Dị vật mắc kẹt bên trong mũi
Có thể là dị vật sống như con đỉa, con vắt, thường gặp ở người lớn với những thói quen tắm nước ao uống nước suối rừng. Có thể là dị vật “chết” như những vật tí xíu mà trẻ nhỏ thường dùng làm “đồ chơi” xong rồi nhét vô mũi, thí dụ như hạt cườm, cúc áo, viên pin… Nếu thấy trẻ bị chảy mũi một bên, dịch mũi hôi, lẫn máu thì cần phải đi khám ngay.
Nhân tiện, chảy nước mũi ở trẻ nhỏ còn có thể là do viêm quá phát amidan vòi (sùi vòm-VA).
Phì đại cuốn mũi
Các cuốn mũi là cấu trúc giải phẫu dọc theo mặt bên của hốc mũi, có vai trò làm tăng diện tích của niêm mạc mũi, đóng góp vào quá trình “khí động học” của đường thở mũi. Trong bệnh lý phì đại cuốn mũi thì niêm mạc bị thoái hóa, phù nề, gồ ghề, tăng thể tích, làm hẹp đường thở mũi, thậm chí chèn đẩy vào vách ngăn mũi, gây kích thích tăng tiết, chảy mũi.
Ngoài phì đại cuốn mũi, một số các bất thường về giải phẫu khác như lệch vẹo vách ngăn, gai vách ngăn… cũng có thể kích thích niêm mạc gây ra chảy mũi.
Khi có quá nhiều nước mắt
Đôi khi, chảy nước mũi không phải là triệu chứng của một bệnh lý nào đó mà chỉ là cơ chế phản xạ sinh lý tự nhiên của cơ thể. Chẳng hạn như khi bạn khóc, khi bị cay mắt khiến nước mắt từ tuyến lệ tuôn trào, chảy qua ống dẫn nước mắt (lệ đạo) để đổ vào ngách mũi dưới. Lúc này, nước mắt thường hòa cùng dịch nhầy từ mũi và chảy ra ngoài, điều đó là bình thường, nhất là đối với những người “mít ướt”.
Khi ăn những thức ăn có gia vị cay nồng, nóng như tiêu, ớt, mù tạt… thì những kích thích vị giác “bùng nổ” ấy cũng tạo phản xạ sinh ra cơn “đại hồng thủy” của mắt và mũi.
Chảy nước mũi có phải bị COVID-19?

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm họa toàn cầu. Virus quái ác này luôn luôn biến đổi và các triệu chứng của bệnh cũng biến đổi theo. Có một điều “tệ hại” rằng, các biểu hiện triệu chứng của nó ngày càng giống với các bệnh hô hấp thông thường khác. Chính vì thế mà “không biết đâu mà lần” khi mà cùng với nó, cảm lạnh và cảm cúm cùng hiện diện trong cộng đồng. Hiện tượng “dịch chồng dịch” là… có thật. Sẽ rất nguy hiểm nếu mắc hai thứ cùng một lúc. Vì vậy, nhiều người không tránh khỏi thắc mắc rằng khi chảy mũi nước có phải bị COVID-19 không? Câu trả lời cho vấn đề này là… có thể. Các triệu chứng “kinh điển” khi bị COVID-19 “đời đầu”, thí dụ như:
- Ho
- Thở gấp, khó thở
- Sốt, ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Mất vị giác, khứu giác
- Đau nhức cơ hoặc cơ thể
- Viêm họng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn hoặc nôn mửa…
Thì nay không còn “nguyên vẹn” như vậy nữa mà nó “na ná” như cảm cúm, cảm lạnh, thậm chí như một tình trạng viêm mũi dị ứng thông thường.
Những triệu chứng nào khác có thể đi kèm với chảy nước mũi?
Chảy nước mũi đôi khi là triệu chứng đơn lẻ nhưng trong phần lớn các trường hợp, thường đi kèm với các triệu chứng khác, thí dụ như:
- Sổ mũi kèm ho, đau họng: Tình trạng này xảy ra khi dịch nhầy từ mũi chảy xuống thành sau họng.
- Sổ mũi và nghẹt mũi thường đi kèm: Khi niêm mạc mũi bị sung huyết, phù nề sẽ gây tắc nghẽn đường thở mũi.
- Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm có thể kèm theo mệt mỏi, đau họng, ho, sốt.
- Chảy nước mũi do dị ứng có thể kèm theo hắt hơi, ngứa và chảy nước mắt.
Điều trị sổ mũi như thế nào?
Tình trạng sổ mũi thông thường thì không cần điều trị, có thể tự khỏi. Bạn có thể lựa chọn cách khắc phục tại nhà. Các biện pháp này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong khi chờ nó hết dần.
Cách điều trị sổ mũi tại nhà đơn giản

Như đã đề cập, người bị sổ mũi hiếm khi cần dùng đến thuốc kê toa. Thay vào đó, việc áp dụng các biện pháp sau đây có thể hữu ích:
- Nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước lọc và tránh đồ uống chứa cồn, caffeine.
- Uống trà nóng cũng có thể giúp ích cho tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi. Thế nhưng, bạn cần ưu tiên chọn trà thảo mộc có tác dụng chống viêm, sung huyết nhẹ như trà cúc, gừng, bạc hà…
- Sử dụng bình rửa mũi đúng cách để loại bỏ dịch nhầy dư thừa. Khi rửa mũi, bạn nên dùng nước muối sinh lý vô trùng để tránh bị kích thích thêm và để giảm nguy cơ nhiễm trùng mũi xoang.
- Sử dụng bình xịt nước muối để giữ ẩm cho mũi và làm loãng dịch nhầy, tuy nhiên, không nên quá lạm dụng và dùng kéo dài.
- Xông hơi phần mặt bằng cách hít hơi nước nóng, tắm nước nóng có thể giúp giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi.
- Ăn thức ăn cay thường kích thích chảy nước mũi nhưng cũng có thể làm giảm nghẹt mũi trong một số trường hợp.
- Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng, làm cho không khí bớt hanh khô, qua đó làm “dịu” lại niêm mạc mũi và tạo điều kiện cho niêm mạc mũi tống xuất dịch ứ đọng.
- Đối với những người bị viêm mũi dị ứng thì cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên như:
- Hạn chế nguy cơ tiếp xúc phấn hoa bằng cách ở trong nhà nhiều hơn, đóng cửa sổ, tránh các hoạt động ngoài trời.
- Đeo khẩu trang chống bụi nếu phải làm việc hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi nếu bạn dị ứng nước miếng dính trên lông của chúng.
- Mang theo các loại thuốc được bác sĩ kê toa như thuốc xịt mũi steroid hoặc thuốc kháng histamine để dùng khi cần thiết.
Điều trị sổ mũi và các triệu chứng đi kèm khác bằng thuốc hoặc phẫu thuật
Đối với các trường hợp cần điều trị bằng thuốc thì tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác có thể kê đơn thuốc phù hợp. Nếu bạn bị viêm mũi xoang do vi khuẩn, sẽ cần dùng đến kháng sinh. Nếu do virus, chẳng hạn như cảm lạnh, cảm cúm thông thường thì chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng và chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Trong một số thể loại cúm đặc biệt, đe dọa biến chứng nguy hiểm thì sẽ phải dùng đến những thuốc kháng virus đặc hiệu.
Những trường hợp như viêm mũi xoang mạn tính, thoái hóa niêm mạc, u hốc mũi, polyp mũi, lệch vách ngăn mũi, V.A ở trẻ… gây tắc nghẽn đường thở mũi thì có thể phải phẫu thuật để giải quyết.
Bị chảy nước mũi – Khi nào bạn cần đi khám?

Như đã đề cập, chảy mũi “qua loa” thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi thấy nó “không bình thường” thì bạn cần phải đi khám ngay, thí dụ:
- Sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày và không có dấu hiệu cải thiện
- Có thêm các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất thường khác, chẳng hạn như kèm với sốt, đau vùng mặt.
- Đối với trẻ nhỏ, khi thấy các dấu hiệu như mũi chảy dịch nhầy một bên, dịch có mủ máu, mùi hôi thì cần đưa trẻ đi khám để “truy tìm kho báu” mà trẻ lỡ “cất giấu” trong đó.
Ngăn ngừa sổ mũi như thế nào?
Vì sổ mũi thường liên quan tới các bệnh truyền nhiễm về hô hấp, cho nên, để “phòng thủ”, nên “nghiêm chỉnh chấp hành” những điều sau:
- Đeo khẩu trang ở những nơi đông người
- Rửa tay khử khuẩn thường xuyên
- Tập thói quen dùng khuỷu tay che lại khi ho hoặc hắt hơi
- Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng sau khi xì mũi hoặc lau mũi vào đúng chỗ, không xả bừa bãi
- Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh, cảm cúm…
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch
- Thường xuyên khử trùng các bề mặt chung như bàn, ghế, đồ chơi của trẻ em, tay nắm cửa…
Chảy nước mũi (sổ mũi) là triệu chứng rất phổ biến ở mọi độ tuổi. Mặc dù thông thường thì nó chỉ gây một chút khó chịu và không đáng lo ngại nhưng cần lưu ý là nó có thể là biểu hiện của một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần phải có kiến thức để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!