backup og meta

Đau đầu khi ho: Cẩn thận các bệnh lý nguy hiểm

Đau đầu khi ho: Cẩn thận các bệnh lý nguy hiểm

Ho bị đau đầu là tình trạng phổ biến và thường xuyên gặp khi sức khỏe cơ thể đang giảm sút. Một số trường hợp là vô hại và sẽ trôi qua nhanh chóng nhưng cũng có một vài trường hợp là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.

Vì vậy, bạn cần nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm để tìm ra phương pháp điều trị hợp lý. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng đau đầu khi ho qua nào viết sau đây.

Nguyên nhân ho bị đau đầu

Theo nhiều nghiên cứu, ho là cơ chế tự nhiên của hệ thống hô hấp, có vai trò loại bỏ mùi hương gây kích ứng hoặc đờm trong đường hô hấp. Tuy nhiên trong lúc ho, cơ thể cũng tạo ra áp lực lên trên đầu và lan ra các vùng vai gáy, sườn nên thường bạn sẽ cảm thấy đau đầu hoặc nhức vai. Dựa vào mức độ cơn đau và các triệu chứng, ho bị đau đầu được phân ra làm hai loại:

Đau đầu do ho nguyên phát: Nguyên nhân gây ra vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Một số giả định liên quan đến việc gia tăng áp lực nội sọ do stress hoặc căng thẳng đã được đưa ra nhưng hiện tại chưa có nhiều chứng cứ cho việc này.

Đau đầu do ho thứ phát: Nguyên nhân được cho là xuất phát từ cấu trúc phần sau của não hoặc cấu trúc hộp sọ (nơi tủy sống và bộ não được kết nối với nhau):

  • Khối u não 
  • Phình động mạch máu não
  • Rò rỉ dịch não tủy nguyên phát
  • Hình dạng hộp sọ bị khiếm khuyết
  • Khiếm khuyết phần não kiểm soát thăng bằng (tiểu não), trong đó một phần não bị đẩy qua lỗ lớn ở sàn sọ, vào vị trí lẽ ra là của tủy sống. Một số dạng khiếm khuyết này được gọi là dị dạng Chiari

Nhìn chung, ho bị đau đầu diễn ra trong thời gian ngắn thường chỉ là tình trạng tạm thời. Chúng thường xuất hiện khi bạn hắt hơi hoặc ho và sẽ tự giảm đi mà không cần điều trị đặc biệt nên bạn không cần phải lo lắng. Bên cạnh đó thì đau đầu khi ho trong thời gian dài, liên tục với mức độ đau tăng cao sẽ khiến chất lượng sinh hoạt cuộc sống giảm sút. Đặc biệt với những bệnh lý liên quan đến đau đầu do ho thứ phát thì cần sự can thiệp y tế như chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ để xác định nguyên nhân chính và có biện pháp xử lý nhanh chóng. 

Các triệu chứng đi kèm

Đau đầu do ho nguyên phát thường có các triệu chứng như:

  • Sau khi ho sẽ xuất hiện cơn đau đầu đột ngột hoặc các cơn căng thẳng cũng gây áp lực lên các vùng đầu khác
  • Thời gian xuất hiện cơn đau khoảng vài giây đến vài phút, nhưng cũng có vài trường hợp có thể lên tới 30 phút
  • Cảm giác đau đớn, khó chịu như có kim đâm hoặc bị rát
  • Ảnh hưởng đến hai bên của đầu hoặc phía trước và phía sau đầu
  • Có thể kèm theo cơn đau âm ỉ, diễn ra trong vài giờ
ho khi đau đầu
Ho đau đầu tùy vào nguyên nhân còn có các triệu chứng khác đi kèm

Trong khi đó, đau đầu do ho thứ phát thường có các dấu hiệu giống như nguyên phát nhưng thời gian đau có thể kéo dài cả ngày với các triệu chứng như:

  • Ngất xỉu
  • Chóng mặt
  • Cơn đau kéo dài, không ổn định
  • Tê cánh tay hoặc có cảm giác tê ở mặt

Nếu bạn đang trải qua cảm giác trên và lo lắng về tình trạng của mình, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến bệnh của mình. Những cơn đau đầu nghiêm trọng thường khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Với trường hợp xảy ra các vấn đề liên quan đến mờ thị giác, mất cân bằng,… thì bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt. 

 Cách điều trị

Phương pháp điều trị ho bị đau đầu sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và biểu hiện của bệnh bởi mỗi người sẽ có cách đáp ứng thuốc khác nhau. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng và kết quả chụp CT cắt lớp não bộ để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm.

Đối với nguyên nhân ho bị đau đầu nguyên phát, một số loại thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc trong quá trình chữa trị như:

  • Thuốc chống viêm: Các nhóm thuốc indomethacin
  • Thuốc làm giảm huyết áp, giãn mạch: Nhóm thuốc propranolol 
  • Thuốc lợi tiểu, có tác dụng hạn chế áp lực bên trong hộp sọ: Nhóm thuốc acetazolamide
  • Bên cạnh đó, tùy tình trạng bệnh thì các nhóm thuốc ergonovine, naproxen, phenelzine,… đều có thể được chỉ định
  • Phương pháp chọc dò tủy sống cũng được sử dụng nhưng không quá phổ biến

Đối với nguyên nhân ho bị đau đầu thứ phát khó khăn hơn, cách điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

  • U não: Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những phương pháp thường dùng. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định phục hồi chức năng để nhanh chóng lấy lại những kỹ năng bị ảnh hưởng. Ví dụ như vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu nghề nghiệp,…
  • Phình động mạch não: Để loại bỏ tình trạng này hoặc hoặc ngăn túi phình phát triển, người bệnh sẽ cần phải thực hiện các ca phẫu thuật.
  • Dị dạng Chiari: Sử dụng nhóm thuốc indomethacin có thể giúp làm dịu các cơn đau đầu, tuy nhiên, trong trường hợp xấu thì bác sĩ sẽ cho phẫu thuật để giảm áp lực hoặc thay đổi hình dạng.

Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện một số phương pháp hỗ trợ điều trị để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, cụ thể như:

đau đầu khi ho
Một thực đơn đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp bạn phòng tránh nhiều loại bệnh
  • Tiêm phòng cúm hàng năm
  • Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày: đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
  • Tránh tiếp xúc với những tác nhân có thể gây ra tình trạng ho bị đau đầu
  • Hạn chế và không nên sử dụng thuốc lá hoặc các chất kích thích gây hại
  • Hạn chế các hoạt động phải cần nhiều sức lực như khuân vác vật nặng, nâng tạ,…
  • Nghe theo sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh để tránh các tác dụng phụ gây ho
  • Xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, ví dụ vitamin B2, thực phẩm giàu chất béo, ít chứa carbohydrate và protein,…

Bạn nên chú ý đến tần suất và cường độ đau đầu khi ho bởi nếu vẫn diễn ra liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên đi gặp ngay bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán tình hình đang diễn ra. Ho bị đau đầu tuy không quá nguy hiểm trong nhiều trường hợp nhưng bạn cũng không thể quá chủ quan với các tín hiệu cảnh báo sức khỏe.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cough headaches. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/primary-cough-headaches/symptoms-causes/syc-20371200. Ngày truy cập 14/11/2023

Primary Cough Headache. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21071-primary-cough-headache. Ngày truy cập 14/11/2023

Primary Cough Headache: A Case Report. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10072196/. Ngày truy cập 14/11/2023

Cough Headaches. https://www.sparrow.org/departments-conditions/conditions/cough-headaches. Ngày truy cập 14/11/2023

Cough Headache. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/cough-headache. Ngày truy cập 14/11/2023

Phiên bản hiện tại

12/12/2023

Tác giả: Lê Phương Thảo

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Trọng Uyên Minh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Các vị trí đau đầu thường gặp và cách xử trí

Cảm lạnh đau đầu - Bạn đã biết cách giảm nhức đầu do cảm lạnh?


Tham vấn y khoa:

Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Trọng Uyên Minh

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Sante


Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 12/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo