Phẫu thuật tai biến mạch máu não là phương pháp điều trị tai biến khá phổ biến. Vậy sau khi mổ, cần lưu ý những gì để nhanh chóng hồi phục và duy trì sức khỏe?
Ngoài việc hiểu thêm về quá trình trở lại cuộc sống bình thường sau phẫu thuật, cả người thân cũng cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não.
Sơ lược về bệnh tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là bệnh có nguy cơ gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 200.000 người bị tai biến mạch máu não. Trong số đó, hơn 50% tử vong và 90% số người sống sót phải sống chung với các di chứng tai biến mạch máu não về thần kinh, vận động.
Bệnh này thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, trong những năm gần đây, số người trẻ bị tai biến đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng – ước tính tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não như:
- Bệnh tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Bệnh tim mạch
- Một số thói quen không tốt như hút thuốc, uống rượu, bia, lười vận động
Khi nào cần phẫu thuật tai biến mạch máu não?
Trong trường hợp tai biến do thiếu máu não cục bộ, nếu các mảng bám hình thành ở trong động mạch cảnh (động mạch chạy dọc theo hai bên cổ và vận chuyển phần lớn lượng máu đến não) sẽ rất nguy hiểm. Do đó, nếu một nhánh động mạch cảnh bị chặn một phần, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để thông động mạch.
Đối với những người bị tai biến do xuất huyết não, khi diện tích chảy máu lớn hoặc người bị thiếu máu não mà động mạch bị chặn hơn 50% có nhiều khả năng phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe để thực hiện một ca mổ tai biến mạch máu não, đặc biệt là những đối tượng:
- Người bệnh bị tai biến mạch máu não do tắc động mạch cảnh nghiêm trọng, ca mổ có thể gây ra nhiều rủi ro
- Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao không kiểm soát, suy thận, phổi, alzheimer, ung thư
Phẫu thuật tai biến mạch máu não được thực hiện như thế nào?
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như: Xác định công thức máu, điện tâm đồ, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
Tùy vào tình trạng bệnh thực tế mà bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp phẫu thuật sau:
- Phẫu thuật động mạch cảnh: Thường áp dụng cho dạng tai biến thiếu máu não cục bộ. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt một vết nhỏ ở vị trí tắc nghẽn tại động mạch cảnh để loại bỏ các mảng bám phía trong. Một ca phẫu thuật động mạch cảnh thường diễn ra trong khoảng 1 – 2 giờ.
- Phẫu thuật làm tan cục máu đông: Để làm tan cục máu đông, bác sĩ sẽ luồn ống thông vào động mạch và đưa đến nó đến điểm tắc nghẽn. Thuốc sẽ được truyền qua ống thông, đi đến cục máu đông và trực tiếp làm tan nó.
- Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông: Phương pháp này vẫn sử dụng ống thông nhưng bác sĩ sẽ luồn 1 thiết bị đặc biệt qua ống thông để gắp các cục máu đông ra ngoài.
- Cắt phình động mạch: Có nhiều trường hợp bị xuất huyết não do phình động mạch. Ngoài phương pháp kẹp túi phình động mạch, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt phình động mạch và khâu lại để ngăn chặn tình trạng chảy máu.
- Sửa chữa dị tật động mạch: Dị tật động mạch có thể gây xuất huyết não. Phẫu thuật có thể giúp ngăn chặn tình trạng máu rò rỉ và hạn chế tổn thương não.
Phục hồi sau phẫu thuật tai biến mạch máu não
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần nằm viện vài ngày để theo dõi. Khi được xuất viện, người bệnh cần tiếp tục tuân theo liệu trình điều trị của bác sĩ:
- Sau phẫu thuật, nếu được chỉ định uống thuốc giảm đau và thuốc chống đông máu, bạn cần uống đúng và đủ liều, không được tự ý bỏ thuốc.
- Thường xuyên tập luyện để sớm phục hồi chức năng, nên luyện tập nhẹ nhàng, tránh tập quá sức.
- Chú ý kiểm soát huyết áp và mức cholesterol để bảo vệ động mạch.
- Người thân nên quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với bệnh nhân nhiều hơn để tránh nguy cơ trầm cảm sau tai biến.
Phẫu thuật tai biến mạch máu não cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro như gây đau, bầm tím hoặc thậm chí tổn thương thần kinh… Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng bởi các bác sĩ sẽ theo dõi một cách chặt chẽ và kiểm soát các tác dụng phụ có thể xảy ra.
[embed-health-tool-bmi]