backup og meta

Khi cơn chóng mặt nguy hiểm hơn bạn nghĩ: Những triệu chứng nào đáng chú ý?

Khi cơn chóng mặt nguy hiểm hơn bạn nghĩ: Những triệu chứng nào đáng chú ý?

Bạn có từng nghĩ bị chóng mặt là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng? Mặc dù phần lớn trường hợp chóng mặt không phải là triệu chứng đáng lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu đi kèm với các biểu hiện bất thường thì sẽ cần can thiệp điều trị.

Chóng mặt là một vấn đề khá thường gặp và là thuật ngữ được dùng mô tả chung cho một loạt các cảm giác như choáng váng, muốn ngất đi, đầu óc trống rỗng, đứng không vững, mất thăng bằng hoặc cảm giác như bản thân hoặc môi trường xung quanh đang xoay vòng, quay cuồng [1]. Tình trạng chóng mặt hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bạn bị chóng mặt đột ngột, tái diễn nhiều lần hoặc có mức độ nghiêm trọng, kéo dài và không biết nguyên do thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm. Thậm chí, một số trường hợp chóng mặt nặng đi kèm với các triệu chứng đáng chú ý khác sẽ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp [2].

Triệu chứng của một cơn chóng mặt nguy hiểm bạn cần lưu ý

Mặc dù chóng mặt không phải là triệu chứng đặc trưng cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng bạn vẫn cần chú ý và thăm khám nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, cơn chóng mặt cũng có thể khiến bạn mất thăng bằng và làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương, giảm an toàn khi lái xe [3].

Trong một số trường hợp, nếu bạn bị chóng mặt nặng, khác thường hoặc chóng mặt quay cuồng đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào dưới đây thì hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chăm sóc y tế ngay lập tức [2], [4]:

  • Đau đầu dữ dội, đột ngột
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Tê hoặc liệt cánh tay/chân
  • Ngất xỉu
  • Hoa mắt, nhìn đôi
  • Nhịp tim nhanh, yếu hoặc không đều
  • Lú lẫn, không tỉnh táo hoặc nói líu lưỡi
  • Đi lại khó khăn hoặc bị vấp
  • Nôn mửa liên tục
  • Co giật
  • Mất thính lực đột ngột

    Tê hoặc yếu cơ mặt

  • Sốt cao trên 38.3ºC, đau đầu hoặc cứng cổ.

Ngoài ra, một số trường hợp khác cần thăm khám khi bị chóng mặt là [4]:

  • Mới trải qua cảm giác chóng mặt lần đầu tiên
  • Xuất hiện những triệu chứng mới hoặc nặng hơn
  • Bị chóng mặt sau khi uống thuốc
  • Mất thính lực

Chóng mặt có các triệu chứng “nguy hiểm” là bệnh gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bạn bị chóng mặt. Tùy vào yếu tố kích thích, thời gian kéo dài và bất kỳ triệu chứng nào khác kèm theo sẽ giúp xác định nguyên nhân gây chóng mặt [2].

Khi chóng mặt đi kèm với các triệu chứng nguy hiểm ở trên thì có thể liên quan đến đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA). Các vấn đề sức khỏe đáng chú ý này vẫn có khả năng xảy ra khi bị chóng mặt mà không kèm theo triệu chứng nào, nhất là ở người lớn tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ đột quỵ (như hút thuốc, tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, rung nhĩ, tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim) [5].

Hơn nữa, một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim cũng có thể gây ra tình trạng chóng mặt, quay cuồng [5].

Ngoài các tình trạng sức khỏe nguy hiểm kể trên, tình trạng chóng mặt còn có thể là do một số nguyên nhân thường gặp khác như:

  • Các chứng rối loạn tiền đình ngoại biên như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), viêm thần kinh tiền đình, bệnh Meniere (rối loạn ở tai trong)… [7].
  • Các bệnh lý liên quan đến tiền đình trung ương như bệnh đau nửa đầu migraine (đau đầu vận mạch), nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, u não, chấn thương, xơ cứng rải rác…. [7].
  • Các vấn đề khác như chứng suy nhược cơ thể, lo âu và căng thẳng, nhiễm độc, tác dụng phụ của thuốc, thiếu nước… [3].

Chóng mặt nên làm gì? Giải pháp điều trị và dự phòng tình trạng chóng mặt

thuốc trị chóng mặt

Với trường hợp bị chóng mặt đột ngột hoặc xuất hiện cùng những triệu chứng đáng lo ngại nghi ngờ liên quan đến những bệnh lý nguy hiểm thì bạn phải đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay [2]. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân được xác định [3].

Ngoài ra, việc thực hiện các nghiệm pháp chẩn đoán tiền đình (nghiệm pháp rung giật nhãn cầu, Romberg, bước đi hình sao…) cũng rất quan trọng. Bởi việc này giúp chẩn đoán nguyên nhân của chóng mặt, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp [3].

Các lựa chọn điều trị chóng mặt có thể gồm [1]:

  • Sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng
  • Điều trị nguyên nhân căn nguyên
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Thực hành một số bài tập đơn giản tại nhà
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, nếu tình trạng chóng mặt không quá nghiêm trọng, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc giảm chóng mặt không kê đơn chứa Acetyl Leucin. Acetyl-Leucin – một axit amin mạch nhánh, thông qua các cơ chế điều hòa điện thế màng và kích thích các chất dẫn truyền giúp thúc đẩy bù trừ tiền đình. Qua đó, làm giảm rõ rệt triệu chứng chóng mặt và giúp phục hồi chức năng tiền đình. Nhóm thuốc này dùng được cho đa số đối tượng bệnh nhân người lớn, kể cả bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng hay bệnh nhân hen suyễn, thuốc có thể sử dụng kéo dài (lên đến 6 tuần).

Để phòng ngừa bị chóng mặt tái phát, bạn cần biết được nguyên nhân dẫn đến chóng mặt. Ví dụ, nếu bạn chóng mặt do mất nước thì việc chú ý uống đủ nước sẽ giúp ngăn chặn. Nếu chóng mặt xảy ra do tác động của một số thuốc như thuốc hạ huyết áp thì bạn nên thông báo với bác sĩ để được thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng sử dụng [3]. Ngoài ra, bạn cũng nên thử các cách sau để hạn chế bị chóng mặt [6]:

  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý
  • Đảm bảo bổ sung đủ nước cho cơ thể
  • Thay đổi tư thế từ từ, nhất là lúc đứng dậy sau khi đang nằm
  • Tránh chuyển động đầu quá nhanh, đột ngột

Nhìn chung, dù cho không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng chóng mặt vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng nên sẽ tăng nguy cơ bị té ngã, chấn thương, mất an toàn khi lái xe hoặc gây cản trở công việc hàng ngày. Trường hợp chóng mặt là triệu chứng của một bệnh lý khác gây ra nếu không được điều trị có thể khiến các biểu hiện ngày càng nặng thêm [3]. Vì vậy, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của cơn chóng mặt để “giải quyết” tình trạng này một cách hiệu quả hoặc sử dụng một số thuốc không kê đơn để giảm bớt cảm giác chóng mặt tạm thời.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Dizziness, vertigo and balance disorders https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/dizziness-and-vertigo Ngày truy cập 5/6/2024

2. Dizziness https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dizziness/symptoms-causes/syc-20371787 Ngày truy cập 5/6/2024

3. Dizziness https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/6422-dizziness Ngày truy cập 5/6/2024

4. Dizziness https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/dizziness Ngày truy cập 5/6/2024

5. If You Are Experiencing Dizziness https://www.hopkinsmedicine.org/neurology-neurosurgery/specialty-areas/vestibular/dizzy-now Ngày truy cập 6/6/2024

6 Dizziness https://www.healthdirect.gov.au/dizziness Ngày truy cập 6/6/2024

7. Rối loạn tiền đình: tất tần tật những điều bạn cần biết https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tam-than-kinh/roi-loan-tien-dinh-tat-tan-tat-nhung-dieu-ban-can-biet Ngày truy cập 6/6/2024

Phiên bản hiện tại

13/09/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Chóng mặt buồn nôn: Triệu chứng đáng báo động của bệnh gì?

Giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo