Xương bánh chè không cần thiết trong việc đi bộ hay co duỗi khớp gối, nhưng nó giúp cơ bắp hoạt động hiệu quả hơn và hấp thụ áp lực giữa phần trên của cơ thể và dưới chân. Đồng thời đây được xem như là tấm chắn cho khớp gối nên thường bị chấn thương. Gãy, vỡ xương bánh chè chiếm khoảng 1% trong tổng số các chấn thương về xương và phổ biến nhất trong nhóm tuổi từ 20-50. Các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp đôi so với phụ nữ.
Nhiều người lo lắng rằng vỡ xương bánh chè có đi lại được không hay bao lâu hồi phục?Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé!
Tìm hiểu chung
Vỡ xương bánh chè đầu gối là gì?
Xương bánh chè đầu gối là một xương nhỏ hình tam giác nằm trước khớp gối – nối giữa xương đùi với xương chày. Mặt sau xương bánh chè liên quan trực tiếp với khớp gối, do đó một số trường hợp gãy xương bánh chè đầu gối có thể làm ảnh hưởng đến đến gân hay dây chằng khớp gối.
Xương bánh chè là xương vừng lớn nhất trong hệ xương của con người, hình tam giác hơi tròn, nằm ở vị trí phía đầu gối dưới phần xương đùi. Nó được ví như là một chiếc khiên bảo vệ khớp gối.
Xương bánh chè điều chỉnh hướng, lực và chiều dài của gân bánh chè và gân cơ tứ đầu đùi ở các mức độ gập gối khác nhau. Đây còn là miếng đệm bảo vệ gân tứ đầu giảm ma sát. Bên cạnh đó, xương bánh chè còn làm giảm áp lực của cơ tứ đầu lên xương đùi bằng cách phân tán lực lên xương bên dưới một cách đồng đều.
Phân loại vỡ xương bánh chè
Có nhiều loại gãy vỡ xương bánh chè đầu gối khác nhau, bao gồm:
- Nứt gãy xương bánh chè không di lệch: Các mảnh xương có thể vẫn còn tiếp xúc với nhau hoặc chỉ cách nhau một hoặc hai milimet. Trường hợp này xương thường được cố định trong quá trình lành lại.
- Gãy xương bánh chè di lệch: Các mảnh xương bị kéo giãn về hai phía (di lệch) nên ở giữa xuất hiện khoảng trống.
- Bể bánh chè đầu gối thành nhiều mảnh: Trường hợp này xương có thể bị nứt gãy thành nhiều mảnh nhỏ, nằm sai vị trí (di lệch) hoặc không.
- Gãy xương bánh chè hở: có các mảnh xương đâm xuyên ra ngoài da hoặc có vết thương rách xuyên xuống xương, mất thời gian dài để lành lại. Gãy xương bánh chè kiểu hở đặc biệt nghiêm trọng vì nguy cơ nhiễm trùng cả vết thương và xương cao hơn, cần được điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Về cơ bản, gãy xương bánh chè được phân loại là gãy ngang, dọc, đứt gãy, rìa hoặc tồn thương sụn đầu gối.
- Gãy ngang xảy ra theo chiều ngang của xương bánh chè và thường do tác động gián tiếp lên xương bánh chè (tức là ngã).
- Gãy xương dọc thờng xuất phát từ cực dưới đến cực trên và có thể ổn định và được điều trị bảo tồn.
- Gãy các rìa của xương bánh chè xảy ra ở chu vi của xương bánh chè và thường do một lực tác động trực tiếp vào mặt bên của xương bánh chè.
Tồn thương sụn đầu gối thường thấy ở nhiều bệnh nhân, thường có biểu hiện tổn thương mô mềm.
Nhà khoa học Cramer và cộng sự công nhận rằng các vết gãy có độ dịch chuyển dưới 3 mm được coi là không di lệch.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của vỡ xương bánh chè
Một số triệu chứng gãy xương bánh chè đầu gối điển hình bao gồm:
- Đau xung quanh xương bánh chè (mặt trước của đầu gối)
- Bầm tím
- Sưng to ngay cả khi gãy xương bánh chè nhẹ
- Đầu gối không thể uốn cong hay duỗi thẳng
- Chân yếu, không có khả năng chịu lực, thậm chí khó để đứng và đi bộ
- Biến dạng đầu gối, đặc biệt với những trường hợp vỡ xương bánh chè nghiêm trọng
- Xương nhô ra khỏi đầu gối trong trường hợp gãy xương bánh chè hở.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của vỡ xương bánh chè là gì?
Vỡ hay gãy xương bánh chè là chấn thương liên quan đến những va đập mạnh vào vùng đầu gối, thường gặp như:
- Té ngã có sự va đập trực tiếp vào đầu gối, đặc biệt là bề mặt cứng như bê tông.
- Người chơi thể thao bị gậy, bóng,… đập trực tiếp vào đầu gối.
- Tai nạn ô tô mà đầu gối va chạm mạnh vào vô lăng hay bảng điều khiển phía trước.
- Bị vũ khí sát thương như bom, đạn,…
- Co gập cẳng đột ngột làm cho gân kéo trên xương bánh chè đầu gối đứt rời.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán vỡ xương bánh chè?
Sau khi thăm hỏi tiền sử chấn thương, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám đầu gối và chụp X-quang.
Khám nhìn và sờ thấy mảnh xương trong gãy xương bánh chè di lệch, tụ máu xảy ra nhanh chóng và đối xứng ở đầu gối.
Việc mất khả năng duỗi đầu gối cho thấy rằng có tổn thương của dây chằng giữa và dây chằng bên xuất hiện cùng với vết gãy. Trường hợp chấn thương với lực trực tiếp vào đầu gối hoặc đầu trên xương chày, cần phải khám cả khớp gối và khớp háng. Đặc biệt cần kiểm tra dây chằng chéo sau, phần xa xương đùi và dây chằng chéo trước.
Chụp X quang hai bên khớp gối là bắt buộc vì chúng cho thấy xương bánh chè cũng như các cấu trúc xương xung quanh. Trong các trường hợp kiểu gãy xương liên tục hoặc nghi ngờ có chấn thương dây chằng, sụn chêm hoặc sụn đầu gối kèm theo, chụp CT cung cấp hình ảnh chính xác về kiểu gãy xương trong khi MRI có thể góp phần phát hiện thêm các chấn thương phần mềm.
Những phương pháp điều trị vỡ xương bánh chè
Sơ cứu hay điều trị khẩn cấp
Gãy xương bánh chè có thể làm máu chảy nhiều vào khớp. Chăm sóc đặc biệt khi đến bệnh viện có thể bao gồm rút máu và chất lỏng ra khỏi khớp để giảm sưng, đau và cũng giúp cho việc chẩn đoán dễ dàng hơn.
Điều trị không phẫu thuật
Điều trị không phẫu thuật được chỉ định trong những trường hợp gãy xương ổn định không di dời, (dưới 2 mm trật khớp) và không bị giới hạn duỗi gối.
Việc điều trị bao gồm cố định bằng nẹp với độ uốn xấp xỉ 10 ° kết hợp phục hồi chức năng sớm có thể bắt đầu vào khoảng ngày thứ 10. Sau đó tăng dần không vượt quá 90 ° trước khi nẹp củng cố trong tối thiểu 45 ngày. Bệnh nhân nên vận động sớm để ngăn ngừa được tình trạng cứng khớp.
Trong suốt quá trình này, bạn cần trải qua 2 lần kiểm tra: Lần đầu tiên vào 10–15 ngày sẽ loại trừ sự di lệch thứ cấp và lần thứ hai sau 45 ngày sẽ đánh giá sự liền xương.
Ưu điểm của điều trị không phẫu thuật là giảm thời gian nằm viện và không xâm lần hay gây mê.
Hạn chế của nó là thời gian bất động lâu hơn, tỷ lệ di lệch thứ phát cao hơn và có thể phát triển chứng dính khớp thứ phát.
Điều trị phẫu thuật
Chỉ định điều trị phẫu thuật xương bánh chè là gãy ngang, gãy hình sao hoặc đứt gãy với độ di lệch lớn hơn 4 mm và / hoặc với trật khớp lớn hơn 2mm, cũng như hạn chế duỗi gối. Mục tiêu của điều trị phẫu thuật là thu được sự thu nhỏ về mặt giải phẫu của bề mặt khớp và cung cấp sự cố định ổn định để cho phép phạm vi cử động sớm và do đó khôi phục cơ chế kéo dài đầu gối.
Tùy vào loại gãy xương mà bác sĩ có thể chỉ định các thủ thuật kết liền xương khác nhau, điển hình như:
- Khi vỡ ngang xương bánh chè, hai phần xương gãy này được cố định với vít, đinh, dây và một dải băng hình số 8. Băng hình số 8 này sẽ giúp ép hai mảnh xương vỡ lại với nhau. Thủ thuật này được sử dụng phù hợp nhất với các trường hợp vỡ xương bánh chè ở phần trung tâm thay vì phần đầu xương (các mảnh vỡ sẽ nhỏ ở đầu xương dễ bị nứt vỡ do băng hình số 8 nén chặt).
- Khi vỡ xương bánh chè có nhiều mảnh nhỏ không thể cố định lại với đinh, vít, bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ một số mảnh nhỏ của xương bánh chè rồi khâu phần xương còn lại với gân bánh chè. Nếu xương bánh chè bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ ở trung tâm và các mảnh bị tách rời, bác sĩ sẽ dùng kết hợp dây và vít để cố định nó, đồng thời loại bỏ các mảnh nhỏ không thể tái tạo được.
- Cắt bỏ hoàn toàn xương bánh chè dùng khi vỡ xương bánh chè nghiêm trọng, thành các mảnh rất nhỏ không thể tái tạo phục hồi. Đây là biện pháp cuối cùng để điều trị gãy vỡ xương bánh chè.
Phục hồi sau gãy xương bánh chè
Các biện pháp giảm đau
Người bị gãy xương hay sau phẫu thuật gãy xương đều bị đau trong vài ngày cho tới vài tuần. Chườm lạnh, kê cao chân hơn tim, dùng thuốc giảm đau thông dụng (paracetamol, ibuprofen, naproxen) được xem là các phương pháp hữu ích cho việc giảm đau.
Nếu đau đớn dữ dội, bạn có thể đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau phù hợp. Một số trường hợp có thể được kê đơn thuốc giảm đau mạnh như opioid. Tuy nhiên đây cũng là loại thuốc gây “nghiện” cần tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người bị gãy xương bánh chè
Mổ xương bánh chè bao lâu thì tập đi được? Sau khi phẫu thuật hay bó bột, đeo nẹp người bị vỡ xương bánh chè cần tập các bài tập phục hồi chức năng để khắc phục tình trạng cứng khớp và yếu cơ đùi do bất động quá lâu. Các bài tập vật lý trị liệu cụ thể bao gồm:
- Các bài tập về phạm vi chuyển động ở đầu gối của bạn.
- Bài tập tăng cường các cơ xung quanh đầu gối của bạn gồm cơ bắp chân, cơ đùi.
- Bài tập giúp làm giảm độ cứng khớp.
- Bài tập chịu trọng lượng, bắt đầu từ việc chạm nhẹ gót chân xuống sàn, sau dần dần dồn nhiều trọng lượng hơn lên chân.
Từ ngày thứ nhất đến 14 ngày cần duỗi gối tối đa; gấp khớp gối tới 90 độ kết hợp chườm lạnh khớp gối, băng chun ép cố định. Người bệnh đi lại bằng nạng đến khi kiểm soát được cơ đùi.
Sau phẫu thuật từ 2 – 6 tuần, bệnh nhân cần vận động của khớp gối. Tăng sức mạnh nhóm cơ đùi, tập duỗi khớp gối tối đa, thực hiện các bài tập với chun, tạ, dụng cụ chuyên dụng.
Người bị gãy xương nên ăn trái cây gì? Gợi ý những loại trái cây ngon và bổ dưỡng
Bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành?
Thời gian hồi phục sau gãy xương bánh chè là bao lâu còn phụ thuộc vào các yếu tố như: mức độ chấn thương, phương pháp điều trị,… Hầu hết các trường hợp là từ 3-6 tháng, nghiêm trọng hơn thì cần thời gian phục hồi dài hơn.
Bạn có thể trở lại làm việc sau 1 tuần với công việc chủ yếu là ngồi; 12 tuần nếu công việc liên quan đến việc phải ngồi xổm, leo cầu thang hay leo núi.
Các biến chứng sau gãy xương bánh chè đầu gối
Thoái hóa khớp xương bánh chè
Thoái hóa khớp xương bánh chè sau chấn thương thường phổ biến. Hơn 50% trường hợp xuất hiện sau 4 đến 8 năm bị chấn thương.
Viêm khớp sau chấn thương
Có khoảng 8,7% người bệnh bị viêm khớp sau chấn thương, tùy vào mức độ nặng khi chấn thương và giảm sức đề kháng (nguồn cung cấp dinh dưỡng bị suy giảm có thể đẩy nhanh tình trạng này). Tỉ lệ viêm khớp sau chấn thương không phụ thuộc phương pháp điều trị phẫu thuật hay bảo tồn.
Viêm khớp từ nhẹ đến trung bình thường gặp sau khi gãy vỡ xương bánh chè, đặc biệt là tình trạng thoái hóa và mềm đi sụn ở mặt dưới của xương bánh chè. Viêm khớp nặng ít gặp hơn.
Cứng khớp gối
Cứng khớp gối là một trong những biến chứng thường gặp nhất do bất động kéo dài sau điều trị. Tỷ lệ có thể lên đến 22%. Vật lý trị liệu sớm là rất quan trọng để giảm nguy cơ.
Đau đầu gối
Đau đầu gối cũng là một triệu chứng phổ biến gặp phải sau khi gãy xương bánh chè, cho dù có được điều trị bằng phẫu thuật hay không. Tỷ lệ teo cơ tứ đầu đùi là 41%.
Sau khi gãy xương bánh chè, cơ tứ đầu teo và yếu dẫn đến nứt xương bánh chè và tăng căng thẳng lên khớp, dẫn đến đau khớp gối trước làm ức chế hoạt động của cơ từ đó làm hạn chế khả năng phục hồi của cơ tứ đầu. Một yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng đau nhức đầu gối và đau trước đầu gối này là sẹo và độ căng của các cấu trúc xung quanh đầu gối, có thể do gãy xương ban đầu hoặc điều trị phẫu thuật sau đó.
Phục hồi chức năng sớm là rất quan trọng để củng cố và cân bằng lực cơ tứ đầu.
Gãy xương không tự liền
Đây là biến chứng hiếm gặp, ước tính khoảng từ 1 đến 5% đối với gãy xương kín, nhưng có thể lên đến 7% đối với gãy xương hở. Triệu chứng chính là đau kèm theo khó khăn khi đi lại, đặc biệt khi đi cầu thang.
Nhiễm trùng sâu cũng rất hiếm (0–5%), mặc dù cao hơn đáng kể trong các trường hợp gãy hở (11%). Nếu nhiễm trùng sớm được chẩn đoán trong 2 tuần đầu, có thể điều trị kháng sinh đặc hiệu đến khi xương lành (khoảng 12 tuần).
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa gãy xương bánh chè?
Vỡ xương bánh chè thường do chấn thương hay tai nạn nên không có biện pháp để phòng tránh hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ tiềm ẩn nào chẳng hạn như loãng xương làm xương yếu đi, cần kiểm soát tốt chúng để ngăn ngừa gãy xương bánh chè.
[embed-health-tool-bmi]