Dinh dưỡng cho người ghép thận là yếu tố tiên quyết giúp bạn nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép.
Sau khi ghép thận, bác sĩ sẽ khắc phục các bất thường về chuyển hóa liên quan đến urê trong máu và tác dụng phụ của liệu pháp lọc máu. Tuy nhiên, việc cấy ghép và tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống. Các tế bào bạch cầu xem thận mới là vật thể xâm nhập và sẽ tấn công nó. Để ngăn chặn việc này, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ức chế miễn dịch, còn được biết là thuốc chống thải ghép.
Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và giữ cho cơ quan bài tiết mới hoạt động tốt. Người nhận ghép thận có thể phải áp dụng chế độ ăn uống đặc biệt trong một thời gian ngắn sau khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn những việc bạn cần làm cũng như giúp bạn lên kế hoạch cho thực đơn hàng ngày. Theo họ, chế độ ăn uống này đơn giản cũng như tạo cảm giác thoải mái cho người ăn hơn chế độ ăn uống dành cho người chạy thận nhân tạo vì thận mới có thể giúp cơ thể cân bằng lượng calo và phốt pho.
Qua bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết về chế độ dinh dưỡng cho người ghép thận.
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Tăng cân sau ghép thận là tình trạng chung và khá phổ biến. Nhiều người có cảm giác ngon miệng hơn sau khi cấy ghép do cảm xúc được cải thiện theo hướng tích cực và sử dụng thuốc steroid.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5–22,9kg/m² để hạn chế nguy cơ bị tăng huyết áp, vấn đề về tim, đái tháo đường và đột quỵ. Bạn nên cân nhắc lượng thức ăn hấp thụ, kiên trì tập luyện thể dục thể thao và tham vấn cùng chuyên gia để thiết lập chế độ dinh dưỡng cho riêng bạn.
Kiểm soát hàm lượng lipid trong cơ thể
Rối loạn mỡ máu cũng thường xảy ra ở những người ghép thận. Nồng độ cholesterol toàn phần, lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL-cholesterol) và triglyceride cao sẽ làm tăng nguy cơ đối mặt với các vấn đề về tim mạch. Bạn có thể kiểm soát lượng cholesterol trong máu để giữ cho tim khỏe mạnh bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ trong chế độ dinh dưỡng cho người ghép thận, ví dụ như:
- Giảm hàm lượng natri (muối) và chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa)
- Ít cholesterol
- Giảm chất béo chuyển hóa
- Tăng thêm lượng chất xơ hấp thụ
Kiểm soát huyết áp
Hầu hết người ghép thận vẫn cần hạn chế lượng muối mà cơ thể hấp thụ. Các loại thuốc dành cho quá trình cấy ghép, đặc biệt là steroid, có thể khiến cơ thể giữ nước và lượng natri quá cao gây ảnh hưởng trầm trọng thêm cho vấn đề này. Kiểm soát huyết áp rất quan trọng đối với sức khỏe trước và sau khi ghép. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ quyết định hàm lượng natri hấp thụ tốt nhất cho người nhận ghép thận.
Duy trì sức khỏe cho xương
Tỉ trọng chất khoáng trong xương giảm nhanh là vấn đề khá phổ biến xảy ra trong giai đoạn đầu của ghép thận. Tỉ trọng những khoáng chất này vẫn thấp ngay cả khi tốc độ mất xương đã giảm hay thậm chí ngừng sau ba năm phẫu thuật ghép thận. Khả năng hấp thụ canxi bị hạn chế do prednison, cường cận giáp, chuyển hóa vitamin D bất thường – những yếu tố tiềm ẩn gây suy yếu xương. Phụ nữ sau mãn kinh càng có nguy cơ cao mất xương.
Bạn hãy chú ý đến lượng canxi và phốt pho trong cơ thể. Bạn có thể thêm một ít sữa ít béo, phô mai cũng như sữa chua vào thực đơn dinh dưỡng cho người ghép thận. Bác sĩ có thể quyết định liệu bạn có cần nhiều canxi và phốt pho hơn trong chế độ ăn uống thường ngày hay không. Người ghép thận không nên tự sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào vì có thể gây vấn đề cho thận mới.
Phòng ngừa thiếu máu
Thiếu máu luôn phổ biến ở người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Mặt khác, nó cũng có thể xảy ra ở những người ghép thận. Chế độ ăn thiếu chất sắt, folate hoặc vitamin B12 có thể gây thiếu máu ở những người nhận ghép thận. Phòng ngừa và kiểm soát vấn đề thiếu máu rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Hệ miễn dịch của những người ghép thận đặc biệt yếu. Họ dễ bị nhiễm trùng do thực phẩm như listeriosis, một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes. Do đó, ngoài quan tâm đến dinh dưỡng cho người ghép thận, bạn cần lưu ý tuân theo những biện pháp an toàn thực phẩm, ví dụ như hạn chế dùng những món sống như salad, sashimi…
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu thêm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hỏi đáp về dinh dưỡng cho người ghép thận đã từng lọc máu
Có cần tiếp tục chế độ ăn giàu protein hay không?
Người nhận ghép thận nói riêng cần tiêu thụ một lượng lớn protein sau khi ghép tạng để hỗ trợ xây dựng các mô cơ bị phá vỡ bởi steroid liều cao. Tuy nhiên, lượng protein cần có của bạn không khác biệt lắm so với hàm lượng protein mà những người khỏe mạnh cần sau vài tháng ghép tạng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho biết bạn cần tiêu thụ bao nhiêu protein để nhanh chóng hồi phục.
Có cần tiếp tục việc hạn chế kali hay không?
Chỉ cần thận ghép hoạt động tốt, bạn không cần phải hạn chế kali như trước nữa. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số thuốc sử dụng sau khi ghép tạng có khả năng gây tăng nồng độ kali trong máu. Mặt khác, các loại khác có thể giải quyết vấn đề này. Do đó, tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng, bạn nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho người ghép thận để thuận theo mức kali trong máu.
Nếu bị tiểu đường, bạn có cần chế độ ăn uống đặc biệt không?
Bạn có thể được khuyến nghị áp dụng phương pháp tăng protein, giảm bớt đường và tinh bột trong mỗi bữa ăn sau khi ghép tạng. Hãy tham vấn cùng bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để kiểm soát chế độ ăn uống và lượng đường trong máu.
Thực phẩm nào cần tránh?
Theo các chuyên gia, bạn không nên ăn bưởi do hàm lượng furanvitymarin của nó sẽ làm thay đổi quá trình chuyển hóa của nhiều loại thuốc được kê, bao gồm cyclosporine, tacrolimus, thuốc chẹn kênh canxi và statin.
Các thông tin và khuyến nghị ở trên chỉ là những hướng dẫn chung. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các cố vấn chăm sóc sức khỏe để có thêm thông tin chi tiết.