backup og meta

Neuroplasticity là gì mà có thể chữa lành tổn thương?

Neuroplasticity là gì mà có thể chữa lành tổn thương?

Những bệnh nhân hồi phục sau khi bị đột quỵ hay chấn thương não có thể là bằng chứng cho thấy não bộ cũng có khả năng tự chữa lành. Hãy cùng tìm hiểu neuroplasticity là gì để hiểu về khả năng chữa lành tổn thương của não nhé!

Não bộ từ lâu đã được xem là một bộ phận cơ thể không thay đổi quá nhiều và không thể tự làm mới như da, tóc hay móng tay. Ngày nay, các nhà khoa học đã khám phá ra neuroplasticity chính là hiện tượng não tự tái cấu trúc để chữa lành hay bù đắp những tổn thương não bạn gặp phải. 

Neuroplasticity là gì?

Neuroplasticity (khả biến thần kinh) là khả năng thích ứng của bộ não sau những trải nghiệm và biến cố. Đây là những thay đổi sinh lý trong não xảy ra khi bạn tương tác với môi trường xung quanh.

Không giống như máy tính chỉ có một số chức năng và phần mềm nhất định, bộ não có thể hình thành hay loại bỏ một số kết nối giữa các nơ ron. Khi bạn học điều gì đó mới, một liên kết mới giữa các tế bào thần kinh cũng sẽ hình thành. Nếu bạn bỏ bê và không luyện tập những kỹ năng mình đang có, những liên kết thần kinh liên quan sẽ mất đi.

Từ khi não bắt đầu phát triển cho đến khi cơ thể chết đi, những kết nối giữa các tế bào trong não luôn được tổ chức lại theo những nhu cầu khác nhau của bạn. Quá trình tái liên kết linh hoạt này cho phép bạn học hỏi kinh nghiệm và thích nghi với những trải nghiệm khác nhau.

Có hai loại khả biến thần kinh neuroplasticity là:

  • Khả biến về chức năng: Khi trong não có một phần bị hư tổn và mất chức năng, những phần não còn khỏe mạnh khác có thể đảm nhiệm các chức năng của vùng não đã hư tổn.
  • Khả biến về cấu trúc: Việc học tập kỹ năng mới có thể thay đổi cấu trúc vật lý của não. Ví dụ như khi bạn học một ngôn ngữ mới, cấu trúc não bộ sẽ không còn giống như cũ.

Neuroplasticity có thể thay đổi theo độ tuổi. Những ai còn trẻ thường có độ khả biến thần kinh cao hơn và cũng nhạy cảm với những trải nghiệm mới hơn.

Những lợi ích của neuroplasticity

Neuroplasticity là gì

Tính khả biến thần kinh có một số lợi ích nhất định cho não bộ nói chung và sức khỏe tổng thể nói riêng. Một số lợi ích có thể kể đến là:

  • Giúp học tập hiệu quả hơn
  • Mở rộng khả năng nhận thức
  • Tăng cường khả năng ghi nhớ
  • Phục hồi chức năng sau đột quỵ và chấn thương sọ não
  • Thay đổi được chức năng các vùng trong não để bù đắp những chức năng bị mất.
  • Tăng cường một số chức năng sau khi mất một số chức năng khác. Ví dụ như khướu giác sẽ phát triển hơn nếu bạn mất thị giác.

Bí quyết giúp bạn phát triển não bộ

Bí quyết giúp bạn phát triển não bộ

Bạn có thể tăng độ “mềm dẻo” của não bộ để học cái mới hiệu quả hơn hay để phục hồi sau một chấn thương, bạn có thể áp dụng các bí quyết sau đây để làm tăng tính khả biến thần kinh:

  • Đi du lịch: Não tiếp xúc với những kích thích và môi trường mới sẽ mở ra những kết nối thần kinh mới trong não bộ.
  • Học chơi một nhạc cụ: Khi học cách chơi một nhạc cụ, bạn có thể tăng sự kết nối giữa các vùng não và giúp hình thành mạng lưới thần kinh mới.
  • Dùng tay không thuận: Trải nghiệm mới lạ này sẽ tạo ra và củng cố kết nối giữa các nơ ron.
  • Đọc tiểu thuyết: Thói quen đọc tiểu thuyết thường xuyên tăng số lượng và chất lượng các kết nối trong não.
  • Học thêm từ mới: Việc này kích hoạt các quy trình xử lý âm thanh, hình ảnh của não cũng như tăng cường trí nhớ.
  • Sáng tạo nghệ thuật: Nghệ thuật tăng cường khả năng kết nối của bộ não khi nghỉ ngơi, từ đó tăng khả năng thấu hiểu bản thân, trí nhớ, sự đồng cảm, sự chú ý và tập trung.
  • Học nhảy: Điều này sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và tăng kết nối thần kinh.
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ sẽ giúp bạn củng cố các mối liên kết giữa các nơ ron thần kinh và giúp việc truyền thông tin giữa các tế bào nhanh chóng hơn.

Bạn có thể tăng khả năng học hỏi điều mới hay chữa lành tổn thương não nếu biết neuroplasticity là gì và cách tận dụng hiện tượng này. Những trải nghiệm mới mẻ có thể mang đến nhiều lợi ích cho não hơn bạn tưởng đấy!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

New Clues on Brain’s Ability to Learn
https://www.webmd.com/brain/news/20110404/new-clues-on-brains-ability-to-learn
Ngày truy cập: 20.06.2019

What Is Brain Plasticity?
https://www.verywellmind.com/what-is-brain-plasticity-2794886
Ngày truy cập: 20.06.2019

What is Neuroplasticity? A Psychologist Explains [+ 14 Brain Plasticity Exercises]
https://positivepsychology.com/neuroplasticity/
Ngày truy cập: 20.06.2019

Phiên bản hiện tại

04/08/2020

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám và dùng thuốc ra sao?

Bộ não con người: 6 điều thú vị có thể bạn chưa biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 04/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo