backup og meta

Gãy xương không bó bột có sao không? Xương có tự lành không?

Gãy xương không bó bột có sao không? Xương có tự lành không?

Bó bột là phương pháp điều trị quen thuộc và phổ biến nhất với chấn thương gãy xương. Khi bị gãy ở mức độ không quá nghiêm trọng, xương tổn thương cần được cố định đúng cách và tránh chuyển động để thúc đẩy quá trình hồi phục. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp bó bột. Vậy nếu gãy xương không bó bột có sao không?

Bó bột là một phương pháp điều trị không xâm lấn và an toàn. Tuy nhiên bó bột thường khiến người bệnh bị hạn chế vận động và gây ra nhiều khó khăn khi sinh hoạt. Để trả lời cho câu hỏi gãy xương không bó bột có sao không, cùng tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc điều trị gãy xương bằng cách bó bột nhé!

Bó bột giúp lành xương gãy thế nào?

Quá trình lành xương gãy gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn các mạch máu bị tổn thương, các tế bào miễn dịch sẽ đến vị trí tổn thương để “dọn dẹp” vụn xương gãy gây ra viêm. Giai đoạn 2 là giai đoạn sản sinh tế bào xương mới từ nguyên xương bào. Cuối cùng là giai đoạn tái cấu trúc xương, xương tiếp tục hình thành và trở nên cứng chắc.

Cần có thời gian để các mảnh xương liền lại với nhau. Trong thời gian này, vùng xương tổn thương cần được giữ yên vì bất kỳ chuyển động nào của các mảnh xương đều làm chậm quá trình lành thương. Do vậy, bác sĩ thường chỉ định bó bột để cố định xương gãy và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Tuy nhiên, bó bột gây ra nhiều khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt. Vì vậy nhiều bệnh nhân bị gãy xương thường e ngại và thắc mắc rằng gãy xương không bó bột có sao không. 

Gãy xương không bó bột có sao không?

gãy xương không bó bột có sao không

Để trả lời cho câu hỏi “Gãy xương không bó bột có sao không?”, cùng điểm qua một vài yếu tố quyết định việc điều trị gãy xương dưới đây:

1. Vị trí xương gãy

Vị trí xương gãy đóng một vai trò quan trọng trong việc liệu xương có lành lại nếu không bó bột hay không. Một số vị trí gãy xương có khả năng lành lại mà không cần bó bột như xương đòn, xương cổ tay, xương ngón tay và xương mắt cá chân hoặc không thể bó bột được như xương chậu, cổ xương đùi. Những xương này được tưới máu tốt nên dễ lành vết thương. Ngoài ra, chúng không chịu nhiều áp lực như các xương khác trong cơ thể nên ít có khả năng bị gãy lần nữa.

2. Kiểu gãy xương

Có nhiều kiểu gãy xương khác nhau: gãy ngang, gãy chéo vát, gãy xoắn, gãy xương mảnh vụn, gãy thành nhiều đoạn… Một số tổn thương có nhiều khả năng lành lại mà không cần bó bột hơn những loại khác. Một vết gãy gọn, các đầu xương gãy vẫn thẳng hàng có nhiều khả năng lành mà không cần bó bột hơn là một vết gãy xương bị di lệch, các đầu xương gãy không còn thẳng hàng.

3. Tuổi tác

Tuổi tác có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định gãy xương không bó bột có sao không. Người trẻ tuổi có xu hướng lành vết thương nhanh hơn người lớn tuổi do xương của trẻ vẫn đang phát triển và được tưới máu tốt.

4. Biến chứng

Gãy xương hay bất kỳ loại chấn thương nào cũng có thể xảy ra biến chứng. Nếu có biến chứng, bác sĩ có thể cần phải bó bột cho phần xương gãy. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm nhiễm trùng hoặc các vấn đề về tưới máu.

Mỗi chấn thương sẽ khác nhau, do đó bác sĩ sẽ xem xét và quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, theo lý thuyết xương đó có thể lành mà không cần bó bột, nhưng bác sĩ vẫn có thể khuyên bệnh nhân nên bó bột để đảm bảo an toàn.

5. Sự tuân thủ

Trong một số trường hợp, nếu bác sĩ cảm thấy bệnh nhân có đủ khả năng và kiến thức để chăm sóc xương tổn thương, họ có thể không chỉ định bó bột. Quyết định này thường dựa trên các yếu tố như tuổi tác, nghề nghiệp và việc tuân thủ hướng dẫn của bệnh nhân. Ví dụ, một bệnh nhân làm công việc ít vận động có thể bỏ bó bột để sử dụng nẹp hoặc các hình thức hỗ trợ khác nếu vết thương không nghiêm trọng.

Vậy câu trả lời cho câu hỏi “Gãy xương không bó bột có sao không?” là tùy từng trường hợp. Nếu bác sĩ đã cân nhắc các yếu tố và quyết định không cần bó bột thì việc này là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bác sĩ đã ra chỉ định bó bột, bạn nên tuân thủ. Xương gãy không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến xương lành sai vị trí hoặc nghiêm trọng hơn là hoại tử. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt khi bị gãy xương.

Làm gì để xương gãy mau lành

  • Hạn chế hoặc tăng cường vận động theo yêu cầu của bác sĩ, ví dụ một số trường hợp gãy xương có thể cần hoạt động và chịu lực để tăng tốc độ lành vết gãy. Trường hợp khác lại cần được giữ cố định và tránh mang nặng. 
  • Dinh dưỡng: Duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Protein và các loại Vitamin C, D, K cần thiết cho việc làm lành xương gãy. Canxi, magiê, phốt pho, kẽm cũng là những yếu tố cần thiết cho sự hình thành xương và đẩy nhanh quá trình chữa lành.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu mao mạch – yếu tố cần thiết để chữa lành.
  • Ở những trường hợp đái tháo đường cần duy trì đường huyết ở mức ổn định

Một số câu hỏi thường gặp

gãy xương không bó bột có sao không

1. Gãy xương vai có cần bó bột không?

Gãy xương vai thường cần bó bột, ngoài ra có thể dùng nẹp hoặc dùng dây đai để cố định phần xương gãy.

2. Bị gãy xương sườn thì có phải bó bột không?

Bó bột không sử dụng trong trường hợp gãy xương sườn. Việc điều trị gãy xương sườn bao gồm nghỉ ngơi, giảm đau và tập thở.

3. Gãy xương mác có cần bó bột không?

Xương mác là một xương phụ nằm ở ngoài cẳng chân và nằm ngoài xương chày, có hình dạng dài và mảnh. Gãy xương mác thường cần bó bột hoặc nẹp để cố định.

4. Gãy xương đòn có cần bó bột không?

Trường hợp gãy xương đòn không sử dụng phương pháp bó bột để điều trị. Nếu xương gãy thẳng hàng, cách điều trị là đeo dây đai. Nếu xương gãy di lệch có thể cần phẫu thuật.

5. Gãy xương ngón chân có cần bó bột không?

Gãy xương ngón chân nhẹ thường chỉ cần băng ngón chân bị thương với ngón bên cạnh. Tuy nhiên nếu chấn thương quá nghiêm trọng bác sĩ có thể bó bột ngón chân cho bạn.

Bó bột là phương pháp hiệu quả và an toàn để cố định xương gãy hỗ trợ hồi phục. Tùy từng trường hợp mà câu trả lời cho câu hỏi “gãy xương không bó bột có sao không?” sẽ khác nhau. Nếu bạn nghi ngờ một người bị gãy xương, tốt nhất là nên đưa họ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Bone Fractures.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15241-bone-fractures. Ngày truy cập 30/11/2023

2. Fractures (Broken Bones).
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/fractures-broken-bones/. Ngày truy cập 30/11/2023

3. Fracture Healing Overview.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551678/. Ngày truy cập 30/11/2023

4. Fractures.
https://medlineplus.gov/fractures.html. Ngày truy cập 30/11/2023

5. Foot Fracture and Ankle Fracture Treatments.
https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/find-a-program-or-service/orthopaedics/foot-and-ankle-pain/foot-fracture-and-ankle-fracture-treatments. Ngày truy cập 30/11/2023

Phiên bản hiện tại

29/10/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Gãy xương đòn ở trẻ em có nguy hiểm không? Cần lưu ý những gì?

3 Dấu hiệu chắc chắn gãy xương mà bạn cần ghi nhớ


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo