backup og meta

Nghiệm pháp Valsalva là gì? Hướng dẫn cách áp dụng

Nghiệm pháp Valsalva là gì? Hướng dẫn cách áp dụng

Nghiệm pháp Valsalva là kỹ thuật thở giúp chẩn đoán bệnh lý hệ thống thần kinh tự trị, giúp điều trị chứng nhịp tim nhanh. Vậy ý nghĩa của nghiệm pháp Valsalva dương tính là gì? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về nghiệm pháp này trong bài viết sau đây nhé! 

1. Nghiệm pháp Valsalva là gì?

Nghiệm pháp Valsalva là một kỹ thuật thở có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán các vấn đề xảy ra ở hệ thống thần kinh tự trị (hệ thần kinh thực vật). Nghiệm pháp này cũng được dùng với mục đích giúp khôi phục nhịp tim bình thường nếu tim người bệnh bắt đầu đập quá nhanh.

Nhà vật lý trị liệu người Ý tên Antonio Maria Valsalva là người đầu tiên mô tả về nghiệm pháp Valsalva như là một kỹ thuật để đẩy mủ ra khỏi tai giữa. Đến năm 1850, Eduard Friedrich và Ernst Heinrich Weber đã báo cáo về sự cố ngất xỉu khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva. Từ đó, thủ thuật này đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực lâm sàng; để đánh giá rối loạn chức năng tự chủ đến điều trị rối loạn nhịp tim và dấu hiệu suy tim.

2. Nguyên tắc tiến hành nghiệm pháp Valsalva

2.1 Nguyên lý chung

Người bệnh phải hít vào tối đa và cố gắng thở ra trong khi đường thở bị chặn (nắp thanh môn đóng). Động tác này được mô tả giống như động tác rặn khi đại tiện; có tác dụng gia tăng áp lực trong lồng ngực.

Luồng không khí được đẩy ra đột ngột khi thở qua mũi sẽ làm thay đổi nhịp tim và huyết áp nhanh chóng nên người bệnh cần thực hiện thật nhẹ nhàng.

Trong lần đầu tiên, người bệnh sẽ thực hiện kỹ thuật này dưới sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo quy trình chính xác trong khoảng thời gian an toàn nhưng hiệu quả.

Ngoài ra, còn có một phiên bản khác của nghiệm pháp Valsalva giúp cân bằng áp suất không khí trong tai.

2.2 Lưu ý khi áp dụng nghiệm pháp

Nghiệm pháp Valsalva có thể được sử dụng để điều trị tất cả các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, người bệnh không thử kỹ thuật này nếu bị cao huyết áp; và có nguy cơ cao bị đột quỵ hoặc đau tim.

Trong trường hợp mắc rối loạn nhịp tim và đã áp dụng nghiệm pháp nhiều lần để giảm nhịp tim nhanh; nhưng không có đáp ứng; người bệnh hãy nhanh chóng đến bệnh viện; đặc biệt là khi xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở, cảm thấy muốn ngất xỉu (nhồi máu cơ tim cấp).

Việc áp dụng nghiệm pháp Valsalva để chữa ù tai cũng nên được thực hiện một cách thận trọng vì nếu cố gắng thở ra quá mạnh, màng nhĩ có thể bị thủng.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH: hẹp động mạch chủ, nhồi máu cơ tim gần đây, bệnh tăng nhãn áp và bệnh võng mạc; người bị xuất huyết; người vừa phẫu thuật tai hay phẫu thuật thần kinh trung ương.

3. Hướng dẫn chi tiết các bước trong nghiệm pháp

3.1 Trước khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva

Trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ thăm hỏi, khai thác bệnh sử của người bệnh và hướng dẫn; làm mẫu thực hiện nghiệm pháp. 

Các dụng cụ sử dụng trong nghiệm pháp Valsalva rất đơn giản; bao gồm 1 ống nghe và 1 huyết áp kế (máy đo huyết áp) dùng đo đáp ứng Valsalva.

Ngoài ra, để kết quả đo trực quan, bác sĩ có thể sử dụng thêm máy siêu âm đầu dò cầm tay có tần số cao để ghi nhận sự thay đổi dòng máu bên trong động mạch cánh tay.

3.2 Trong khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva

nghiệm pháp Valsalva

Đầu tiên, bác sĩ bơm túi hơi của máy đo huyết áp lên 15mmHg so với mức huyết áp tâm thu lúc nghỉ của người bệnh; giữ nguyên mức áp suất này trong suốt nghiệm pháp cũng như trong 30 giây sau đó.

Người bệnh tiếp tục thực hiện các bước sau dưới sự giám sát của bác sĩ:

  • Bước 1: Hít sâu rồi nín thở, có thể cần dùng 1 tay để bịt mũi.
  • Bước 2: Ngậm chặt miệng, căng cơ ngực và cơ bụng, tạo cảm giác như khi rặn đi đại tiện và thở ra thật nhanh.
  • Bước 3: Giữ nguyên động tác này trong khoảng 10 giây.
  • Bước 4: Tiếp tục hít thở bình thường.

Bác sĩ sẽ lắng nghe tiếng korotkoff trên động mạch cánh tay trong suốt quá trình thực hiện. Tiếng korotkoff sẽ xuất hiện khi huyết áp người bệnh vượt quá áp suất trong túi hơi.

Trong khi thực hiện, người bệnh có thể ngồi hoặc nằm. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh chọn tư thế phù hợp với thể trạng và sức khỏe. 

3.3 Các giai đoạn của nghiệm pháp Valsalva

Một phiên trị liệu bằng nghiệm pháp Valsalva có thể được chia thành 4 giai đoạn: 

  • Giai đoạn 1. Thổi mạnh vào đường thở kín làm tăng áp lực bên trong khoang ngực, ngay lập tức đẩy máu từ tuần hoàn phổi vào tâm nhĩ trái của tim. Vì vậy trong vài giây, lượng máu được bơm bởi tim tăng lên. Giai đoạn đầu tiên này gây ra hiện tượng tăng huyết áp tức thời.
  • Giai đoạn 2. Lượng máu được bơm từ tim đột nhiên giảm xuống do áp lực tăng trong khoang ngực ngăn không cho máu từ các phần còn lại của cơ thể quay trở về ngực hay tim. Hệ thống thần kinh tự trị có thể cảm nhận được sự giảm áp suất này và đáp ứng bằng cách tăng nhịp tim và co bóp các động mạch; khiến huyết áp tăng. Nếu hệ thống thần kinh tự trị khỏe mạnh; huyết áp sẽ trở về mức bình thường.
  • Giai đoạn 3. Diễn ra ngay sau khi người bệnh thở lại bình thường, thư giãn. Áp lực trong lồng ngực đột ngột giảm xuống, phổi mở rộng và được cung cấp đủ lượng máu trở lại. Tuy nhiên, trong quá trình kéo dài 5–10 giây này, cung lượng tim (thể tích máu hữu hiệu được tim tống đi trong vòng 1 phút) có thể giảm thêm.
  • Giai đoạn 4. Huyết áp người bệnh tăng quá đà, vượt mức huyết áp trong túi hơi, chủ yếu là do phản xạ của hệ giao cảm gây ra bởi tình trạng hạ huyết áp trước đó. Lưu lượng máu đến tim và phổi, cũng như cung lượng tim và huyết áp trở lại bình thường.

4. Kết quả của nghiệm pháp Valsalva là gì?

4.1 Đáp ứng Valsalva bình thường

Khi tiếng korotkoff đo được trên tĩnh mạch xuất hiện trong giai đoạn 1 và 4, không có trong giai đoạn 2 và 3. Nhịp tim tăng trong giai đoạn 2 và 3, giảm trong giai đoạn 4.

4.2 Đáp ứng Valsalva bất thường

Ở những người bệnh bị suy tim sung huyết, có 2 loại đáp ứng Valsalva bất thường:

  • Không có đáp ứng quá đà do huyết áp không tăng lên trong giai đoạn 4, nên chỉ nghe được tiếng korotkoff trong giai đoạn 1.
  • Đáp ứng sóng vuông do huyết áp tăng lên song song với áp suất trong lồng ngực. Lúc này tiếng korotkoff nghe được trong suốt giai đoạn 1 và 2.

Trên lâm sàng, đáp ứng Valsalva bất thường cho biết phân suất tống máu bị suy giảm.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

5. Khi nào bạn cần thực hiện nghiệm pháp Valsalva?

Kỹ thuật đơn giản này được áp dụng trong một số trường hợp khác nhau; nhưng mục tiêu quan trọng vẫn là tạo ảnh hưởng lên huyết áp và nhịp tim của người bệnh.

  • Phục hồi nhịp tim. Nghiệm pháp Valsalva có thể hỗ trợ người đang mắc chứng nhịp tim nhanh. Nếu lần thực hiện đầu tiên không đáp ứng, bác sĩ có thể khuyến khích người bệnh thực hiện lại lần 2.
  • Chẩn đoán rối loạn hệ thống thần kinh tự trị. Ngoài việc điều trị nhịp tim bất thường, thao tác Valsalva cũng có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán những rối loạn của hệ thống thần kinh tự trị. Sự thay đổi của nhịp tim và huyết áp qua các giai đoạn khác nhau của nghiệm pháp Valsalva có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề trong chức năng thần kinh giao cảm và đối giao cảm.
  • Điều trị tai bị ù. Nghiệm pháp Valsalva cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề tương đối vô hại, chẳng hạn như tình trạng không khí tạm thời chặn ống Eustachian (ống thính giác) ở tai trong. Đa số chúng ta có thể đã trải qua cảm giác ù tai này trong quá trình máy bay cất cánh, hạ cánh hay đi lặn biển. 
  • Luyện tập thể hình. Nghiệm pháp Valsalva có thể được cho là kiểu thở tối ưu để tạo ra lực tối đa; thường được sử dụng trong một số bài luyện tập thể hình cần sự ổn định phần thân như squat, deadlift, bench press… Tuy nhiên, người tập cần tham vấn ý kiến huấn luyện viên trước khi tự ý thực hành nghiệm pháp này.

6. Khuyến cáo dành cho bệnh nhân

Nghiệm pháp Valsalva có thể giúp giảm nhịp tim nhanh cho một số người; nghiệm pháp này cũng có thể giúp mọi người giảm ù tai, nâng tạ hoặc đi tiêu.

Mặc dù nghiệm pháp Valsalva có một số tác dụng phụ; nhưng đây là phương pháp thay thế không xâm lấn cho các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như dùng thuốc hoặc sốc điện.

Cách tốt nhất để đảm bảo khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva đó là tham khảo ý kiến bác sĩ; và thực hành với bác sĩ trong lần đầu tiên.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Valsalva Maneuver
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537248/
Ngày truy cập: 27.06.2023

2. Valsalva Maneuver
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/23209-valsalva-maneuver
Ngày truy cập: 27.06.2023

3. Valsalva Maneuver
https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/valsalva-maneuver
Ngày truy cập: 27.06.2023

4. Cerebral hemodynamics during graded Valsalva maneuvers
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphys.2014.00349/full
Ngày truy cập: 27.06.2023

5. Valsalva Maneuver
https://radiopaedia.org/articles/valsalva-manoeuvre
Ngày truy cập: 27.06.2023

Phiên bản hiện tại

27/06/2023

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Linh Do


Bài viết liên quan

Bệnh lý thần kinh tự trị

Nhịp tim lý tưởng được xác định như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo