Tiểu són, tiểu nhiều lần, tiểu gấp là vấn đề mà nhiều người đang đối mặt nhưng ít ai biết rằng “thủ phạm” gây ra các triệu chứng này chính là hội chứng bàng quang kích thích.
Hội chứng bàng quang kích thích (hay bàng quang tăng hoạt, bàng quang hoạt động quá mức) không phải là vấn đề sức khỏe nguy hiểm song nó lại gây nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, công việc hàng ngày và đặc biệt dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý như xấu hổ, tự ti, ngại giao tiếp…
Ước tính có đến gần 15% dân số trên thế giới bị hội chứng bàng quang kích thích. Hãy cùng tìm hiểu thêm về các triệu chứng và cách điều trị hội chứng này qua bài viết sau đây.
Hội chứng bàng quang kích thích – “Thủ phạm’ gây tiểu són, tiểu nhiều lần
Bàng quang có chức năng chính là chứa nước tiểu từ thận đổ xuống và khi nước tiểu đầy, bàng quang sẽ co bóp để đào thải ra ngoài. Bình thường, khi cơ bàng quang khỏe mạnh, bàng quang có thể chứa được khoảng 400–620ml nước tiểu. Tuy nhiên, khi chức năng bàng quang bị rối loạn, sự co bóp của bàng quang sẽ diễn ra bất thường, người bệnh có cảm giác buồn tiểu ngay cả khi lượng nước tiểu mới chỉ khoảng 100–150ml. Tình trạng này được gọi là hội chứng bàng quang kích thích (hay bàng quang tăng hoạt, bàng quang hoạt động quá mức).
Bàng quang co bóp bất thường sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát việc tiểu tiện. Điều này khiến người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như:
- Tiểu nhiều lần: Thông thường, mỗi ngày, một người sẽ đi tiểu từ 4–8 lần (3 tiếng đồng hồ/ lần). Khi bàng quang tăng hoạt, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn 8 lần/ ngày.
- Tiểu đêm: Mỗi đêm, bạn phải dậy đi tiểu trên 2 lần, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Tiểu gấp: Tình trạng cơ thể không kìm nén được phản xạ đi tiểu, mắc tiểu là phải chạy vào nhà vệ sinh ngay lập tức.
- Tiểu són: Rối loạn tiểu tiện theo ngay sau tiểu gấp. Nếu như bạn muốn tiểu gấp nhưng không tìm được nhà vệ sinh thì có thể són tiểu ra cả quần.
Nhìn chung, hội chứng này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, công việc và cuộc sống, khiến người bệnh mất tự tin do cơ thể có mùi khó chịu, luôn thấy mệt mỏi và không có năng lượng làm việc.
Điều trị hội chứng bàng quang kích thích như thế nào?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng này là do cơ bàng quang bị suy yếu khiến sự co bóp của bộ phận này diễn ra bất thường. Chính vì vậy, để kiểm soát tình trạng, cách tốt nhất là phải tăng cường sức khỏe của các cơ bàng quang để tăng lượng nước tiểu được chứa đựng. Dựa theo nguyên lý này, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị sau:
1. Can thiệp hành vi
Đây là phương pháp điều trị hội chứng bàng quang kích thích được ưu tiên lựa chọn hàng đầu bởi phương pháp này vừa mang đến hiệu quả cao vừa không có tác dụng phụ. Biện pháp can thiệp hành vi bao gồm:
- Tập các bài tập Kegel: Đây là các bài tập có tác dụng co thắt và thư giãn cơ sàn chậu, từ đó giúp kiểm soát bàng quang và giảm tần suất đi tiểu. Bạn nên thực hiện liên tục hàng ngày và kéo dài ít nhất 2 tháng để đạt hiệu quả cao.
- Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày: Chế độ ăn không khoa học, thiếu dinh dưỡng là “thủ phạm” gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh lý về đường tiết niệu. Chính vì vậy, bạn hãy tự xây dựng cho mình một chế độ ăn “thông minh” bằng cách hạn chế những thức ăn cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn, đồ uống kích thích bàng quang như cà phê, trà, rượu, bia…
- Tập yoga: Các bài tập yoga có thể giúp tăng cường sức khỏe các nhóm cơ chịu trách nhiệm thực hiện phản xạ đi tiểu bình thường như cơ sàn chậu, cơ niệu đạo, cơ bàng quang…
2. Sử dụng thuốc
Bên cạnh phương pháp can thiệp hành vi, bác sĩ cũng có thể cho bạn uống một số loại thuốc giúp hạn chế hoạt động quá mức của bàng quang. Việc này giúp làm giảm các triệu chứng tiểu són, tiểu gấp, tiểu nhiều lần. Một số loại thuốc thường được chỉ định là tolterodine, oxybutynin, trospium…
Tuy các loại thuốc này mang đến nhiều lợi ích trong việc điều trị hội chứng bàng quang kích thích nhưng vẫn luôn ẩn chứa không ít tác dụng phụ nguy hiểm. Thậm chí, nếu lạm dụng, các loại thuốc này còn có thể khiến cho nhiều triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi và người đã bị suy yếu do các vấn đề sức khỏe khác. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của bạn.
3. Phẫu thuật
Nếu những phương pháp trên không có tác dụng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị hội chứng bàng quang kích thích. Mục tiêu là để cải thiện khả năng chứa nước tiểu và giảm áp lực trong bàng quang.
Bác sĩ có thể cấy ghép một thiết bị đặc biệt để kích thích thần kinh cùng cụt. Nó giúp kiểm soát được các xung thần kinh truyền đến bàng quang và làm các cơ ít hoạt động sai lệch hơn. Một lựa chọn khác trong phẫu thuật điều trị hội chứng bàng quang kích thích là mở rộng cơ quan này bằng một phần mô ruột để chứa được lượng nước tiểu nhiều hơn.