.

Triệu chứng viêm gan A

viêm gan A lây qua đường nào

Thời gian xuất hiện của các triệu chứng viêm gan A thường từ 15 – 50 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây. Tuy nhiên, có những người bị nhiễm virus nhưng lại không xuất hiện triệu chứng, tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi, đây cũng là lý do vì sau viêm gan A lại lây lan nhanh và rộng. 

Dưới đây là các triệu chứng phổ biến ở người bị nhiễm: 

  • Buồn nôn, chán ăn và nôn mửa
  • Đau bụng và tiêu chảy
  • Sốt
  • Khó chịu và mệt mỏi
  • Đau khớp
  • Vàng da hay lòng trắng của mắt bị vàng
  • Nước tiểu sẫm màu và phân có màu nhạt.

Các triệu chứng viêm gan A thường sẽ tự khỏi trong vòng 3 đến 6 tháng kể từ khi bị nhiễm lần đầu tiên, nhưng khoảng 15% người trong số đó sẽ có các triệu chứng tái phát liên tục trong vòng 6 – 9 tháng. Mặt khác, ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh gan mãn tính thì viêm gan A vẫn có thể biến chứng nặng và gây tử vong. 

Phòng ngừa bệnh viêm gan A như thế nào?

Hẳn đọc đến đây, bạn đã có câu trả lời cho băn khoăn viêm gan A lây qua đường nào nên tìm cách phòng ngừa bệnh cho hiệu quả. Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn có thể phòng ngừa việc lây nhiễm viêm gan A bằng các hình thức sau:

Tiêm ngừa

viêm gan A lây qua đường nào

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm gan A là tiêm phòng vắc xin viêm gan A. Dưới đây là lịch tiêm viêm gan A cho trẻ em và người lớn theo khuyến cáo của Bộ Y tế: 

  • Trẻ em: mũi đầu tiên được tiêm từ 1 – 15 tuổi và mũi thứ hai sẽ tiêm sau đó 6 – 18 tháng. 
  • Người lớn: tiêm 2 mũi, trong đó mũi thứ 2 tiêm sau mũi đầu tiên 6 – 12 tháng.

Hầu hết mọi người sẽ có mức kháng thể bảo vệ trong vòng 1 tháng sau khi được tiêm mũi 1 và mũi 2 sẽ hoạt động như một chất tăng cường.

Cách phòng ngừa khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm

Globulin miễn dịch là một chất được tạo ra từ huyết tương của người có chứa kháng thể – chất bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, không giống như vắc xin viêm gan A, globulin miễn dịch không bảo vệ cơ thể lâu dài trước virus.

Nếu một ai đó chưa được tiêm chủng và tiếp xúc với nguồn lây nhiễm thì họ vẫn có thể tiêm vắc xin phòng ngừa hoặc tiêm globulin miễn dịch trong vòng 2 tuần kể từ khi phơi nhiễm. Trong trường hợp này, globulin có thể được tạo ra từ huyết tương của những đối tượng sau:  

  • Người tiếp xúc với người chế biến thực phẩm đã có kết quả xét nghiệm dương tính với viêm gan A
  • Nhân viên và trẻ em trong một trung tâm chăm sóc, nơi mà có bất kỳ ai đã bị nhiễm viêm gan A
  • Bất kỳ ai tiếp xúc hoặc gần gũi với một người có virus viêm gan A

Cách phòng ngừa khi chưa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm

Sau đây là một số cách giúp bạn tự bảo vệ mình trước các nguồn lây nhiễm, dù đã được tiêm ngừa hay chưa: 

  • Virus gây bệnh viêm gan A có thể  tồn tại đến 4 giờ trên đầu ngón tay. Do đó, hãy rửa tay thường xuyên để giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn.
  • Hạn chế ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín hoặc các thực phẩm đã được rửa trong nước bị ô nhiễm. 
  • Sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng mỗi khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc miệng.
  • Dùng bao cao su bọc đồ chơi tình dục và rửa sạch sau khi sử dụng.
  • Tránh quan hệ tình dục có tiếp xúc với phân.
  • Rửa tay sau khi chạm vào hậu môn của ai đó hoặc tiếp xúc với bao cao su và đồ chơi tình dục đã qua sử dụng.
  • Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên.

Hy vọng với những thông tin trong bài chia sẻ trên, bạn đã hiểu hơn về các đường lây truyền viêm gan A và biết cách để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

HEPATITIS A SYMPTOMS https://www.avert.org/sex-stis/sexually-transmitted-infections/hepatitis-a Ngày truy cập 10/11/2021

Hepatitis A Questions and Answers for the Public https://www.cdc.gov/hepatitis/hav/afaq.htm Ngày truy cập 10/11/2021

Causes, symptoms, and treatment of hepatitis A https://www.medicalnewstoday.com/articles/308421 Ngày truy cập 10/11/2021

Hepatitis A https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-a/symptoms-causes/syc-20367007 Ngày truy cập 10/11/2021

Hepatitis A https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hepatitis/hepatitis-a Ngày truy cập 10/11/2021

Phiên bản hiện tại

30/11/2021

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Có nên tiêm phòng viêm gan A cho trẻ? Vắc xin viêm gan A có mấy loại?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 30/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo