backup og meta

Giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng hiệu quả

Giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng hiệu quả

Rối loạn tiền đình thường khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi trong quá trình chung sống với bệnh. Vì vậy, việc tuân thủ một số giải pháp cho người bị rối loạn tiền đình có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ chịu hơn.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy chóng mặt, quay cuồng và được chẩn đoán rối loạn tiền đình nhưng vẫn chưa hiểu rõ về tình trạng này, đừng lo lắng. Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về về triệu chứng, nguyên nhân, cũng như các giải pháp hỗ trợ người rối loạn tiền đình kiểm soát tình trạng bệnh của mình.

Hiểu về rối loạn tiền đình: Triệu chứng và nguyên nhân

Nhiều người đã được nghe nói về rối loạn tiền đình nhưng chưa thật sự hiểu rõ đây là bệnh lý gì, nguyên nhân mắc bệnh do đâu và biểu hiện triệu chứng như thế nào. Theo đó, rối loạn tiền đình xảy ra khi bệnh tật hoặc chấn thương làm tổn thương hệ thống tiền đình. Hệ thống này bao gồm não và các bộ phận của tai trong có vai trò xử lý thông tin cảm giác liên quan đến việc kiểm soát sự cân bằng và chuyển động [1].

Tùy vào khu vực bị ảnh hưởng mà rối loạn tiền đình được chia thành 2 loại là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Rối loạn tiền đình ngoại biên liên quan đến các tổn thương tại mê cung tiền đình, các ống bán khuyên hoặc dây thần kinh tiền đình ở tai trong, trong khi đó rối loạn tiền đình trung ương liên quan đến tổn thương ở não và thân não [2].

Vì ảnh hưởng đến các cơ quan kiểm soát sự cân bằng và chuyển động nên triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiền đình là chóng mặt, mất thăng bằng (có thể gây té ngã) hoặc cảm giác như bản thân đang lơ lửng. Nếu chóng mặt đi kèm các vấn đề ở mắt, mất thính lực ở một hoặc cả hai tai, nghe thấy tiếng ồn bên trong tai, buồn nôn hoặc nôn… thì thường là biểu hiện của các tình trạng rối loạn tiền đình ngoại biên, phổ biến như [2]:

  • Chóng mặt kịch phát lành tính (BPPV)
  • Viêm mê đạo và viêm thần kinh tiền đình
  • Bệnh Menière.

Nếu bạn bị rối loạn tiền đình do các vấn đề ở não như chấn thương não, đột quỵ, động kinh hoặc khối u ở não thì có thể biểu hiện triệu chứng chóng mặt đi kèm với khó nuốt, nói lắp, nhìn đôi, vấn đề chuyển động của mắt, tê liệt mặt hoặc tứ chi… [2]. Ngoài ra, rối loạn tiền đình còn có các triệu chứng khác ít gặp hơn như tiêu chảy, lo lắng, sợ hãi và thay đổi nhịp tim [3].

Giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng hiệu quả

Rối loạn tiền đình có thể gây khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống và đặc biệt làm tăng nguy cơ chấn thương do té ngã [3], [5]. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám sớm để có hướng điều trị và đối phó với tình trạng này một cách hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát triệu chứng:

Dùng thuốc kiểm soát chóng mặt do rối loạn tiền đình

Chóng mặt là triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiền đình và là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, trong một số trường hợp, bệnh nhân cần sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng này.

Thuốc kiểm soát triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình có nhiều loại khác nhau, bao gồm cả thuốc không kê đơn và kê đơn. Trong đó, thuốc chứa hoạt chất acetyl leucine dạng viên uống là thuốc không kê đơn giúp “cắt” cơn chóng mặt nhanh. Acetyl leucine, một axit amin mạch nhánh có khả năng điều hòa điện thế màng và kích thích các chất dẫn truyền giúp thúc đẩy bù trừ tiền đình. Qua đó, thuốc làm giảm rõ rệt triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, đồng thời chức năng tiền đình cũng được phục hồi. Nhóm thuốc này dùng được cho đa số đối tượng bệnh nhân người lớn, kể cả bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng hay bệnh nhân hen suyễn, thuốc có thể sử dụng kéo dài (lên đến 6 tuần).

Ngoài ra, một số thuốc khác như nhóm thuốc kháng cholinergic, nhóm thuốc kháng histamine, benzodiazepine… cũng có tác dụng giảm chóng mặt. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ.

thuốc trị rối loạn tiền đình

Tập các bài tập giúp phục hồi chức năng tiền đình theo hướng dẫn

Người bị rối loạn tiền đình sẽ nhận được nhiều lợi ích từ các bài tập rèn luyện thăng bằng, hay còn gọi là bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Theo đó, các chuyên gia trị liệu sẽ trao đổi với bệnh nhân để thiết kế một chương trình tập luyện phù hợp với thể chất và sức khỏe của mỗi người. Việc trị liệu sẽ giúp bạn bù đắp, thích ứng với tình trạng mất thăng bằng cũng như duy trì hoạt động thể chất một cách tốt nhất [4].

Duy trì lối sống, ăn uống lành mạnh

Một lời khuyên nữa dành cho người bị rối loạn tiền đình là cần phải duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh. Một số nguyên nhân gây chóng mặt như bệnh Menière, đau nửa đầu… có thể được cải thiện nhờ thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt [4]. Theo đó, bạn hãy: [4], [6]

  • Hạn chế sử dụng caffeine, rượu, thuốc lá…
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Uống đủ nước, ăn uống lành mạnh
  • Ngủ đủ giấc
  • Tránh để bản thân bị căng thẳng

Chú ý việc phòng ngừa té ngã do chóng mặt

Té ngã là một trong những biến chứng nguy hiểm của rối loạn tiền đình bởi trong nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong [7]. Vì vậy, ngoài kiểm soát chóng mặt, một lời khuyên cho người bị rối loạn tiền đình mà bạn nên ghi nhớ là chú ý phòng ngừa té ngã. Để hạn chế té ngã, bạn hãy [6]:

  • Tránh thay đổi tư thế hoặc di chuyển đột ngột
  • Đảm bảo luôn có ánh sáng trong nhà, phòng
  • Dùng thảm chống trượt cho nhà tắm
  • Ngồi hoặc nằm xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt
  • Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc nếu chóng mặt thường xuyên

Nhìn chung, rối loạn tiền đình rất dễ tái phát, nên bạn cần hiểu về tình trạng bệnh của bản thân qua sự tư vấn của bác sĩ hay tìm hiểu thêm thông tin từ các bài viết từ các trang tin cậy, để từ đó điều chỉnh lối sống, kết hợp với tập luyện và dùng thuốc phù hợp để có thể kiểm soát được triệu chứng của bệnh.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. TYPES OF VESTIBULAR DISORDERS https://vestibular-org.translate.goog/article/diagnosis-treatment/types-of-vestibular-disorders/?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=wapp Ngày truy cập: 12/06/2024

2. Vertigo /h/ttps://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/vertigo# Ngày truy cập: 12/06/2024

3. Vestibular Balance Disorder https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vestibular-balance-disorder Ngày truy cập: 12/06/2024

4. Vestibular Disorders https://utswmed.org/conditions-treatments/vestibular-disorders/ Ngày truy cập: 12/06/2024

5. Common Types of Vestibular Disease https://www.rwjbh.org/barnabas-health-ambulatory-care-center/treatment-care/balance-program/common-types-of-vestibular-disease/ Ngày truy cập: 12/06/2024

6. Dizziness https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dizziness/diagnosis-treatment/drc-20371792 Ngày truy cập: 12/06/2024

7. Vestibular Dysfunction https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558926/ Ngày truy cập: 12/06/2024

Phiên bản hiện tại

16/09/2024

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Chóng mặt buồn nôn: Triệu chứng đáng báo động của bệnh gì?

Khi cơn chóng mặt nguy hiểm hơn bạn nghĩ: Những triệu chứng nào đáng chú ý?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo