backup og meta

Tiểu không tự chủ ở người già, làm sao để kiểm soát?

Tiểu không tự chủ ở người già, làm sao để kiểm soát?

Người già đi vệ sinh không kiểm soát (són tiểu) là một trong những biểu hiện của tuổi tác trên đường tiết niệu. Tiểu không tự chủ ở người già là một trong những than phiền và đau khổ của nhiều người lớn tuổi.

Tìm hiểu rõ về chứng són tiểu ở đối tượng người cao tuổi sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng này.

Tìm hiểu chung

Tiểu không tự chủ ở người già là gì?

Tiểu không tự chủ là trạng thái nước tiểu rỉ ra bên ngoài mà bản thân người bệnh không kiểm soát được. Mặc dù bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng tiểu không tự chủ ở người già là phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ.

Tiểu không tự chủ ở người già thường được phân loại thành:

  • Tình trạng tiểu không kiểm soát do áp lực đè nén lên bàng quang chẳng hạn như khi tập thể dục, ho, hắt hơi hay mang vác vật nặng.
  • Són tiểu khẩn cấp – tình trạng buồn tiểu đột ngột và không thể nhịn đủ lâu để kịp tới nhà vệ sinh.
  • Són tiểu do bàng quang luôn trong trạng thái “đầy”.
  • Rối loạn cơ năng xảy ra ở người bệnh có chức năng bàng quang bình thường, nhưng họ gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, chẳng hạn khi bị bệnh viêm khớp.

Triệu chứng

tư vấn tiểu không tự chủ ở người già

Những dấu hiệu và triệu chứng tiểu không tự chủ ở người già 

Tùy thuộc vào loại són tiểu mà người cao tuổi có thể biểu hiện một số dấu hiệu và triệu chứng của tiểu không tự chủ như:

  • Rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt xì, khi cười lớn hay khi tập thể dục
  • Tiểu gấp, luôn mắc tiểu đột ngột không kiềm chế được
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
  • Tè dầm
  • Cầu bàng quang.

Bạn có thể xem thêm: Đau lưng đi tiểu nhiều lần: Dấu hiệu bệnh nguy hiểm 

Nguyên nhân

Nguyên nhân của tiểu không tự chủ ở người già là gì?

Người già đi tiểu không kiểm soát có thể xuất phát từ rất nhiều lý do, thường do các vấn đề khiến bàng quang tăng hoạt động. Đôi khi, những ảnh hưởng nhỏ lên bàng quang cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Âm đạo bị kích ứng hoặc viêm nhiễm
  • Táo bón
  • Cơ bàng quang hoặc cơ sàn chậu yếu
  • Bàng quang tăng hoạt
  • Một số bệnh lý làm tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang như bệnh đa xơ cứng, tiểu đường hoặc Parkinson.
  • Sa cơ quan vùng chậu chẳng hạn như sa bàng quang, sa tử cung làm cho niệu đạo và bàng quang không thể hoạt động bình thường, dẫn đến rò rỉ nước tiểu.
  • Túi thừa niệu đạo.

Đối với nam giới lớn tuổi, hầu hết các trường hợp tiểu không kiểm soát đến liên quan đến tuyến tiền liệt, có thể là do viêm tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt,…

Chẩn đoán và điều trị

điều trị tiểu không tự chủ ở người già

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tiểu không tự chủ ở người già?

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh và tiền sử bệnh, kết hợp với thăm khám lâm sàng. Khi biết được loại tiểu không kiểm soát ở người già đang mắc phải là loại nào, họ sẽ đưa ra quyết định điều trị.

Các xét nghiệm không xâm lấn thường được dùng để chẩn đoán đánh giá tình trạng tiểu không tự chủ ở người già bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Kiểm tra nhật ký bàng quang qua ghi chép số thể tích nước đã uống và số lần đi tiểu của bệnh nhân.
  • Siêu âm đo lượng nước tiểu tồn lưu sau đi tiểu.
  • Niệu dòng đồ.

