backup og meta

Tại sao lại thường xuyên bị đau đầu về đêm và phải làm sao?

Tại sao lại thường xuyên bị đau đầu về đêm và phải làm sao?

Đau đầu về đêm không phải là tình trạng thường gặp. Nó có thể là cơn đau trong đau đầu từng cụm, đau nửa đầu nhưng nếu chỉ xuất hiện vào ban đêm, đó là cơn đau đầu giảm trương lực. Nó làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh nhiều lần thậm chí là mỗi đêm trong tuần. 

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về chứng đau đầu giảm trương lực để giúp bạn cải thiện được chất lượng giấc ngủ nhé!

Tìm hiểu chung

Đau đầu về đêm là gì?

Đau đầu về đêm (đau đầu giảm trương lực) là một chứng đau đầu nguyên phát (không do một bệnh lý nào khác gây nên), mãn tính. Nó chỉ xảy ra khi bạn đang nằm ngủ và sẽ làm bạn phải thức giấc. 

Thông thường, người bệnh thường có những cơn đau đầu giảm trương lực lặp lại vào các khung giờ cố định mỗi đêm hoặc cũng có thể là cơn đau làm gián đoạn giấc ngủ trưa.  

Triệu chứng

triệu chứng đau đầu về đêm

Những dấu hiệu và triệu chứng đau đầu về đêm

Đau đầu về đêm có thể là những cơn đau âm ỉ, đau nhói như dao đâm hoặc bỏng rát. Nó xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu. Cơn đau này có thể ngắn hoặc kéo dài, từ khoảng 15 phút đến 4 giờ. Hầu hết người bệnh bị các cơn đau đầu này tấn công một hoặc nhiều lần mỗi đêm, vào khoảng từ 2-4 giờ sáng. Đi kèm với đau đầu dữ dội là những biểu hiện như: 

  • Chảy nước mắt, mí mắt sụp xuống hoặc bị nghẹt mũi.
  • Nhiều người bị cơn đau đầu thôi thúc đứng dậy và thực hiện các hoạt động thường ngày như đọc sách hay ăn uống. 
  • Đau nửa đầu, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.

Theo thống kê, cứ 3 người sẽ có 1 người có nguy cơ đau đầu về đêm nếu có tiền sử đau nửa đầu. Trong đó hầu hết bệnh nhân khởi phát đau đầu về đêm cách cơn đau nửa đầu cuối cùng một vài năm. 

Nguyên nhân

nguyên nhân đau đầu về đêm

Nguyên nhân gây đau đầu về đêm là gì?

Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu kết luận được nguyên nhân gây nên đau đầu giảm trương lực. Nhưng khả năng cao nó có liên quan đến vùng dưới đồi. Đây là một bộ phận của não bộ chịu trách nhiệm về một loạt các chức năng của cơ thể bao gồm thân nhiệt, cảm giác khát, chu kỳ giấc ngủ, nhịp tim và huyết áp. Khi vùng não này bị kích hoạt nó có thể gây đau đầu.

Ngoài ra, đau đầu về đêm có thể liên quan đến việc sản xuất melatonin – loại hormone khiến bạn buồn ngủ. Vì cơn đau đầu xảy ra vào cùng một thời điểm mỗi đêm, nó có thể xáo trộn quá trình sản xuất melatonin, khiến mức hormone này thấp hơn và gây ra đau đầu.

Ai có nguy cơ cao bị đau đầu về đêm? 

Người lớn tuổi và nhất là phụ nữ có nguy cơ cao bị đau đầu giảm trương lực. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Phụ nữ có tỷ lệ đau đầu khi nằm ngủ cao hơn nam giới đến 1,5 – 2 lần. 

Hầu hết bệnh nhân đều khởi phát cơn đau đầu giảm trương lực đầu tiên sau 50 tuổi, với độ tuổi phát bệnh trung bình là 62. Tuy nhiên, con số này có thể chưa chính xác do bệnh nhân bị đau đầu kéo dài mà không được chẩn đoán. Nhiều người chỉ được chẩn đoán bệnh đến 7 năm sau cơn đau đầu đầu tiên.

Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán và điều trị đau đầu về đêm

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau đầu về đêm?

Hiện nay, bác sĩ chẩn đoán đau đầu giảm trương lực chủ yếu tìm kiếm thông tin để loại trừ các bệnh lý hay rối loạn khác liên quan đến rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn đau nửa đầu và đau đầu từng cụm. Do đó, bác sĩ thường sẽ: 

  • Hỏi bạn về triệu chứng và tiền sử đau đầu. 
  • Thực hiện kiểm tra thần kinh. 
  • Đề nghị thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh như chụp CT não

Các dấu hiệu tiêu chuẩn chẩn đoán chính thức cho đau đầu giảm trương lực bao gồm:

  • Nhức đầu thường xuyên tái phát. 
  • Cơn đau đầu chỉ xảy ra khi bạn ngủ và làm bạn thức giấc. 
  • Các cơn đau đầu diễn ra liên tục 10 ngày trong tháng trong ít nhất 3 tháng. 
  • Kéo dài từ 15 phút cho đến 4 giờ.

Những phương pháp điều trị đau đầu về đêm

Một số biện pháp giảm đau sẽ được đưa ra sau khi bác sĩ đánh giá tình trạng và nguyên nhân của đau đầu về đêm ở người bệnh. Các biện pháp đó bao gồm: 

  • Cafein dưới dạng một cốc cà phê mạnh trước khi ngủ thể hiện hiệu quả như một phương pháp điều trị đau đầu về đêm cấp tính và phòng ngừa. Nhưng có thể, cafein sẽ làm bạn mất ngủ mặc dù đã có nhiều nghiên cứu cho thấy điều này hiếm xảy ra và cafein là một phương pháp điều trị hiệu quả.
  • Thuốc giảm đau có thêm caffein cũng hữu ích nhằm giảm cơn đau đầu về đêm cấp tính. Dù vậy bạn không nên lạm dụng thuốc, đôi khi sẽ khiến cơn đau đầu nặng thêm và phải đối diện với một số biến chứng khác.
  • Lithi cacbonat được dùng như một phương pháp điều trị dự phòng. Đây là thuốc thường dùng điều trị rối loạn lưỡng cực. Đã có bằng chứng cho thấy lithicải thiện hiệu quả tình trạng đau đầu về đêm ở ⅓ số người mắc bệnh. Tuy nhiên, thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ (ở người cao tuổi), dẫn đến ngừng điều trị. 
  • Indomethacin (một NSAID) cũng có hiệu quả đối với một số người nhưng vẫn có người phải ngừng thuốc vì tác dụng phụ.
  • Có một số bằng chứng hạn chế cho thấy thuốc topiramate giúp phòng ngừa đau đầu về đêm ở vài bệnh nhân. 

Có thể bạn quan tâm: “7 bài tập thể dục chữa đau đầu giúp bạn thoải mái

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hypnic headache – The Migraine Trust

https://migrainetrust.org/understand-migraine/types-of-migraine/other-headache-disorders/hypnic-headache/

Ngày truy cập 3/3/2022

Nighttime headaches: How can I get relief? – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-daily-headaches/expert-answers/nighttime-headaches/faq-20057919

Ngày truy cập 3/3/2022

Hypnic Headaches: Causes, Symptoms, and Treatment | Sleep Foundation

https://www.sleepfoundation.org/physical-health/hypnic-headaches

Ngày truy cập 3/3/2022

Hypnic Headache | American Migraine Foudation

https://americanmigrainefoundation.org/resource-library/hypnic-headache

Ngày truy cập 3/3/2022

Hypnic Headache – StatPearls – NCBI Bookshelf

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557598/

Ngày truy cập 3/3/2022

Phiên bản hiện tại

08/03/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng hiệu quả

Chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám và dùng thuốc ra sao?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 08/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo