Biến chứng bệnh gout nguy hiểm khôn lường. Người bệnh không chỉ bị những cơn đau dữ dội tấn công mà các khớp còn bị viêm, cứng đờ, biến dạng. Có bệnh nhân bị biến chứng nặng đến mức phải tháo khớp, thay khớp.
Bệnh gout, còn gọi là thống phong, phát triển khi trong cơ thể có lượng axit uric dư thừa.
Nếu lơ là điều trị, các cơn gout sẽ tái phát dẫn đến biến dạng khớp, khiến người bệnh không thể vận động các khớp như bình thường.
Bệnh gout có xu hướng tiến triển theo từng giai đoạn và sẽ trầm trọng hơn theo thời gian nếu không được kiểm soát tốt. Bằng cách nhận biết và sớm điều trị các triệu chứng, người bệnh sẽ tránh được biến chứng lâu dài, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bạn có thể tham khảo thêm: Nguyên nhân bệnh gout: Biết để phòng ngừa
Biến chứng bệnh gout
Bệnh gout không chỉ gây ra những cơn đau, nó còn dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.
Biến chứng bệnh gout dễ quan sát nhất
Tophi (các nốt, cục sần)
Biến chứng bệnh gout dễ bắt gặp nhất là tophi. Tophi là những khối tinh thể urate cứng dưới da. Chúng hình thành ở các khớp và sụn ở ngón tay, cổ tay, bàn tay, bàn chân, cổ chân hoặc mắt cá chân. Tophi cũng hay hình thành quanh lỗ tai.
Tophi thường không gây đau đớn, trừ những khi cơn gout bùng phát khiến chúng bị viêm và sưng lên.
Tophi sẽ phát triển theo thời gian và có khả năng ăn mòn các mô cùng da quanh khớp, gây ra những tổn thương vĩnh viễn.
Tổn thương và biến dạng khớp
Nếu bệnh không được chữa trị từ gốc thì các cơn gout sẽ tái diễn. Chứng viêm gây ra trong các cơn gout cùng với sự phát triển của tophi sẽ dẫn đến những tổn thương ở mô khớp, khớp bị cứng lại và ảnh hưởng đến sự vận động. Tổn thương và biến dạng khớp cũng được xem là một trong những biến chứng bệnh gout tiêu biểu nhất.
Viêm khớp do gout nhiều khi khiến bệnh nhân bị xói mòn xương và mất sụn, hay nói cách khác là phá hủy hoàn toàn khớp.
Những trường hợp nặng, bệnh nhân cần phẫu thuật để khắc phục tổn thương ở khớp, có người còn cần phải thay cả khớp.
Biến chứng bệnh gout liên quan đến thận
Sỏi thận
Người mắc bệnh gout có nguy cơ bị sỏi thận, vì tinh thể urate tích tụ trong đường tiết niệu, hình thành sỏi. Khoảng 10-25% người bị bệnh gout phát triển sỏi thận. Có khi sỏi thận cản trở đường tiểu, khiến bệnh nhân đau rát mỗi khi đi tiểu và mót tiểu nhiều lần. Sỏi thận làm cho tình trạng viêm nhiễm dễ phát triển trong hệ thống tiết niệu.
Hầu hết sỏi thận đều nhỏ và thoát ra ngoài theo đường tự nhiên, thường là trong 1 đến 2 ngày. Uống nhiều nước giúp loại sỏi ra khỏi cơ thể theo đường tự nhiên một cách dễ dàng hơn.
Thuốc kê đơn có tác dụng làm cho nước tiểu ít axit hơn, làm tan một số sỏi thận có lẽ đã hình thành.
Suy thận
Sỏi thận hình thành từ tinh thể urate tích tụ trong thận để lại tổn thương và sẹo. Tổn thương thận do nguyên nhân nói trên nếu để lâu qua năm tháng sẽ dẫn đến suy thận, đặc biệt nếu bệnh gout không được điều trị.
Biến chứng bệnh gout khác
Tâm lý và cảm xúc bị ảnh hưởng
Bệnh gout mãn tính gây đau đớn kéo dài và liên tục, khiến bệnh nhân bị hạn chế khả năng đi lại, làm việc cũng như thực hiện các công việc bình thường. Sống chung với những cơn đau sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tình cảm của bệnh nhân. Khi cảm thấy cần, bệnh nhân không nên ngần ngại mà hãy trao đổi với bác sĩ về tác động của bệnh gout lên trạng thái tâm lý, tình cảm của mình, đồng thời hỏi ý kiến về các cách để đối phó với tình trạng trên.
Các vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến bệnh gout
- Đục thủy tinh thể, trước mắt như có màn sương giăng làm ảnh hưởng đến thị lực
- Hội chứng khô mắt
- Có tinh thể axit uric trong phổi (dù biến chứng này hiếm xảy ra)
Bệnh gout có chữa khỏi được không?
Bệnh nhân không bao giờ chữa dứt hoàn toàn được bệnh gout. Đây là một bệnh lâu dài chỉ có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc (để kiểm soát nồng độ axit uric và để chống viêm). Về lâu dài, nếu không dùng thuốc hạ axit uric thì bệnh sẽ tái phát.
Nếu được chẩn đoán sớm, hầu hết người mắc bệnh gout đều có thể sống một cuộc sống bình thường.
Cho dù bệnh tình đã tiến triển thì việc dùng thuốc kết hợp với lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp giảm bớt triệu chứng, giảm tần suất cùng mức độ nghiêm trọng của các cơn gout.
Kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh gout
Như đã đề cập ở trên, ngoài việc dùng thuốc, điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh nhằm kìm hãm sự tiến triển của bệnh và phòng chống các cơn gout bùng phát làm tổn thương khớp.
Điều trị bệnh gout bằng thuốc chủ yếu dựa trên 2 phương thức:
- Dùng thuốc chống sưng viêm, giảm đau và dùng thuốc hạ axit uric.
- Duy trì lối sống lành mạnh
-
- Tập thể dục và có chế độ ăn uống cân bằng để kiểm soát cân nặng
- Uống nhiều nước
- Tránh xa đồ uống có đường, rượu, bia
- Ăn ít thịt, nội tạng động vật, bánh ngọt và hải sản. Nạp protein từ các nguồn như sữa ít béo, sữa chua, phô mai…
Bạn có thể tham khảo thêm: Bị bệnh gout nên ăn gì và kiêng gì
[embed-health-tool-bmi]