Tìm hiểu chung
Căng cơ thắt lưng là bệnh gì?
Căng cơ thắt lưng là bệnh phổ biến nhất trong những chấn thương ở thắt lưng, trong đó cơ hoặc gân ở thắt lưng bị kéo căng hoặc rách. Một loạt các cơ bắp và dây chằng ở lưng giữ xương cột sống. Khi các cơ căng ra quá mức dẫn đến các cơ bắp suy yếu dần, cột sống sẽ trở nên kém ổn định gây đau lưng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của căng cơ thắt lưng là gì?
Các triệu chứng bao gồm đau đột ngột ở thắt lưng và nặng lên khi hoạt động (uốn, duỗi, ho, hắt hơi). Các triệu chứng khác là đau và cứng lưng, co thắt thắt lưng, đau mông và chân.
Bạn có thể các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ nếu bạn tiểu khó hoặc mất khả năng kiểm soát tiêu tiểu. Ngoài ra, nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra căng cơ thắt lưng?
Nguyên nhân gây ra căng cơ thắt lưng bao gồm:
- Ít vận động;
- Béo phì;
- Hút thuốc lá;
- Ho nhiều;
- Căng thẳng;
- Chấn thương hay té ngã;
- Chơi thể thao mà không kéo duỗi cơ hoặc khởi động trước có thể dẫn đến căng cơ thắt lưng;
- Các hoạt động làm mỏi thắt lưng, chẳng hạn như: duỗi, gập người, nâng vật nặng không đúng cách, kéo nhiều (cử tạ), hoặc xoắn vặn người (bóng rổ, bóng chày, gôn).
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải căng cơ thắt lưng?
Bất cứ ai cũng có thể bị căng cơ thắt lưng. Các vận động viên, đặc biệt là các cầu thủ bóng đá và thể dục dụng cụ, dễ bị căng cơ trong trong quá trình luyện tập thi đấu. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc căng cơ thắt lưng?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ căng cơ thắt lưng, bao gồm:
- Ít luyện tập. Điều này làm cho cơ yếu và dễ bị chấn thương.
- Mệt mỏi. Cơ bị mệt sẽ không nâng đỡ các khớp một cách tốt nhất. Khi mệt mỏi, bạn cũng không chống chịu được với lực tác dụng lên khớp hay duỗi cơ quá nhiều.
- Khởi động không đúng cách. Khởi động trước khi vận động nặng không đúng cách, cơ sẽ không được giãn ra, làm hạn chế tầm vận động của khớp dẫn tới dễ bị chấn thương hơn.
- Điều kiện môi trường. Mặt sàn trơn trượt hay không bằng phẳng làm bạn dễ bị chấn thương.
- Dụng cụ không tốt. Giày hoặc các dụng cụ thể thao khác không vừa vặn hay có độ bám kém có thể làm tăng nguy cơ.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán căng cơ thắt lưng?
Chẩn đoán được thực hiện dựa trên bệnh sử, khám thực thể và có thể dùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện trong trường hợp đặc biệt nếu cần có hình ảnh rõ ràng hơn về xương, dây thần kinh hoặc đĩa đệm. Trong các trường hợp cần thiết, phương pháp điện cơ ký (EMG) sẽ được thực hiện để chẩn đoán các vấn đề về cơ bắp được chính xác hơn.
Những phương pháp nào dùng để điều trị căng cơ thắt lưng?
Điều trị căng cơ thắt lưng bao gồm: nghỉ ngơi, chườm đá, chườm nóng, thuốc men và các bài tập thể dục. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi trong một hoặc hai ngày, sau đó bắt đầu lại từ các hoạt động thể chất nhẹ. Chườm đá trong 2-3 ngày đầu tiên để hết sưng. Tắm hoặc ngâm trong bồn nước nóng có thể hữu ích.
Các loại thuốc như thuốc giãn cơ và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau. Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. NSAID có thể gây ra đau bụng, tiêu chảy, loét, đau đầu, chóng mặt, nghe kém hoặc phát ban. Thuốc giãn cơ có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, hoặc phát ban.
Vật lý trị liệu và các bài tập thể dục có thể giúp tăng cường cơ bắp ở vùng bụng, kéo duỗi và tăng cường sức cơ thắt lưng trong và sau khi lành bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của căng cơ thắt lưng?
Căng cơ thắt lưng có thể được hạn chế nếu bạn:
- Uống thuốc theo toa của bác sĩ;
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân;
- Tập các bài tập kéo duỗi và tăng cường sức mạnh cơ lưng hàng ngày;
- Sử dụng tư thế đúng khi ngồi, đứng, hoặc nâng vật. Khi nhấc vật nặng lên, hãy gập đầu gối lại.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]