Việc giấc ngủ gián đoạn nhiều lần do tiểu đêm chắc hẳn khiến cho nhiều người khó chịu, mệt mỏi và lo lắng về sức khỏe. Đi tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì hay do nguyên nhân nào? Khi xác định được đúng, bạn sẽ có cách khắc phục tiểu nhiều về đêm hiệu quả.
Ai trong chúng ta cũng có đôi lúc phải thức dậy vì tiểu đêm, đây là một điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể sẽ bị rối loạn giấc ngủ và dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khỏe.
Người trưởng thành hầu như không bị tiểu đêm và có thể ngủ một mạch tới sáng. Bạn có thể mắc chứng tiểu đêm khi nếu thường xuyên bị thức giấc để đi tiểu nhiều lần vào ban đêm hoặc tiểu dầm mà không hay biết. Nguy cơ mắc phải chứng này tăng theo độ tuổi. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị tiểu đêm nhiều.
1. Ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc thường gặp, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, glycoside tim, demeclocycline, lithium, methoxyflurane, phenytoin, propoxyphen hay quá nhiều vitamin D có thể gây lợi tiểu. Nếu bạn đang chữa bệnh bằng những loại thuốc này, tốt nhất bạn nên uống trước khi ngủ ít nhất 6 tiếng.
Tác động lợi tiểu của một số loại thuốc có thể khiến bạn đi tiểu nhiều lần vào ban đêm lẫn cả ban ngày.
2. Thói quen dùng nhiều chất kích thích
Các chất kích thích như cồn (rượu bia) hoặc caffeine đều có tính lợi tiểu, thúc đẩy quá trình sản xuất nước tiểu trong cơ thể. Chính vì thế, nếu như bạn có thói quen uống nhiều loại nước có chứa các loại chất kích thích này thì sẽ dễ có nguy cơ đi tiểu đêm nhiều lần.
Ngoài ra, nếu bạn uống quá nhiều bất kể loại chất lỏng nào vào buổi tối đi chăng nữa cũng đều gây ra tiểu đêm nhiều.
Ngoài ra, ăn mặn cũng là nguyên nhân khiến bạn tiểu nhiều về đêm mà ít người ngờ tới.
Bạn nên hạn chế uống nước cũng như tiêu thụ cồn hoặc caffeine 2–4 tiếng trước khi ngủ, ăn nhạt để tránh tiểu nhiều trong đêm.
3. Bàng quang của bạn bị kích thích gây đi tiểu đêm
Đi tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì cần phải nghĩ ngay đến vấn đề ở bàng quang và tiết niệu. Nếu tổng lượng nước tiểu tạo ra không tăng nhiều mà bạn đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu mỗi lần lại ít, đó có thể do bàng quang không có khả năng làm rỗng hoàn toàn hoặc không chứa đựng đầy nước tiểu thì đã mót tiểu.
Một số lý do dẫn tới tình trạng này là:
- Những thực phẩm gây kích thích bàng quang (thức ăn cay, rượu bia)
- Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể khiến cho bạn lầm tưởng rằng bàng quang của bạn đã “đầy”.
- Tắc nghẽn bàng quang
- Phì đại tuyến tiền liệt lành tính ở nam giới cản trở dòng chảy của nước tiểu
- Bàng quang tăng hoạt (co thắt bàng quang)
- Viêm bàng quang
- Viêm bàng quang kẽ
- Ung thư bàng quang
4. Bạn gặp các vấn đề về giấc ngủ
Nếu dễ tỉnh giấc giữa đêm, bạn sẽ có cảm giác rằng mình cần phải đi tiểu. Chính vì thế, đôi lúc không phải bạn thức giấc do mắc tiểu mà là do những lý do khác, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ. Đó là tình trạng xảy ra khi bạn không thở được tạm thời trong lúc ngủ và khiến bạn thức giấc.
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu bạn có thể điều trị chứng ngưng thở khi ngủ hay những vấn đề phổ biến khi ngủ, bạn cũng có thể cải thiện được chứng tiểu đêm.
Để có giấc ngủ ngon hơn và hạn chế tiểu đêm, bạn nên tập thói quen đi ngủ đúng giờ và tránh dùng các thiết bị điện tử để làm việc hay online để giải trí.
5. Bệnh tiểu đường khiến bạn đi tiểu đêm
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, lượng đường dư thừa sẽ có xu hướng di chuyển về phía thận, kéo theo đó là nước trong cơ thể. Chính vì thế, bạn sẽ dễ dàng đi tiểu đêm nhiều lần hơn so với người bình thường do nước di chuyển xuống bàng quang nhiều hơn.
Nếu liên tục đi tiểu vào ban ngày cũng như ban đêm với một lượng lớn nước tiểu mỗi lần, bạn nên cân nhắc làm xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra đường huyết trong cơ thể.
Ngoài ra, suy tim sung huyết cũng có thể là nguyên nhân đi tiểu nhiều lần vào ban đêm.
Nguyên nhân khiến bạn đi tiểu đêm nhiều lần có thể chỉ đơn giản là do bạn uống quá nhiều nước hoặc tiêu thụ các chất kích thích. Tuy nhiên, đôi lúc đây có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn giấc ngủ, tiểu đêm… Vì thế, bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra xem liệu mình có đang gặp vấn đề về sức khỏe nào không để kịp thời chữa trị nhé.