backup og meta

Viêm bàng quang mãn tính

Viêm bàng quang mãn tính

Viêm bàng quang mãn tính có thể là một tình trạng khiến bạn khó chịu, gây cản trở các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày và đôi khi ảnh hưởng đến cả các mối quan hệ xã hội.

Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này để có cách điều trị hiệu quả nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang mãn tính là gì?

Viêm bàng quang mãn tính (thường do nhiễm trùng bàng quang mãn tính) là tình trạng bàng quang bị viêm nhiễm kéo dài do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) gây ra. Các đợt nhiễm trùng có thể tái phát 2 hoặc nhiều lần trong 6 tháng hay 3 lần nhiễm trùng trở lên trong vòng một năm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang mãn tính

triệu chứng viêm bàng quang mãn tính

Các triệu chứng viêm bàng quang mãn tính có thể đến và biến mất, sau đó, tái phát thành nhiều đợt trong một khoảng thời gian. Các triệu chứng bao gồm:

  • Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu 
  • Tiểu gấp, thường xuyên phải đi tiểu
  • Tiểu ra máu
  • Áp lực trong bàng quang
  • Đau trong khi quan hệ
  • Đau vùng chậu
  • Sốt nhẹ
  • Nước tiểu đục và có máu.

Bạn có thể quan tâm: Viêm bàng quang có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm bàng quang mãn tính

Nguyên nhân gây viêm bàng quang là do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang và niệu đạo. Sau đó, do không được điều trị dứt điểm, không loại bỏ được vi sinh vật ra khỏi nước tiểu và nhu mô thận hoặc vi sinh vật tái xâm nhập vào đường tiết niệu từ bể chứa phân ở tầng sinh môn gây ra viêm bàng quang mãn tính kéo dài.

nguyên nhân gây viêm bàng quang mãn tính

Ngoài ra, những người bị viêm bàng quang đôi khi nhận thấy một số yếu tố nhất định có thể kích hoạt các triệu chứng.

Viêm bàng quang mãn tính ở phụ nữ xảy ra phổ biến hơn viêm bàng quang mãn tính ở nam giới. Một số yếu tố khiến phụ nữ dễ bị viêm bàng quang tái phát, bao gồm:

  • Bị sỏi thận hoặc có vấn đề về bàng quang
  • Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo khi quan hệ tình dục
  • Sử dụng phương pháp ngừa thai bằng màng ngăn và chất diệt tinh trùng
  • Thay đổi nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh
  • Các vấn đề với hình dạng hoặc chức năng đường tiết niệu
  • Căng thẳng tâm lý kéo dài
  • Mất nước
  • Nhịn tiểu quá lâu
  • Mặc quần bó sát
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách
  • Mang thai
  • Cấu tạo niệu đạo ở nữ ngắn và thẳng hơn nam nên dễ nhiễm trùng hơn
  • Chế độ ăn uống kém lành mạnh.

Bạn có thể quan tâm: Viêm bàng quang có nên quan hệ không?

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm bàng quang mãn tính?

Để chẩn đoán viêm bàng quang mãn tính, bác sĩ sẽ tiến hành một số các xét nghiệm để loại trừ các bệnh hoặc tình trạng có thể ảnh hưởng đến bàng quang khác, bao gồm cả ung thư bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Các xét nghiệm bao gồm:

  • Cấy nước tiểu để tìm ra vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang kéo dài
  • Nội soi bàng quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) đường tiết niệu.

Những phương pháp điều trị viêm bàng quang mãn tính

Viêm bàng quang mãn tính có chữa được không? Bệnh có thể không chữa khỏi. Mục tiêu điều trị thường làm giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

điều trị viêm bàng quang mãn tính

Dùng thuốc

Một số các loại thuốc sau đây có thể được chỉ định tùy thuộc vào nguyên nhân kích hoạt các đợt bùng phát bệnh:

  • Phác đồ điều trị viêm bàng quang mạn tính với thuốc kháng sinh liều thấp dùng trong ít nhất 6 tháng và tối đa 2 năm.
  • Liệu pháp kháng sinh ngắt quãng, chẳng hạn như uống kháng sinh sau khi quan hệ tình dục hoặc bắt đầu một đợt kháng sinh khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng.
  • Liệu pháp estrogen âm đạo nếu nguyên nhân gây viêm bàng quang mãn tính là do khô âm đạo sau mãn kinh.

Thay đổi lối sống

Các bác sĩ cũng khuyên bạn nên theo dõi để xác định các yếu tố kích hoạt triệu chứng. Chẳng hạn như, nếu bạn uống cà phê và cơn đau tăng lên, bác sĩ có thể khuyên nên tránh dùng caffein.

Những thay đổi về lối sống có thể giúp làm giảm nhẹ triệu chứng viêm bàng quang mãn tính và ngăn nhiễm trùng tái phát, bao gồm:

  • Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước, để giúp loại bỏ vi khuẩn
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là khi cảm thấy cần
  • Làm trống bàng quang càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục
  • Lau vùng kín từ trước ra sau sau khi đi tiểu hoặc đi tiêu
  • Hạn chế tắm bồn và ngâm mình trong bồn quá lâu
  • Nhẹ nhàng rửa vùng da xung quanh âm đạo và hậu môn hàng ngày bằng xà phòng nhẹ và nhiều nước
  • Tránh mặc quần áo bó sát
  • Không sử dụng các hình thức ngừa thai ngoài màng ngăn và chất diệt tinh trùng
  • Tránh sử dụng xịt khử mùi hoặc các sản phẩm có mùi thơm phụ nữ ở vùng sinh dục
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tăng hoạt động thể chất
  • Nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng.

Bạn có thể quan tâm: 9 cách chữa viêm bàng quang tại nhà bạn không thể bỏ qua

Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng viêm bàng quang mãn tính. Việc thăm khám và điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ giúp bạn ngăn ngừa viêm bàng quang tái phát nhiều lần trong năm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chronic bladder infection: Is there a cure? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cystitis/expert-answers/bladder-infection/faq-20057833. Ngày truy cập: 22/07/2022

Recurrent Cystitis in Women. https://patient.info/womens-health/lower-urinary-tract-symptoms-in-women-luts/recurrent-cystitis-in-women. Ngày truy cập: 22/07/2022

Cystitis. https://www.nhs.uk/conditions/cystitis/. Ngày truy cập: 22/07/2022

Chronic Cystitis: A Non-Diagnosis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2306620/. Ngày truy cập: 22/07/2022

Recurrent cystitis in non-pregnant women. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2907990/#:~:text=Recurrent%20cystitis%20is%20usually%20defined%20in%20the%20literature%20as%20three,%2C%20diagnostic%20tests%2C%20and%20prescriptions. Ngày truy cập: 22/07/2022

Why do I keep getting cystitis? https://www.avogel.co.uk/health/cystitis/why-do-i-keep-getting-cystitis/. Ngày truy cập: 22/07/2022

Why Does Cystitis Keep Coming Back? https://www.simplymedsonline.co.uk/blog/cystitis-keep-coming-back. Ngày truy cập: 22/07/2022

Phiên bản hiện tại

25/07/2022

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?

Viêm bàng quang có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo