Việc lớp niêm mạc mũi không được cung cấp đủ độ ẩm khiến mũi bị khô, khó chịu, thậm chí là gây chảy máu mũi. Thực tế là triệu chứng khô mũi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như thói quen sinh hoạt, môi trường sống, đôi khi là cả những bệnh lý cần chú ý.
Việc xác định được nguyên nhân khiến mũi bị khô sẽ giúp khắc phục, điều trị tình trạng này hiệu quả! Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau của Hello Bacsi!
Khô mũi hay mũi bị khô là gì?
Tình trạng khô mũi xảy ra khi lớp niêm mạc màng nhầy trong khoang mũi không đủ độ ẩm dẫn đến việc khoang mũi bị khô, khó chịu, chảy máu mũi và các triệu chứng khác như đau hốc mũi, đau xoang… May mắn thay, việc điều trị tình trạng mũi bị khô thường khá dễ dàng khi kết hợp các biện pháp điều trị tại nhà và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, nếu tình trạng mũi bị khô kéo dài không điều trị có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cho khoang mũi.
Mũi bị khô sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng nào?
1. Triệu chứng mũi bị khô
Tình trạng khô mũi hay mũi bị khô có thể gây ra các triệu chứng không thoải mái ở đầu, mũi, miệng và cổ họng. Đi kèm với triệu chứng khô mũi, bạn có thể có thêm các dấu hiệu phổ biến như:
- Đau họng
- Đau đầu
- Đau xoang mũi hoặc cảm thấy có áp lực trên mũi
- Chảy máu mũi
- Khô miệng…
Khi hốc xoang khô, bộ phận này sẽ không sản xuất đủ chất nhầy khiến cổ họng, mũi và khoang miệng cũng bị khô.
Khi xoang mũi quá khô, các mô sẽ viêm và kích thích. Tình trạng kích thích trong xoang cũng có thể dẫn đến đau đầu, đau nhức ở vùng má và áp lực trong xoang.
2. Khô mũi có nguy hiểm không, khi nào cần đi khám?
Tình trạng mũi bị khô có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng mũi xoang
- Viêm thanh quản
- Viêm họng
- Chảy máu mũi…
Bạn cần đi khám ngay nếu nhận thấy mũi bị khô và có thêm một trong các triệu chứng sau:
- Đau nặng mặt
- Đau xoang
- Sốt
- Dịch mũi đặc có màu đục, xanh lá cây hoặc màu vàng
- Nghẹt mũi
- Mũi bị kích thích hoặc đau họng
- Ho
- Khàn giọng.
Có thể bạn quan tâm
Top 7 nguyên nhân gây khô mũi thường gặp
Theo các chuyên gia sức khỏe, nguyên nhân khô mũi có thể đến từ thói quen sinh hoạt, môi trường sống hoặc bắt nguồn từ một số bệnh lý cần quan tâm. Cụ thể như:
1. Cơ thể thiếu chất lỏng
Thói quen uống nước ít, thường xuyên quên uống nước khiến cơ thể thiếu lượng chất lỏng cần thiết cũng là nguyên nhân gây khô mũi. Khi cơ thể không có đủ độ ẩm thì các chất nhầy trong mũi cũng không được cung cấp đủ lượng chất ẩm cần thiết để giúp niêm mạc mũi ở trạng thái như bình thường.
Đôi khi, bạn cũng có thể bị khô mũi khi cơ thể quá nóng vì đang trải qua cơn sốt khiến cơ thể bị mất nước. Do đó, cần cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể thông qua việc bổ sung đủ nước, nước trái cây, trái cây mọng nước, canh, soup…
2. Do phản ứng với môi trường sống
Tình trạng mũi bị khô có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang phản ứng lại với môi trường sống.
- Không khí quá khô: Việc sinh hoạt trong không gian mà độ ẩm quá thấp, đặc biệt là vào mùa lạnh có thể khiến đường mũi và xoang bị khô và rát. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng điều hòa trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân gây khô mũi. Do đó, bạn hãy sử dụng máy tạo độ ẩm để bảo vệ đường mũi và đường thở nhé.
- Hóa chất và chất kích thích từ môi trường: Nhiều hóa chất và sản phẩm tẩy rửa có thể kích ứng đường mũi và xoang, khiến bạn bị khô xoang, đau họng, khô mũi, chảy máu cam và các triệu chứng tương tự như dị ứng. Một số chất có thể kích thích mũi như:
- Các sản phẩm tẩy rửa trong nhà
- Khói thuốc lá, khói nhang, nến thơm…
- Sơn nhà
- Nước hoa, nước xịt phòng có mùi mạnh…
Có thể bạn quan tâm
3. Khô mũi do mắc các bệnh hô hấp
Các bệnh đường hô hấp ảnh hưởng trực tiếp đến đường thở, đặc biệt là mũi. Do đó, việc gặp phải một trong các chứng bệnh hô hấp như: viêm họng, viêm xoang, chấn thương, xung huyết mũi… cũng có thể là nguyên nhân khiến mũi bị khô. Đôi khi, tình trạng khô mũi còn đi kèm với các dấu hiệu khác như nghẹt mũi, khó thở, thở bằng miệng, khô miệng….
