backup og meta

Kích thích não sâu

Kích thích não sâu

 

Tìm hiểu chung

Kỹ thuật kích thích não sâu là gì?

Kích thích não sâu liên quan đến việc cấy điện cực vào các khu vực nhất định trong não người bệnh. Những điện cực này gửi tín hiệu điện đến các vùng não chịu trách nhiệm cho chuyển động cơ thể. Ngoài ra, các xung điện còn có thể ảnh hưởng đến một số tế bào và hóa chất trong não. Lượng kích thích được kiểm soát bởi một thiết bị đặt dưới da ở ngực trên của người bệnh, kết nối với các điện cực trong não bằng dây dẫn. Kỹ thuật thành công cho phép người bệnh giảm thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Khi nào người bệnh cần thực hiện kích thích não sâu?

Kích thích não sâu được áp dụng để điều trị một số tình trạng bệnh, chẳng hạn như:

  • Rối loạn trương lực
  • Động kinh
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Kích thích não sâu cũng đang được nghiên cứu như là một phương pháp điều trị tiềm năng cho:

  • Các chứng nghiện
  • Đau mạn tính
  • Sa sút trí tuệ
  • Trầm cảm
  • Bệnh Huntington
  • Đa xơ cứng
  • Phục hồi sau đột quỵ
  • Chấn thương sọ não

Kích thích não sâu là một phương pháp điều trị cho những người thiếu đáp ứng thuốc với các bệnh rối loạn vận động, bệnh Parkinson, rối loạn trương lực, và các bệnh tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cũng chấp thuận sử dụng phương pháp này để giảm các cơn động kinh trong bệnh động kinh kháng thuốc.

Điều cần thận trọng

Mặc dù kích thích não sâu là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu và được coi là an toàn, nó cũng là một dạng phẫu thuật, do đó vẫn tồn tại nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ.

Rủi ro của kỹ thuật

Kích thích não sâu bao gồm việc tạo ra các lỗ nhỏ trên hộp sọ để cấy ghép các điện cực và cấy ghép thiết bị phát xung điện (chứa pin) dưới da gần xương đòn. Biến chứng của phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Sai vị trí điện cực
  • Tụ máu trong não
  • Đột quỵ
  • Nhiễm trùng
  • Vấn đề về hô hấp
  • Vấn đề về tim mạch
  • Buồn nôn
  • Động kinh

Kỹ thuật kích thích não sâu gồm 3 phần cấy ghép: điện cực, dây dẫn và thiết bị phát xung điện

Tác dụng phụ có thể xảy ra

Tác dụng phụ liên quan đến kích thích não sâu có thể bao gồm:

  • Động kinh
  • Nhiễm trùng
  • Đau đầu
  • Bị lẫn
  • Khó tập trung
  • Đột quỵ
  • Các biến chứng về phần cứng của thiết bị, chẳng hạn như dây dẫn bị ăn mòn
  • Đau và sưng tạm thời tại vị trí cấy ghép
  • Cảm giác tê bì hoặc ngứa ran
  • Co thắt cơ mặt hoặc cánh tay
  • Vấn đề về ngôn ngữ
  • Vấn đề về cân bằng
  • Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như tầm nhìn đôi
  • Choáng váng, lâng lâng
  • Thay đổi tâm trạng không mong muốn (tức giận và trầm cảm)

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cân nhắc những ưu và nhược điểm

Kích thích não sâu là một thủ thuật quan trọng và có khả năng rủi ro. Ngay cả khi người bệnh được đánh giá đủ điều kiện để thực hiện kích thích não sâu, người bệnh và bác sĩ cũng phải cân nhắc cẩn thận các rủi ro cũng như lợi ích tiềm năng của thủ thuật.

Giai đoạn chuẩn bị

Trước khi làm thủ thuật, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm y tế để đảm bảo đây là một lựa chọn an toàn và phù hợp. Người bệnh có thể cần chụp cộng hưởng từ (MRI) trước khi phẫu thuật. Hình ảnh não bộ giúp bác sĩ khoanh vùng các khu vực cấy ghép điện cực.

Giai đoạn thực hiện

Kích thích não sâu gồm có 2 phần cơ bản sau đây:

  • Phẫu thuật não. Ê-kíp phẫu thuật sử dụng khung gá đầu lập thể để giữ cho đầu người bệnh được ổn định vị trí trong suốt quá trình.Người bệnh được chụp cộng hưởng từ (MRI) để sử dụng ảnh phim, xác định khu vực trong não nơi sẽ đặt các điện cực. Có 2 lựa chọn là gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ. Khi gây tê cục bộ, người bệnh sẽ tỉnh táo để các bác sĩ đánh giá chức năng não. Người bệnh không có cảm giác đau khi đưa điện cực vào trong não, vì vùng phát tín hiệu đau riêng biệt đã bị bất hoạt. Kỹ thuật hình ảnh vi tính não được dùng để định vị chính xác vị trí chính xác trong não, nơi mà các tín hiệu thần kinh gây ra run và các triệu chứng khác. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật cấy một dây dẫn mỏng và điện cực vào một khu vực cụ thể trong não. Người bệnh cũng có thể dược cấy 2 dây dẫn (mỗi bên não 1 dây). Dây này chạy bên dưới da đến một máy phát xung điện (neurostimulator) cũng được cấy dưới da.
  • Phẫu thuật thành ngực. Trong phần thứ hai của phẫu thuật, người bệnh được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cấy ghép máy phát xung điện (thiết bị chứa pin) dưới da ở ngực, thường là gần xương đòn. Dây dẫn từ các điện cực não được đặt ngầm dưới da dẫn xuống bộ tạo xung hoạt động bằng pin này. Dụng cụ lập trình được sử dụng cùng với thiết bị phát xung điện nhằm điều chỉnh các thông số phù hợp với mức độ kích thích. Người bệnh sẽ được hướng dẫn để bật và tắt máy phát xung điện tại nhà qua thiết bị điều khiển từ xa.

Giai đoạn hoàn tất

Một vài tuần sau khi phẫu thuật, người bệnh quay lại cơ sở y tế để tiến hành kích hoạt máy phát xung điện đã cấy. Máy có thể dễ dàng được lập trình từ bên ngoài cơ thể bằng bảng điều khiển từ xa. Lượng kích thích sẽ tùy chỉnh theo tình trạng của người bệnh. Đôi khi có thể mất từ ​​4 đến 6 tháng để tìm được thông số cài đặt tối ưu.

Lượng kích thích có thể không đổi (24 giờ một ngày) hoặc bác sĩ sẽ cho phép tắt máy phát xung vào ban đêm và bật lại vào buổi sáng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lập trình máy tạo xung để người bệnh tự thực hiện các điều chỉnh nhỏ tại nhà. Tùy thuộc vào ứng dụng mà pin có tuổi thọ từ 3 đến 5 năm. Khi cần thay pin, máy phát xung điện cũng được thay song song và người bệnh chỉ cần gây tê tại chỗ.

Kết quả

Kết quả của kỹ thuật kích thích não sâu là gì?

Đối với bệnh Parkinson, kỹ thuật kích thích não sâu giúp cải thiện các triệu chứng chậm chạp, run rẩy và cứng khớp ở khoảng 70% người bệnh. Hầu hết trường hợp có thể giảm thuốc và giảm tác dụng phụ (như chứng khó đọc). Đối với chứng run vô căn, kết quả ghi nhận triệu chứng run tay giảm đáng kể ở 60 đến 90% người bệnh. Kỹ thuật cũng có thể cải thiện chứng run ở đầu và dây thanh quản. Bên cạnh đó, kích thích não sâu giúp người bệnh có giấc ngủ tốt hơn, tham gia nhiều hơn vào hoạt động thể chất và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Kích thích não sâu tuy không chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng nó giúp giảm bớt hoặc cải thiện các triệu chứng đáng kể. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể vẫn cần sử dụng thuốc uống.

Kích thích não sâu là một kỹ thuật ngày càng được áp dụng rộng rãi, nhưng không phải lúc nào cũng thành công tuyệt đối cho tất cả mọi người. Kỹ thuật này vẫn tồn tại vài nguy cơ, mặc dù các tác dụng phụ nhìn chung là nhẹ và có thể phục hồi. 

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Deep brain stimulation. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/deep-brain-stimulation/about/pac-20384562. Ngày truy cập 25/11/2019

Deep brain stimulation. https://mayfieldclinic.com/pe-dbs.htm. Ngày truy cập 25/11/2019

Deep Brain Stimulation for Parkinson’s Disease.
https://www.webmd.com/parkinsons-disease/guide/dbs-parkinsons#1. Ngày truy cập 25/11/2019

Phiên bản hiện tại

26/02/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám và dùng thuốc ra sao?

Làm thế nào quản lý triệu chứng cảm giác của đa xơ cứng hiệu quả?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 26/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo