Triệu chứng loãng xương thường không biểu hiện rõ ràng cho đến khi bạn cảm thấy đau đớn và bị gãy xương. Nếu được phát hiện và điều trị càng sớm thì nguy cơ gãy xương về sau càng giảm đi.
Mời bạn cùng Hello Bacsi khám phá triệu chứng bệnh loãng xương và cách phòng ngừa trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương là một bệnh về xương xuất hiện khi mật độ khoáng của xương và khối lượng xương giảm, hoặc khi chất lượng và cấu trúc xương thay đổi. Đây là hậu quả của việc tạo xương mới không theo kịp với sự mất đi của xương. Loãng xương làm suy yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào nhưng phổ biến nhất là ở xương hông, cột sống và cổ tay. Trong đó, gãy xương cột sống hoặc xương hông là biến chứng loãng xương nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tàn tật và tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên sau chấn thương.
Triệu chứng loãng xương có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với đàn ông và tuổi càng cao thì tỷ lệ loãng xương càng tăng lên.
Đây là nguyên nhân chính gây gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và ở nam giới lớn tuổi. Đối với nhiều phụ nữ, bệnh đã bắt đầu phát triển từ một hoặc hai năm trước khi mãn kinh.
Ngoài ra, những người sử dụng một số thuốc như điều trị ung thư, thuốc điều trị suy giáp, thuốc steroid kéo dài, thuốc chống thải ghép,… cũng có khả năng cao bị loãng xương.
5 triệu chứng loãng xương thường gặp nhất
Loãng xương vẫn được mệnh danh là một căn bệnh thầm lặng vì thường không có triệu chứng trong nhiều năm. Bệnh nhân thậm chí còn không biết mình mắc bệnh cho đến khi bị gãy xương và gây ra cảm giác đau đớn.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian xương bị suy yếu thì bạn có thể xuất hiện một số triệu chứng loãng xương nhất định. Phần Infographic dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn 5 triệu chứng loãng xương phổ biến nhất nhé!
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bạn nên thăm khám khi gặp các triệu chứng của bệnh loãng xương như bị gãy xương sau khi té ngã nhẹ hoặc bị đau lưng dữ dội và đột ngột.
Ngoài ra, nếu có các yếu tố nguy cơ bị loãng xương như mãn kinh sớm, dùng corticosteroid vài tháng một lần, gia đình có tiền sử bị gãy xương hông, người trên 50 tuổi,… thì cũng nên đi kiểm tra mật độ xương.
Chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân loãng xương sớm là điều quan trọng giúp cải thiện mật độ xương, chống gãy xương và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm khác.
Phòng ngừa triệu chứng loãng xương như thế nào?
Loãng xương có thể được phòng ngừa bằng một chế độ dinh dưỡng khoa học và tập thể dục thường xuyên, góp phần giữ cho xương luôn chắc khỏe.
Cụ thể như sau:
- Bổ sung đủ protein trong chế độ ăn uống: Protein là một trong những thành phần cấu tạo nên xương. Hãy bổ sung protein đa dạng từ nhiều nguồn như thực vật từ đậu nành, các loại hạt, các loại đậu, sữa, trứng, thịt trắng và cá.
- Duy trì cân nặng phù hợp: Thiếu cân làm tăng nguy cơ mất xương và gãy xương. Trong khi đó, thừa cân lại có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ở cánh tay và cổ tay. Vì vậy, bạn nên duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp theo chỉ số BMI vừa tốt cho xương, cũng như tốt cho sức khỏe tổng thể.
- Bổ sung canxi thông qua chế độ dinh dưỡng: Các nguồn canxi tốt thường chứa trong các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại rau lá xanh đậm, các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, ngũ cốc, nước cam.
- Bổ sung vitamin D: Vitamin D cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và giúp tăng cường sức khỏe của xương. Người từ 51 – 70 tuổi nên bổ sung 600 IU và người sau 70 tuổi là 700 IU vitamin D mỗi ngày thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng để phòng ngừa triệu chứng loãng xương do tuổi tác. Hãy tham khảo bác sĩ về loại viên uống phù hợp.
- Duy trì tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình loãng xương. Rèn luyện càng sớm, nguy cơ loãng xương càng thấp. Bài tập tốt cho xương cánh tay và cột sống trên là gánh tạ. Bài tập chủ yếu tác động vào xương phần dưới cơ thể là đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, nhảy dây. Bài thái cực quyền giúp làm giảm nguy cơ ngã, đặc biệt ở người cao tuổi.
Hy vọng thông qua bài Infographic trên đã giúp bạn hiểu hơn về triệu chứng loãng xương, cũng như cách phòng ngừa để luôn có một hệ xương chắc khỏe nhé!
[embed-health-tool-bmi]