4. Dị ứng khiến mũi bị khô
Theo các chuyên gia sức khỏe, dị ứng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn phải trải qua tình trạng mũi bị khô gây khó chịu. Cụ thể:
- Dị ứng theo mùa: Việc bị dị ứng theo mùa như viêm mũi dị ứng có thể khiến xoang bị kích thích, mô mũi khô và viêm. Điều này làm chất nhầy dày lại hoặc dính hơn và khiến cho tình trạng niêm mạc mũi bị khô nghiêm trọng hơn. Viêm mũi dị ứng có thể được kích hoạt bởi: phấn hoa, cỏ, cây, bụi… Tùy thuộc vào nơi sống, bạn có thể bị dị ứng nhiều hơn một lần mỗi năm. Các triệu chứng dị ứng theo mùa bao gồm:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau họng
- Ngứa hoặc chảy nước mắt
- Hắt xì
- Ngứa họng, xoang hoặc ống tai
- Hội chứng chảy dịch mũi sau
Dịch trong tai
- Đau đầu
- Ho
Thở khò khè
- Khó thở
- Dị ứng lông vật nuôi: Tương tự như dị ứng theo mùa, dị ứng với vật nuôi, chẳng hạn như lông mèo hoặc lông chó, có thể khiến xoang bị kích thích và khô mũi.
5. Mũi bị khô do tác dụng phụ của thuốc
Trong một số trường hợp, việc dùng thuốc chống dị ứng (kể cả kê đơn và không kê đơn) cũng có thể khiến xoang mũi bị khô.
Theo các chuyên gia sức khỏe, các thuốc làm khô chất nhầy dư thừa trong mũi như thuốc kháng histamine và thuốc xông mũi cũng có thể là nguyên nhân gây khô xoang mũi. Do đó, nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào và nhận thấy mũi bị khô, hãy hỏi ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ ngay. Họ có thể điều chỉnh liều hoặc thay thuốc khác cho bạn.
6. Bị khô mũi do mắc hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren là một rối loạn tự miễn ngăn cơ thể tiết ra đủ lượng dịch cần thiết cho các tuyến như tuyến lệ, tuyến nước bọt. Do đó, những người mắc hội chứng này thường bị khô mắt và khô miệng. Vì rối loạn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, nên nó cũng có thể khiến màng nhầy trở nên quá khô. Ở một số người, điều này có thể dẫn đến các xoang bị khô.
Một số triệu chứng của hội chứng Sjogren bao gồm:
- Khô miệng
- Khô mắt
- Da khô
- Đau khớp
- Khô âm đạo
- Mệt mỏi
- Viêm da
- Viêm mãn tính
7. Viêm mũi teo
Viêm mũi teo là tình trạng này làm cho niêm mạc mũi co lại và dày hơn khiến đường mũi khô lại, ảnh hưởng lớn đến các mạch máu ở khu vực này. Các biến chứng có thể bao gồm mất thính giác, chảy máu cam và nhiễm trùng.
Mũi bị khô: Chẩn đoán và điều trị như thế nào?
1. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán mũi bị khô là khá dễ dàng. Thế nên các bác sĩ có thể nhanh chóng xác nhận được tình trạng này thông qua việc kiểm tra lâm sàng. Tuy nhiên việc xác định khuyên nhân gây khô mũi có thể khó khăn hơn. Dựa vào các triệu chứng mà các bác sĩ sẽ phần nào xác định vấn đề của bạn.
- Để chẩn đoán nguyên nhân gây khô mũi là do dị ứng: Các bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm dị ứng. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ ra chính xác nguyên nhân bạn bị dị ứng và mức độ phản ứng. Điều này chỉ ra rằng bạn cần tránh những chất gây dị ứng đã được xác định hoặc có được phương thức hỗ trợ điều trị mũi bị khô từ bác sĩ chuyên khoa.
- Để chẩn đoán các vấn đề khác về xoang mũi: Các bác sĩ có thể hoàn thành nội soi để kiểm tra khoang mũi. Từ các hình ảnh thu thập được, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán.
- Chẩn đoán hội chứng Sjögren: Việc chẩn đoán tình trạng mũi bị khô của bạn có phải là do hội chứng Sjogren hay không thường dựa trên việc xem xét kỹ càng các triệu chứng mà bạn gặp phải, tiến hành xét nghiệm nước bọt hoặc máu để tìm kiếm các kháng thể cần thiết.
2. Điều trị
Mũi bị khô được điều trị như thế nào? Lời khuyên đầu tiên mà bạn có thể nhận được là đừng ngoáy mũi. Bởi hành động này có thể đưa virus và vi khuẩn vào mũi, làm lây lan các bệnh về đường hô hấp… Tùy theo các nguyên nhân gây khô mũi, mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
- Đối với các tình trạng nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tự điều trị tại nhà để giảm bớt sự khó chịu:
- Uống nhiều nước để cơ thể có đủ lượng chất lỏng cần thiết
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để không khí không trong nhà quá khô
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng
- Tránh sinh hoạt ở những nơi có nhiều khói bụi ô nhiễm
- Tắm bằng nước ấm
- Ngưng dùng thuốc làm thông mũi hoặc kháng histamine. Nếu là thuốc kê toa, bạn hãy thông báo các triệu chứng xoang khô cho bác sĩ để họ có những điều chỉnh thích hợp
- Xông hơi với nước nóng…
- Trường hợp nặng, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như:
- Khô mũi là do tác dụng phụ của thuốc: Điều chỉnh hoặc thay đổi đơn thuốc để tránh tác dụng phụ gây khô
- Hội chứng Sjogren: Điều trị các triệu chứng của hội chứng này bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
- Do dị ứng: Xác định tác nhân gây dị ứng, tránh xa chúng và dùng thuốc chống dị ứng khi cần thiết.
Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được tổng hợp trong bài, bạn đã nắm rõ được nguyên nhân khiến mũi bị khô, từ đó có giải pháp chăm sóc/điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-heart-rate]