Có nhiều cách giảm mỡ trong thói quen ăn uống. Tuy nhiên, làm thế nào để cắt giảm tổng lượng mỡ gây hại cho thận mà vẫn đảm bảo đủ chất béo tốt cho tim?
Nếu đang mắc các bệnh về thận hoặc đang điều trị lọc máu, bạn cần hạn chế một số loại thực phẩm trong khẩu phần ăn. Khi đó, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi áp dụng bất kỳ chế độ ăn uống nào đó.
Bài viết này chia sẻ 10 cách cắt giảm loại chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa) trong chế độ ăn uống thường ngày của bạn để bảo vệ sức khỏe của thận. Điều đó có nghĩa là những thông tin này dành cho những người chưa mắc bệnh về thận, không dành cho người đã mắc bệnh thận.
1. Cách giảm mỡ trong chế độ ăn tốt cho thận: Cắt giảm phô mai
Nếu bình thường bạn dùng một mẩu phô mai lớn để làm nguyên liệu chế biến các món ăn phù hợp thì giờ hãy dùng ít phô mai hơn. Một cách khác để bạn cắt giảm phô mai mà không làm ảnh hưởng đến hương vị của món ăn là dùng loại phô mai chứa ít chất béo. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về hàm lượng chất béo trên bao bì sản phẩm.
2. Ưu tiên các loại thịt nạc
Sử dụng thịt trắng hoặc phần nạc của thịt bò, thịt lợn trong chế độ ăn uống thường ngày là cách giảm mỡ thông minh để bảo vệ sức khỏe của thận. Đồng thời, những loại thực phẩm này vẫn đảm bảo lượng chất béo tốt cho tim.
Với thịt trắng (thịt từ các loại gia cầm), bạn hãy ưu tiên chọn phần ức, bỏ phần da. Thực tế, ức gà có da chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn ức gà không có da.
3. Dùng nguyên liệu hoặc vật dụng khác thay thế nguyên liệu chứa nhiều chất béo bão hòa
Với cách giảm mỡ này, thay vì sử dụng bơ, bạn hãy dùng một loại dầu thực vật khi chế biến món ăn.
Mặt khác, nếu thích ăn các món chiên, xào, bạn hãy trang bị cho căn bếp của mình chiếc nồi chiên không dầu thay vì dùng các loại nồi hoặc chảo chiên truyền thống như trước đây. Cách này sẽ giúp bạn tiết giảm đáng kể lượng chất béo đưa vào cơ thể.
4. Ăn chay trong một khoảng thời gian nhất định
Không ăn thịt trong 1-2 ngày mỗi tuần là cách giảm mỡ rất dễ thực hiện. Trong khoảng thời gian không có thịt động vật trong chế độ ăn, bạn hãy thay thế bằng các nguồn protein từ thực vật khác. Đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt, hạt quinoa (diêm mạch) là nguồn protein thực vật tuyệt vời để đảm bảo cơ thể bạn không bị thiếu hụt protein dù không ăn thịt.
5. Cách giảm mỡ trong chế độ ăn: Đọc kỹ thành phần trên nhãn sản phẩm
Có kiến thức và am hiểu về thực phẩm sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn đồ ăn lành mạnh. Thông thường, hàm lượng chất béo bão hòa sẽ được để phía dưới thông tin tổng số chất béo có trong sản phẩm. Khi đó, bạn hãy tránh dùng các sản phẩm có dòng chữ “hydro hóa” trong bảng thành phần.
“Hydro hóa” là manh mối cho thấy sản phẩm có chứa chất béo chuyển hóa. Mặt khác, trên nhãn dinh dưỡng của các sản phẩm, vị trí của mỗi thành phần sẽ được liệt kê theo hàm lượng. Theo đó, thành phần có hàm lượng lớn hơn sẽ được liệt kê trước. Ví dụ, nếu thành phần đầu tiên được liệt kê là bơ hoặc một loại khác có dòng chữ “hydro hóa”, rất có thể sản phẩm đó chứa nhiều chất béo bão hòa, không có lợi cho sức khỏe người dùng.
Vì thế, kỹ năng đọc và hiểu rõ thành phần trong sản phẩm sẽ giúp bạn có cách giảm mỡ hoặc giảm chất béo xấu trong chế độ ăn thường ngày. Đối với người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, thông tin về thành phần trong sản phẩm là công cụ đắc lực để giúp họ xem xét sản phẩm đó có phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ hay không.
6. Tăng cường ăn cá
Cá đồng hoặc cá biển là nguồn thay thế protein hiệu quả cho thịt. Mặc dù cá cũng chứa nhiều chất béo nhưng hầu hết chất béo của cá đều là chất béo có lợi cho tim và thận (đặc biệt là omega-3). Vì thế, thay vì thường ăn thịt, bạn hãy điều chỉnh thói quen bổ sung các loại cá vào bữa ăn của mình.
7. Hạn chế ăn đồ ngọt và thực phẩm chiên, xào
Thực phẩm chiên, xào và đồ ngọt (bánh rán, gà rán, khoai tây chiên…) thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa. Vì thế, bạn tránh tiêu thụ các loại thực phẩm này. Thay vào đó, bạn có thể tự chế biến hoặc thưởng thức chúng dưới một dạng khác như nướng hoặc chiên với dầu thực vật (như dầu lạc (đậu phộng), dầu hướng dương…).
8. Cách giảm mỡ trong chế độ ăn: Tự nấu ăn tại nhà
Khi ăn uống bên ngoài, bạn sẽ đỡ mất thời gian cho khâu nấu nướng. Tuy nhiên, bạn không thể kiểm soát được những gì sẽ đưa vào cơ thể.
Ngược lại, tự nấu ăn tại nhà đòi hỏi bạn phải dành một khoảng thời gian nhất định cho việc này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn những nguyên liệu tốt cho sức khỏe.
Nếu đã ý thức được tác hại của các loại chất béo bão hòa trong các loại dầu ăn thông thường, bạn sẽ thay thế bằng dầu thực vật. Bạn cũng sẽ ưu tiên nấu ăn từ các loại thịt trắng hoặc các loại hải sản cho bữa cơm của gia đình. Bằng những cách đơn giản này, bạn đã giúp các thành viên trong nhà cắt giảm mỡ hoặc chất béo không lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.
9. Giảm chất béo từ sữa
Sữa nguyên chất có hàm lượng chất béo khá cao. Vì thế, thay vì dùng sữa nguyên chất, bạn hãy chọn sữa tách béo hoặc sữa ít béo. Bằng cách này, bạn sẽ giảm được lượng calo và chất béo đưa vào cơ thể trong mỗi lần uống sữa.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm tra hàm lượng chất béo khi sử dụng các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua để có sự điều chỉnh phù hợp.
10. Tăng cường ăn các loại hạt
Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, lạc đều có thể trở thành món ăn vặt lý tưởng thay thế cho khoai tây chiên hoặc các món ăn vặt nhiều dầu, mỡ khác. Các loại hạt chứa lượng chất béo không bão hòa (chất béo tốt), protein và chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể.
Cách giảm mỡ hoặc giảm chất béo từ chế độ ăn uống để bảo vệ sức khỏe của thận và các cơ quan nội tạng khác không quá khó. Bạn chỉ cần tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như chọn loại nguyên liệu chứa ít chất béo bão hòa, hạn chế thực phẩm chiên, xào và thức ăn nhanh.