Những phương pháp điều trị tiểu không tự chủ ở người già

Bài tập kiểm soát bàng quang

  • Tập luyện cơ sàn chậu (tập kegel): Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân thực hiện các bài tập cơ sàn chậu để tăng khả năng kiểm soát tiểu tiện, tránh để rò rỉ nước tiểu. Người kiểm tra sẽ đặt 1 hoặc 2 ngón tay vào âm đạo và yêu cầu bệnh nhân co cơ sàn chậu, tương tự như cách dừng dòng nước tiểu hoặc nhịn xì hơi. Bài tập này cần tiến hành 12 nhịp co thắt (mỗi nhịp duy trì trong 8 – 10 giây) mỗi lần, 3 lần mỗi ngày, 3-4 ngày/tuần liên tục trong 15 – 20 tuần. Nếu như gặp khó khăn trong việc nhận biết cơ sàn chậu, bác sĩ có thể bổ trợ bằng phương pháp phản hồi sinh học, nón âm đạo có trọng lượng hoặc liệu pháp giám sát sàn chậu.
  • Tập nhịn tiểu: Mỗi lần mắc tiểu nên cố kéo dài thêm thời gian khoảng 10 phút, lần sau dài hơn lần trước. Bạn có thể thử các hoạt động đánh lạc hướng bản thân, hít thở sâu, siết chặt cơ sàn chậu.
  • Lên lịch đi tiểu: Hãy sắp xếp lịch trình đi tiểu và cố gắng tập nhịn tiểu cho đến khi có thể đi đúng giờ.

Điều trị bằng thuốc

Dựa vào nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu không tự chủ ở người già mà bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc giúp kiểm soát tình trạng này, chẳng hạn như:

  • Antimuscarinic điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt.
  • Mirabegron làm thư giãn cơ bàng quang, giúp bàng quang có thể được làm rỗng hoàn toàn.
  • Thuốc desmopressin điều trị chứng tiểu đêm, bằng cách giảm lượng nước tiểu do thận sản xuất.
  • Estrogen tại chỗ liều thấp dưới dạng kem bôi âm đạo giúp cải thiện chứng tiểu không kiểm soát ở phụ nữ lớn tuổi.

Kích thích điện

Một điện cực nhỏ có thể đưa các dòng điện nhẹ đến dây thần kinh xung quanh bàng quang, kiểm soát việc đi tiểu và phản xạ của bàng quang.

Sử dụng thiết bị y tế

Một số trường hợp cần thiết bác sĩ có thể chỉ định các thiết bị để kiểm soát chứng tiểu không tự kiểm soát ở người già, điển hình như đặt ống thông dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài, đặt miếng chắn niệu đạo giúp ngăn ngừa tiểu són, đặt vòng đệm âm đạo.

Phản hồi sinh học

Sử dụng các cảm biến giúp người bệnh nhận biết các tín hiệu từ cơ thể, chủ động kiểm soát cơ trong bàng quang và niệu đạo.

Phẫu thuật

Nếu nguyên nhân của chứng són tiểu là sa bàng quang hoặc tuyến tiền liệt phì đại thì phẫu thuật có thể cải thiện hoặc chữa khỏi hoàn toàn tình trạng này. Tuy nhiên, thông thường phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

bài tập kegel giúp cải thiện tiểu không tự chủ ở người già

Cần thay đổi lối sống như thế nào để kiểm soát tiểu không tự chủ ở người già? 

Người lớn tuổi có thể thực hiện những điều dưới đây để cải thiện chứng tiểu không tự chủ:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Không uống rượu, bia.
  • Uống nước lọc thay cho các thức uống có khả năng kích thích bàng quang. Tránh uống đồ uống chứa cafein. Tránh uống nước vào buổi tối, trước khi đi ngủ.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, ngăn ngừa táo bón.
  • Tránh nâng vật nặng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Urinary Incontinence in Older Adults

https://www.nia.nih.gov/health/urinary-incontinence-older-adults Ngày truy cập 3/2/2022

Urinary Incontinence in the Elderly

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2925344/#:~:text=Urinary%20incontinence%20is%20a%20common,a%20side%20effect%20of%20medication Ngày truy cập 3/2/2022

Non-surgical treatment – Urinary incontinence

https://www.nhs.uk/conditions/urinary-incontinence/treatment/ Ngày truy cập 3/2/2022

Urinary incontinence – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-incontinence/diagnosis-treatment/drc-20352814 Ngày truy cập 3/2/2022

Urinary Incontinence | Aging & Health AZ | American Geriatrics Society | HealthInAging.org

https://www.healthinaging.org/a-z-topic/urinary-incontinence Ngày truy cập 3/2/2022

Phiên bản hiện tại

28/03/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

6 bài tập thể dục cho người già vui, khỏe, dẻo dai

Học cách sống chung và đối phó với bệnh lãng tai người già


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn

Khoa tiết niệu · Bệnh Viện Đa Khoa Hậu Giang


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo