backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Tuyệt đối không xem nhẹ triệu chứng chấn thương sọ não kín

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 29/07/2021

    Tuyệt đối không xem nhẹ triệu chứng chấn thương sọ não kín

    Trong các dạng chấn thương sọ não, tổn thương kín phía trong hộp sọ phổ biến và gây tử vong nhiều hơn tổn thương hở. Lý do là vì triệu chứng chấn thương sọ não kín thường không xuất hiện ngay sau va đập hoặc khá nhẹ nên bệnh nhân không để ý và không được điều trị kịp thời.

    Chấn thương sọ não chiếm 30% số ca tử vong do chấn thương, xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ, chủ yếu do té ngã và tai nạn giao thông. Nếu phát hiện sớm có thể giảm được rất nhiều biến chứng đáng tiếc.

    Tại sao lại gọi là chấn thương sọ não kín?

    Chấn thương sọ não chỉ trường hợp va đập vật lý từ bên ngoài làm tổn thương não bộ. Có hai loại như sau:

    Chấn thương sọ não hở: Hộp sọ rạn vỡ hoặc lún sọ, màng cứng bị rách nên não thông với môi trường bên ngoài. Trường hợp này thường xảy ra do va đập cực mạnh trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, viên đạn xuyên qua não…, gây chảy máu nên sẽ được cấp cứu ngay.

    Chấn thương sọ não kín: Không gây vỡ xương sọ và rách màng cứng. Đây là hậu quả của việc não bị chấn động, giập, tràn khí, chèn ép hay lún ở bên trong hộp sọ, khiến cho mô não và mạch máu bị bầm tím hoặc rách. Đặc biệt, trẻ em cũng có nguy cơ này vì bị rung lắc não.

    Bạn hầu như không thể nhận ra triệu chứng chấn thương sọ não kín nếu chỉ quan sát ở bên ngoài hộp sọ vì xương sọ não không vỡ, không thấy chảy máu hay bất kỳ khác thường nào. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sẽ xuất hiện các biểu hiện do chức năng thần kinh bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào việc chấn thương một vùng não (khu trú) hay nhiều vùng của não (lan tỏa) và đó là vùng nào.

    Triệu chứng chấn thương sọ não kín ở người lớn

    Dấu hiệu bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.

    Triệu chứng chấn thương sọ não kín nhẹ

    Bệnh nhân có thể gặp phải những rối loạn như:

    • Biểu hiện vật lý: nhìn mờ, nhìn đôi; ù tai; chóng mặt và mất thăng bằng, đầu luôn có cảm giác lâng lâng, chóng mặt; mệt mỏi, suy nhược, không có năng lượng; đau đầu; buồn nôn hoặc nôn.
    • Suy nghĩ và trí nhớ: khó chú ý hay tập trung vào bất kể việc gì, cảm thấy bản thân suy nghĩ chậm chạp, không rõ ràng, mất trí nhớ tạm thời hoặc dài lâu.
    • Cảm xúc: lo lắng, căng thẳng; bồn chồn, dễ xúc động hơn; khó chịu, dễ kích động và cáu gắt; buồn bã, trầm cảm.
    • Rối loạn giấc ngủ: ngủ ít hay nhiều hơn bình thường, khó đi vào giấc ngủ.

    Triệu chứng chấn thương sọ não kín ở người lớn

    Những dấu hiệu kể trên có thể xuất hiện ngay lập tức, nhưng đôi khi phải tới vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Có nhiều bệnh nhân không hề nhận thấy mình có triệu chứng chấn thương sọ não kín. Vì vậy, sự quan tâm để ý của người nhà rất quan trọng để phát hiện sớm và đưa bệnh nhân đi khám, điều trị.

    Triệu chứng chấn thương sọ não kín nặng

    Trong một số trường hợp nguy hiểm, tổn thương khiến cho não bị chảy máu và tụ lại thành cục máu đông rải rác trên nhiều vùng não (tụ máu não). Chảy máu âm thầm lặng lẽ nhưng nguy cơ biến chứng lại đáng sợ hơn cả những người có biểu hiện sớm. Sau khi xảy ra chấn thương, bệnh nhân vẫn tỉnh táo bình thường, sau đó mới rơi vào hôn mê hoặc xuất hiện dần những triệu chứng:

    • Đau đầu ngày càng nặng và/hoặc dai dẳng liên tục
    • Liên tục buồn nôn hoặc nôn
    • Co giật liên tục tại một bộ phận hoặc toàn thân
    • Không thể tỉnh dậy sau giấc ngủ
    • Đồng tử giãn ở một hoặc cả hai bên mắt
    • Nói lắp, khó nói hoặc ngọng; khó đọc hoặc viết hay tạo những câu có nghĩa; giảm khả năng tính toán con số
    • Tay chân tê hoặc yếu, mất khả năng phối hợp vận động
    • Khó nuốt
    • Hay nhầm lẫn, tâm trạng bồn chồn hoặc kích động, hung hăng chửi bới, dễ dàng thất vọng, lo lắng, trầm cảm…

    Dấu hiệu chấn thương sọ não kín ở trẻ nhỏ

    Khi thấy trẻ bị va đập mạnh, cha mẹ cần để ý nếu như:

    • Con bỏ bú hoặc bỏ ăn.
    • Thay đổi các thói quen ăn uống hay các động tác/ thói quen bình thường như thở, cử động tay chân…
    • Dễ cáu gắt
    • Khóc dai dẳng mà không làm cách nào để xoa dịu được
    • Khả năng chú ý giảm
    • Giấc ngủ bị thay đổi, có thể ngủ nhiều, ít hoặc không thức giấc
    • Co giật một phần hoặc toàn bộ cơ thể
    • Mất hứng thú với đồ chơi hay các hoạt động ưa thích
    • Trẻ lớn hơn có thể bỏ ăn, kêu đau đầu hay xuất hiện các triệu chứng chấn thương sọ não kín tương tự như người lớn.

    Triệu chứng chấn thương sọ não kín ở trẻ em

    Bạn nên lưu ý rằng không phải ai cũng có đầy đủ những biểu hiện kể trên hoặc triệu chứng không xuất hiện cùng một lúc. Một vài người bị đau đầu sớm trong khi người khác lại bị nhìn mờ ù tai…, đôi khi phải tới 1 – 2 tuần sau mới cảm thấy tính tình thay đổi, khó ngủ.

    Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng như hôn mê, sống thực vật, não úng thủy, nhiễm trùng não, chết não và các di chứng sau chấn thương sọ não theo suốt cuộc đời như đau đầu, chóng mặt, động kinh. Nghiêm trọng nhất là liệt vĩnh viễn và tử vong.

    Do đó, khi xảy ra va đập mạnh thì dù chưa có những triệu chứng chấn thương sọ não kín kể trên, bạn vẫn nên đi kiểm tra tại bệnh viện từ sớm. Bên cạnh đó, hãy cẩn thận khi làm việc, di chuyển và sinh hoạt thường ngày; sắp xếp lại các vật dụng trong nhà, giảm trơn trượt để hạn chế nguy cơ tai nạn sau này cho bản thân cũng như các thành viên khác trong gia đình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 29/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo