Những cơn co giật nửa mặt ở mắt hay miệng không những ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến bạn cảm thấy tự ti trong giao tiếp. Liệu có cách xử lý hiệu quả giúp bạn chữa giật co mặt để lấy lại sự tự tin?
Không quá khó để cải thiện triệu chứng co giật nửa mặt và lấy lại sự tự tin trong giao tiếp nếu bạn biết cách. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các thông tin về chứng bệnh này trong bài viết dưới đây để có cách xử lý hiệu quả nhé.
Tìm hiểu về chứng co giật nửa mặt
Trước khi cân nhắc cách chữa trị, bạn cần trang bị những hiểu biết cơ bản về chứng co giật nửa mặt.
Triệu chứng co giật nửa mặt
Triệu chứng ban đầu có thể chỉ là những cơn giật nhẹ ở quanh một bên mắt. Dần dần, sự co giật diễn ra liên tục và lan rộng sang cơ mày, cơ má, cơ vòm miệng làm khóe mắt, góc miệng bị kéo chếch lên phía trên và hai bên mặt trở nên mất cân đối.
Chứng co giật nửa mặt khiến người bệnh nhắm không kín mắt, ngậm không khít miệng, khó diễn tả các cảm xúc tự nhiên và ăn uống khó khăn.
Nguyên nhân gây giật cơ mặt
Các cơ ở mỗi bên mặt được điều khiển bởi dây thần kinh mặt hay còn gọi là dây thần kinh số 7 nằm ở phía mặt đó. Dây thần kinh này bắt nguồn từ sâu bên trong não và chịu trách nhiệm điều khiển các cử động và biểu cảm của khuôn mặt như cười, nói, chớp mắt…
Phần lớn những người bị co giật cơ mặt là do dây 7 bị chèn ép bởi mạch máu khi có khối u, nhiễm khuẩn hoặc bị tổn thương do phẫu thuật, chấn thương hay đột quỵ não. Khi này, các dây thần kinh sẽ phát ra các tín hiệu không kiểm soát gây giật cơ, ù tai, đau tai ở một bên mặt mà nó chi phối.
Một số bệnh nhân không xác định được nguyên nhân gây bệnh, gọi là co giật nửa mặt vô căn.
Bạn nên đi khám chuyên khoa tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây co giật nửa mặt và có biện pháp điều trị đúng đắn.
Co giật nửa mặt có nguy hiểm không?
Càng về giai đoạn sau, chứng co giật nửa mặt càng trở nên nguy hiểm và gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống, nói năng. Người bệnh khó ngậm kín miệng nên hay chảy nước dãi, khó nhai và nuốt thức ăn. Ngoài ra, mắt người bệnh cũng bị kéo chếch lên phía trên nên tầm nhìn bị hạn chế và mắt dễ viêm nhiễm.
Giật cơ mặt liên tục còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt nên có thể khiến người bệnh dễ mặc cảm, tự ti, đặc biệt là khi đứng trước mọi người.
Nếu bị tác động bởi khối u, chấn thương hay đột quỵ não thì tình trạng co giật nửa mặt sẽ tiến triển nhanh và có thể gây đau nhức đầu trong các cơn giật.
Cách xử lý chứng co giật nửa mặt
Mục tiêu điều trị của bệnh nhân bị co giật nửa mặt là làm giảm sự chèn ép dây 7, giảm các tín hiệu thần kinh tự phát và giúp các cơ mặt được thư giãn để giảm tần suất các cơn giật.
Cách chữa giật cơ mặt bằng thuốc
Nếu cơ mặt bị giật liên tục là do nhiễm khuẩn, bạn hoàn toàn có thể chữa dứt bệnh nếu dùng kháng sinh hợp lý. Tuy nhiên, phần lớn các nguyên nhân gây co giật nửa mặt đều chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.
Để hạn chế các tín hiệu thần kinh tự phát của dây 7 và làm giãn cơ mặt, bác sĩ có thể chỉ định thuốc an thần kinh, thuốc làm mềm cơ, tiêm botox hoặc phẫu thuật giải ép vi mạch.
Chữa co giật cơ mặt bằng lối sống lành mạnh
Bạn có thể thực hiện lối sống lành mạnh theo nguyên tắc “ba đủ” sau đây để nâng cao sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của các thuốc điều trị.
- Đủ chất: Bạn cần dùng nhiều rau củ quả tươi, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân…), ngũ cốc và cá biển để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Điều này giúp quá trình xử lý và truyền tải tín hiệu thần kinh chính xác hơn.
- Đủ giấc: Bạn nên ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ngày, không thức quá khuya và hạn chế căng thẳng bằng cách tập yoga hay ngồi thiền… Đây là những cách tự nhiên giúp bạn cải thiện tình trạng co giật.
- Đủ khỏe: Mỗi ngày, bạn có thể giúp các cơ mặt và cơ cổ linh hoạt hơn bằng cách dành 30 phút đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, khí công hoặc vật lý trị liệu.
Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân gây co giật nửa mặt nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng nếu biết thay đổi lối sống và dùng thuốc đúng chỉ định. Nhờ vậy, các triệu chứng trên khuôn mặt sẽ chóng được cải thiện và bạn sẽ nhận ra mọi khó khăn chỉ là chuyện nhỏ khi tìm ra cách xử lý đúng!
[embed-health-tool-bmi]