backup og meta

Cấy ốc tai điện tử và những điều cần biết

Cấy ốc tai điện tử và những điều cần biết

Cấy ốc tai điện tử là một trong những phương pháp chữa trị phổ biến trong trường hợp mất thính lực nghiêm trọng. Ốc tai điện tử sẽ chuyển đổi âm thanh thành các xung điện và được truyền lên não. Do đó, thiết bị này có thể dùng để thay thế cho chức năng của ốc tai.

Cùng tìm hiểu về cách thức hoạt động, ưu, nhược điểm của ốc tai điện tử trong bài viết sau.

Ốc tai điện tử là gì?

Ốc tai điện tử là một thiết bị y tế điện tử giúp cải thiện tình trạng mất thính lực từ trung bình đến nặng. Thiết bị này được sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng ở các độ tuổi khác nhau.

Ốc tai điện tử hoạt động bằng cách kích thích điện lên thần kinh thính giác. Nó được cấu tạo gồm 2 phần: Phần bên trong và phần bên ngoài.

Phần bên ngoài của ốc tai điện tử được đặt sau tai của người sử dụng. Nó bao gồm 1 micro có nhiệm vụ nhận sóng âm thanh và một bộ xử lý để phân tích âm thanh, biến âm thanh thành tín hiệu số.

Các tín hiệu này được truyền đến một bộ phận phát trước khi chuyển tiếp đến bộ phận thu nhận bên trong. Bộ phận phát và bộ phận thu bên trong được nối với nhau bằng một thanh nam châm.

Phần bên trong của ốc tai điện tử sẽ được cấy vào bên dưới da, phía sau tai. Khi nhận được tín hiệu số, bộ phận thu nhận bên trong sẽ biến chúng thành các xung điện. Những xung điện này sẽ được truyền đến các điện cực trong ốc tai, kích thích dây thần kinh ốc tai. Các dây thần kinh sẽ tiếp tục truyền các xung điện đến não, giúp người sử dụng nghe được các âm thanh.

Cấy ốc tai điện tử

Âm thanh được truyền đến bộ não bằng cách này không giống với các âm thanh bình thường. Do đó, người sử dụng sẽ được yêu cầu trị liệu ngôn ngữ và phục hồi chức năng để có thể diễn giải đúng các âm thanh này.

Cấy ốc tai điện tử phù hợp với đối tượng nào?

Cấy ốc tai điện tử không phải là phương pháp phù hợp với mọi đối tượng. Trẻ em và người lớn có thể là tiến hành cấy ốc tai điện tử khi:

  • Mất thính lực nặng ở cả hai tai
  • Máy trợ thính không mang đến hiệu quả
  • Không có các vấn đề y tế làm tăng rủi ro phẫu thuật

Ngoài ra, ở người trưởng thành, cấy ốc tai điện tử cũng được khuyến khích trong các trường hợp:

  • Mất thính giác làm gián đoạn khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ
  • Mất một phần hoặc toàn bộ thính giác
  • Phụ thuộc vào khẩu hình miệng kể cả khi đã dùng máy trợ thính
  • Có sự hiểu biết về hoạt động và chức năng của ốc tai điện tử

Giảm thính lực

Các chuyên gia thính học và bác sĩ phẫu thuật tai, mũi, họng (ENT) sẽ giúp xác định trường hợp nào có thể cấy ốc tai điện tử.

Sự khác biệt giữa ốc tai điện tử và máy trợ thính

Máy trợ thính cũng là một thiết bị y tế được sử dụng trong trường hợp suy giảm thính lực. Khác với ốc tai điện tử, máy trợ thính không truyền tín hiệu âm thanh qua các điện cực. Thay vào đó, máy trợ thính sẽ sử dụng micro, bộ khuếch đại và loa để làm cho âm thanh lớn hơn, giúp người dùng cải thiện khả năng nghe của mình. Ngoài ra, máy trợ thính cũng không cần đến phẫu thuật để cấy ghép. Chúng thường được dùng để đeo ở trong hoặc phía sau tai.

Máy trợ thính sẽ phù hợp với các đối tượng bị mất thính lực từ nhẹ đến trung bình. Khả năng khuếch đại của máy sẽ phụ thuộc vào mức độ khiếm thính của người dùng. Một số loại máy trợ thính có thể giúp ích trong trường hợp suy giảm thính lực nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cấy ốc tai điện tử vẫn là lựa chọn tối ưu hơn.

Máy trợ thính

Ưu nhược điểm của phương pháp cấy ốc tai điện tử

Như các thiết bị y tế khác, ốc tai điện tử cũng có ưu và nhược điểm nhất định.

Ưu điểm

Ốc tai điện tử có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong trường hợp bạn bị mất thính lực nghiêm trọng. Ưu điểm của thiết bị này phụ thuộc vào quá trình phẫu thuật và hồi phục của người dùng.

Theo Healthline, cấy ốc tai điện tử có thể giúp người sử dụng:

  • Nghe được nhiều âm thanh khác nhau
  • Hiểu lời nói mà không cần phụ thuộc vào khẩu hình miệng
  • Nghe được giọng nói trên điện thoại
  • Nghe nhạc và xem tivi mà không cần các thiết bị hỗ trợ khác

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thiết bị này có thể giúp các bé học nói nhanh và tốt hơn.

Ưu điểm của cấy ốc tai điện tử

Nhược điểm

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử là một ca phẫu thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, nó vẫn có thể mang đến một số rủi ro tiềm tàng như:

  • Chảy máu
  • Sưng tai
  • Ù tai
  • Chóng mặt
  • Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật
  • Khô miệng
  • Thay đổi khẩu vị
  • Liệt cơ mặt
  • Mất thăng bằng
  • Viêm màng não
  • Phẫu thuật để tháo bỏ cấy ghép ốc tai (do nhiễm trùng) hoặc sửa chữa thiết bị có thể gây ra một số rủi ro khác.

Chóng mặt

Rủi ro của việc phẫu thuật thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bên cạnh đó, cấy ốc tai điện tử cũng không giúp thính giác được phục hồi toàn diện. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử sẽ hoàn toàn không mang lại tác dụng cải thiện thính lực.

Ngoài ra, cấy ốc tai điện tử còn có các nhược điểm như:

  • Người dùng phải tháo bỏ các bộ phận bên ngoài khi tắm và bơi lội
  • Người dùng phải thường xuyên sạc pin hoặc thay pin mới
  • Tình trạng mất thính giác tự nhiên vẫn tiếp tục tồn tại
  • Ốc tai điện tử có thể bị hư hỏng do va đập khi chơi thể thao hoặc tai nạn
  • Người dùng cần học cách để phục hồi chức năng và sử dụng ốc tai được cấy ghép

Những điều cần biết khi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử

Trước khi cấy ốc tai điện tử, bác sĩ sẽ giải thích cho bạn về những vấn đề quan trọng trong và sau khi phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật thường được tiến hành như sau:

  • Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được gây mê toàn thân
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường sau tai và tạo một vết lõm trong xương chũm
  • Bác sĩ tiếp tục tạo ra một lỗ nhỏ trong ốc tai và chèn các điện cực qua lỗ
  • Bác sĩ chèn bộ phận thu nhận bên trong vào phía sau tai, bên dưới lớp da. Bộ phận này sẽ được gắn chặt vào phía sau đầu trước khi vết mổ được khâu kín lại.

Phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật hoàn tất, bạn sẽ được chuyển đến phòng phục hồi hậu phẫu. Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi để kiểm soát các tác dụng phụ (nếu có) từ ca phẫu thuật. Thông thường, bạn sẽ được xuất viện sau một vài giờ hoặc một ngày sau phẫu thuật. Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc vết mổ tại nhà.

Sau một tuần, bạn cần đi tái khám để bác sĩ kiểm tra vết mổ. Sau khi vết mổ hồi phục, thiết bị sẽ được kích hoạt.

Khoảng 1 tháng sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ gắn thêm các bộ phận bên ngoài của ốc tai điện tử. Các thành phần bên trong cũng được kích hoạt ngay sau đó.

Trong vòng vài tháng, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của bạn. Đồng thời, bạn cũng cần tham gia trị liệu phục hồi thính lực. Việc này sẽ giúp bạn cải thiện được chức năng nghe và nói. Chương trình trị liệu này thường được đảm nhận bởi một nhà thính học hoặc một bác sĩ ngôn ngữ.

Ốc tai điện tử sẽ là lựa chọn tối ưu trong trường hợp máy trợ thính không hiệu quả. Tuy nhiên, việc cấy ốc tai điện tử có thể gây ra một số biến chứng tiềm ẩn. Vì thế, đây không phải là phương pháp cải thiện thính lực phù hợp cho mọi đối tượng. Bên cạnh đó, việc cấy ốc tai điện tử cũng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của bác sĩ phẫu thuật.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cochlear implant

https://www.healthline.com/health/cochlear-implant#pros-and-cons

Ngày truy cập: 11-03-2020

Cochlear implant

https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/cochlear-implant-surgery

Ngày truy cập: 11-03-2020

Cochlear implant

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cochlear-implants/about/pac-20385021

Ngày truy cập: 11-03-2020

Phiên bản hiện tại

10/07/2020

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Ráy tai ướt có sao không? Ráy tai như thế nào là bình thường?

Hello Bacsi | 7 Mẹo hay giúp đẩy nước khỏi tai nhanh chóng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo