backup og meta

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau tai biến bị co giật

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau tai biến bị co giật

Tình trạng sau tai biến bị co giật đang dần trở nên phổ biến. Sau một cơn tai biến nặng, rất nhiều người thường gặp phải tình trạng co giật gây nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là gì?

Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) là hiện tượng dòng máu liên tục lên não bị gián đoạn đột ngột gây mất chức năng thần kinh. Việc dòng máu bị gián đoạn có thể do tắc nghẽn, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc do chảy máu trong não, dẫn đến đột quỵ xuất huyết.

Điều quan trọng là phải phục hồi lưu lượng máu thích hợp và oxy lên não càng sớm càng tốt. Nếu không có oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng, các tế bào não bị ảnh hưởng sẽ bị tổn thương hoặc chết trong vòng vài phút. Một khi tế bào não chết đi, chúng thường không tái tạo và có thể xảy ra tổn thương nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến khuyết tật về thể chất, nhận thức và tinh thần.

Những tổn thương não có thể làm suy giảm chức năng nhận thức hoặc thậm chí là làm mất luôn chức năng của cơ thể. Đây là biến chứng dễ nhận thấy nhất của tai biến. Ngoài ra, tổn thương mô não có thể cũng gây ra những hoạt động quá mức hoặc hoạt động bất thường của não, dẫn đến co giật. Thực tế cho thấy một số người sống sót sau cơn tai biến thường mắc phải tình trạng co giật hay còn được gọi là tình trạng sau tai biến bị co giật.

sau tai biến bị co giật là gì

Co giật là gì?

Co giật (Động kinh) là một hoạt động điện trong não xuất hiện ở vùng não bị tổn thương, làm kích thích và xuất hiện các tín hiệu điện bất thường, dẫn đến các chuyển động bất thường ở các phần của cơ thể tương ứng với khu vực não bị tổn thương. Co giật có thể ảnh hưởng đến những người khác nhau theo những cách khác nhau, nhưng đối với những người sau tai biến sẽ có nguy cơ bị co giật cao hơn. Biểu hiện của chứng co giật là những hành động mất kiểm soát và không thể lường trước được, thường đi kèm với mất tri giác và không tỉnh táo.

Trong cơn co giật, một hoặc nhiều triệu chứng sau có thể xảy ra:

  • Chuyển động bất thường của đầu, cơ thể, cánh tay, chân hoặc mắt. Điều này có thể bao gồm cứng, giật hoặc rung.
  • Không phản ứng và nhìn chằm chằm
  • Động tác nhai, chu môi hoặc lóng ngóng
  • Thay đổi khứu giác, thính giác hoặc vị giác
  • Những thay đổi về tầm nhìn
  • Đột ngột mệt mỏi hoặc chóng mặt
  • Không thể nói hoặc hiểu người khác
  • Cơn giận dữ mới bộc phát hoặc nước mắt.

Các triệu chứng co giật này xảy ra đột ngột và không thể kiểm soát được. Các cơn co giật thường kéo dài vài giây hoặc vài phút nhưng có thể kéo dài từ 5 đến 10 phút. Trong cơn co giật, bạn có thể cắn vào lưỡi hoặc bên trong miệng. Sau cơn động kinh, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ, yếu ớt, bối rối hoặc khó nói chuyện.

Bệnh nhân sống sót sau tai biến có thể xuất hiện các cơn co giật ngay sau đó hoặc phải đến vài tháng sau. Người bị tai biến có nhiều khả năng dẫn đến co giật nếu phần vỏ não vận động bị tổn thương (bộ phận chính chịu trách nhiệm vận động cơ thể).

điều trị tình trạng sau tai biến bị co giật

Sau tai biến bị co giật là tình trạng gì?

Một trong những vấn đề phức tạp về tình trạng này là bác sĩ thường khó phân biệt được là sau tai biến bị co giật hay đây là một cơn co giật mới xuất hiện. Nói chung, một người vừa hồi phục sau tai biến nên thường xuyên được chăm sóc và theo dõi bởi người thân vì họ có khả năng bị lên cơn co giật bất cứ lúc nào.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống co giật hay không. Việc phòng chống co giật có thể hạn chế việc tái diễn hoặc giảm thiểu gây hại đến não. Một số ca tai biến có thể sẽ không gây ra co giật và bác sĩ thần kinh học sẽ cho biết bạn có nguy cơ bị co giật hay không dựa trên vị trí não bị tổn thương.

Làm thế nào bạn có thể đối phó với tình trạng sau tai biến bị co giật?

Nếu gặp tình trạng sau tai biến bị co giật thì bạn không cần phải uống thuốc ngừa cơn co giật mãi mãi. Vì thực tế cho thấy, một số người bị co giật sau tai biến trong vòng một vài năm và sau đó sẽ phục hồi hoàn toàn.

Nói vậy không có nghĩa là tình trạng sau tai biến bị co giật không nguy hiểm. Thuốc chống động kinh là cách an toàn nhất để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn co giật tái phát cũng như bảo vệ não khỏi bị tổn thương thêm nữa.

Thuốc được sử dụng để kiểm soát tình trạng sau tai biến bị co giật được gọi là thuốc chống động kinh (AED). Những loại thuốc này có thể được sử dụng cho các vấn đề khác, chẳng hạn như đau mãn tính, bồn chồn hoặc tâm trạng bất ổn. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc nào dựa trên loại co giật, tuổi tác, sức khỏe của bệnh nhân và liệu có tác dụng phụ xấu nào từ thuốc hay không. Các tác dụng phụ của AED thường cải thiện sau khi dùng thuốc được 3-5 ngày. Một số tác dụng phụ thường gặp là:

  • Buồn ngủ hoặc mệt mỏi
  • Chóng mặt hoặc thiếu thăng bằng
  • Lâng lâng
  • Run sợ
  • Nhìn đôi
  • Sự hoang mang

Có thể cần xét nghiệm máu để đảm bảo bạn đã dùng đủ thuốc và đảm bảo thuốc không gây ra các vấn đề khác. Những loại thuốc này hiếm khi gây dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên, hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc có khả năng đang mang thai.

Không nên đột ngột ngưng dùng thuốc chống co giật mà không có hướng dẫn của bác sĩ, vì có thể gây ra co giật sau khi ngưng thuốc. Nếu bạn gặp tác dụng phụ, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Có nhiều cách an toàn như thay đổi thuốc hoặc liều lượng của thuốc nhằm ngăn ngừa tác dụng phụ.

Nếu cơn co giật chưa được kiểm soát hoàn toàn thì bạn đừng nên lái xe, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho chính bạn, hành khách và những người khác đang lưu thông trên đường. Một số thói quen có thể làm tăng khả năng xảy ra co giật như uống nhiều rượu, thiếu ngủ, căng thẳng, thiếu dinh dưỡng, sốt hoặc bệnh.

Chứng co giật không phải là một dấu hiệu của việc phục hồi sau tai biến đang xấu đi hay tai biến có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Sau một cơn co giật, hầu hết mọi người cảm thấy mất phương hướng và kiệt sức nên nghỉ ngơi là việc hết sức cần thiết.

Người chăm sóc nên làm gì nếu bệnh nhân đang lên cơn co giật

chăm sóc bệnh nhân sau tai biến bị co giật

Hầu hết các cơn co giật đều ngắn và không gây thương tích nghiêm trọng. Nhưng điều quan trọng là người chăm sóc phải biết phải làm gì để giúp bệnh nhân không bị thương trong cơn co giật.

Khi ai đó bị co giật, hãy làm như sau:

  • Nới lỏng quần áo chật, đặc biệt là quanh cổ.
  • Đảm bảo bệnh nhân không bị ngã. Giữ bệnh nhân cố định nếu họ đang ngồi trên ghế hoặc giường. Nếu đang đứng, hãy đưa bệnh nhân xuống đất an toàn.
  • Xoay người và đầu của họ sang một bên để bất kỳ thứ gì trong miệng có thể rơi ra, thậm chí là khạc nhổ để không làm tắc cổ họng.
  • Không cho bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân vì họ có thể bị cắn.
  • Hãy kiểm tra nhịp tim ở cổ.
  • Nghe tiếng thở ở miệng và mở rộng cổ nếu bệnh nhân khó thở. Nếu bệnh nhân không thở, hãy bắt đầu hô hấp nhân tạo, bịt môi lên miệng bệnh nhân và thở nhanh hai hơi. Tiếp tục thở 5 giây một lần cho đến khi bệnh nhân có thể tự thở.
  • Nếu đây là cơn co giật đầu tiên sau tai biến, hãy gọi cho bác sĩ của người đó để được tư vấn.
  • Nếu cơn co giật không ngừng sau 3 phút, hãy gọi cấp cứu.
  • Nếu cơn co giật ngừng trong vòng 3 phút, hãy thăm khám bác sĩ ngay sau đó.
  • Nếu bệnh nhân không trở lại bình thường trong vòng 20 phút sau cơn động kinh, hãy gọi cấp cứu.

Tóm lại, đối với một số người sống sót sau tai biến, họ có thể xuất hiện thêm triệu chứng co giật. Co giật có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là khi lái xe, leo thang hoặc xử lý máy móc. Sau tai biến bị co giật là tình trạng có thể điều trị và kiểm soát được. Bạn hiểu biết càng nhiều về bệnh thì khả năng điều trị và kiểm soát bệnh thành công sẽ càng cao.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Leone, M. A., Tonini, M. C., Bogliun, G., Gionco, M., Tassinari, T., Bottacchi, E.; …& ARES (Alcohol Related Seizures) Study Group. (2009). Risk factors for a first epileptic seizure after stroke: a case control study. Journal of the neurological sciences277(1), 138-142

Walter G. Bradley DMFRCP, Robert B. Daroff MD, Gerald M Fenichel MD, Joseph Jankovic MD, Neurology in Clinical Practice, 4th Edition, Butterworth-Heinemann, 2003

Educational Video: Seizures After Brain Injury. https://craighospital.org/resources/seizures-after-brain-injury. Ngày truy cập: 05/07/2021

Seizures After Traumatic Brain Injury. https://msktc.org/tbi/factsheets/seizures-after-traumatic-brain-injury. Ngày truy cập: 05/07/2021

Seizures after Traumatic Brain Injury. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4516165/. Ngày truy cập: 05/07/2021

Epilepsy Can Follow Traumatic Brain Injury. https://www.cdc.gov/epilepsy/communications/features/TBI.htm. Ngày truy cập: 05/07/2021

Brain injury – Seizures after an Acquired Brain Injury. https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Brain_Injury_Seizures_after_an_Acquired_Brain_Injury/. Ngày truy cập: 05/07/2021

Stroke. https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Stroke. Ngày truy cập: 05/07/2021

Phiên bản hiện tại

05/07/2021

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tai biến mạch máu não và những thông tin cần biết

Triệu chứng tai biến mạch máu não nhẹ: Đừng chủ quan xem thường!


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 05/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo