backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Gãy vỡ xương khuỷu tay

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

Gãy vỡ xương khuỷu tay

Tìm hiểu chung

Gãy xương khuỷu tay là gì?

Gãy vỡ xương khuỷu tay liên quan đến gãy một hoặc nhiều hơn trong ba xương cánh tay, nơi các xương tụ lại tạo thành khớp khuỷu tay.

Các chấn thương nghiêm trọng như gãy xương và trật khớp khuỷu tay, có thể làm tổn thương xương và các cấu trúc khác của khuỷu tay, dẫn đến các vấn đề về chuyển động, chức năng mạch máu và thần kinh.

Ở trẻ em, gãy xương có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của xương, do xương của trẻ có nhiều “trung tâm tăng trưởng”, là nơi xương phát triển. Xương của trẻ liên tục phát triển trong suốt thời thơ ấu. Nếu gãy vỡ xảy ra ở “trung tâm tăng trưởng” xương sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương khuỷu tay là gì?

Nếu khuỷu tay có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, bạn có thể bị gãy xương hay có các tổn thương khác cần được điều trị:

  • Khuỷu tay bị sưng hoặc sưng ngay phía trên hoặc dưới khuỷu tay của bạn
  • Biến dạng khuỷu tay hoặc khu vực gần khuỷu tay
  • Da chuyển màu như bầm tím hay đỏ ở khuỷu tay
  • Khó di chuyển khuỷu tay một cách bình thường
  • Khó uốn và duỗi: bạn khó có thể uốn cong khuỷu tay để ngón tay chạm vào vai hoặc duỗi thẳng cánh tay hoàn toàn.
  • Khó xoay bản tay vào trong và xoay ra ngoài: khi giữ cánh tay ở bên hông với khuỷu tay gập góc  90°, bạn khó có thể xoay bàn tay ra ngoài để lòng bàn tay ngửa lên trần nhà. Tương tự, bạn khó có thể xoay bàn tay vào trong để lòng bàn tay hướng vào mặt sàn.
  • Tê, giảm cảm giác hoặc cảm giác lạnh ở cẳng tay, bàn tay hoặc các ngón tay.
  • Ba dây thần kinh chính- dây thần kinh giữa, dây thần kinh quay và dây thần kinh trụ đi qua khuỷu tay. Một chấn thương nghiêm trọng có thể làm tổn thương các dây thần kinh này.
  • Nhiều mạch máu cũng đi qua khuỷu tay của bạn. Những mạch máu quan trọng này có thể bị chấn thương hoặc chèn ép do chấn thương hoặc sưng.
  • Một vết cắt hoặc vết thương hở trên khuỷu tay sau một chấn thương
  • Cơn đau khuỷu tay sau khi bị chấn thương
  • Cảm giác khó cử động ở khuỷu tay hoặc cẳng tay của bạn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Gãy xương khuỷu tay có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tàn phế. Nếu nghĩ khuỷu tay có thể bị gãy, bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức.

Nếu khủy tay bị sưng nhẹ và không có bầm tím, vết thương hở hoặc mất cảm giác, bạn có thể đến gặp bác sĩ.

Bạn nên đến phòng cấp cứu nếu có một trong những vấn đề sau khi bị chấn thương ở cánh tay,  khuỷu tay:

  • Sưng ở khuỷu tay hoặc gần khuỷu tay.
  • Bạn nhận thấy bất kỳ biến dạng của khuỷu tay hoặc khu vực gần khuỷu tay.
  • Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ, hãy so sánh khuỷu tay bị thương của bạn với tay bình thường. Nếu thấy một khối u mới hoặc vết sưng, hãy đến khoa cấp cứu.
  • Bạn nghe hoặc cảm thấy tiếng ken két, lục cục khi di chuyển khuỷu tay, cổ tay hoặc bàn tay.
  • Khuỷu tay của bạn như bị khoá lại.
  • Chuyển động bình thường của khuỷu tay bị hạn chế.
  • Bạn thấy bất kỳ sự thay đổi màu sắc ở khuỷu tay hoặc các khu vực gần khuỷu tay. Màu hơi xanh thẫm, tím hoặc đen có nghĩa là bạn đang bị chảy máu bên trong hoặc gần khuỷu tay của bạn. Màu đỏ có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng.
  • Bạn thấy tê hoặc ngứa ran một phần của cánh tay, ví dụ cảm giác tê giật không ngừng.
  • Cánh tay, cổ tay, ngón tay bất động, khó hoặc không thể di chuyển bình thường.
  • Bạn bị đau nhiều ở khuỷu tay, cẳng tay, cổ tay hoặc bàn tay.
  • Bạn nhận thấy màu sắc hoặc nhiệt độ thay đổi ở cẳng tay, cổ tay hoặc bàn tay.
  • Cổ tay hoặc bàn tay của bạn nhợt nhạt, lạnh hoặc hơi xanh. Máu lưu thông ở khuỷu tay có thể bị tắc nghẽn.
  • Bị chảy máu xung quanh vùng khuỷu tay.
  • Bạn không dễ dàng thực hiện các chuyển động sau đây mà không đau:
  • Duỗi thẳng khuỷu tay
  • Uốn cong hoàn toàn sao cho ngón tay chạm vào vai bạn
  • Xoay lòng bàn tay hoàn toàn về phía trần nhà hoặc sàn nhà

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây gãy xương khuỷu tay?

Bạn có thể bị chấn thương khuỷu tay theo nhiều cách khác nhau, từ việc lạm dụng (chấn thương thể thao) đến một sự kiện chấn thương cấp tính (ngã hoặc đòn đánh trực tiếp). Một số sự kiện phổ biến dẫn đến gãy xương khuỷu tay bao gồm:

  • Khi bạn ngã ra sau như trượt ván, bạn đỡ người khi ngã bằng cánh tay duỗi thẳng và bàn tay mở.
  • Chấn thương do tốc độ cao có thể xảy ra do va chạm khi lái  ô tô hoặc xe gắn máy.
  • Một tác động trực tiếp lên khuỷu tay có thể gây ra vỡ như khi bạn ngã khỏi ván trượt hay xe đạp và rơi xuống đất.
  • Khuỷu tay bị đập mạnh.
  • Bất kỳ tổn thương trực tiếp lên khuỷu tay, cổ tay, bàn tay hoặc vai đều có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay.

Nguy cơ mắc phải

Mức độ phổ biến của gãy xương khuỷu tay như thế nào?

Chấn thương khuỷu tay là tình trạng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Sớm phát hiện và điều trị chấn thương khuỷu tay giúp giảm nguy cơ bị biến chứng và tàn tật sau này. Bất kỳ chấn thương khuỷu tay nghiêm trọng nào cũng cần điều trị.

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương khuỷu tay?

Các bác sĩ cần biết lịch sử sức khỏe tổng thể của bạn. Một số trong những câu hỏi để thu thập thông tin này gồm:

  • Tuổi của bạn
  • Tay thuận của bạn (Bạn thuận tay phải hay tay trái)
  • Nghề nghiệp của bạn
  • Mức độ hoạt động (Bạn là vận động viên hay là nhân viên văn phòng?)
  • Các phẫu thuật và chấn thương bạn đã có, đặc biệt là khuỷu tay hoặc bàn tay của bạn
  • Các bệnh nội khoa bạn đã có (bệnh hoặc tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến xương, khớp, dây chằng, gân, cơ, dây thần kinh và mạch máu. Các vấn đề về chảy máu hoặc hồi phục cũng rất quan trọng).
  • Các bệnh nội khoa
  • Các loại thuốc bạn sử dụng
  • Các dị ứng thuốc mà bạn có
  • Các thói quen xã hội (như hút thuốc lá hay uống rượu)

Bác sĩ cũng sẽ hỏi các câu hỏi cụ thể về chấn thương như:

  • Điều gì gây ra chấn thương khuỷu tay? Ví dụ như bạn bị ngã hay một cái gì đó đánh trúng khuỷu tay của bạn? Nếu bạn bị ngã, lực đập trực tiếp lên bàn tay hay lên khuỷu tay của bạn?
  • Khi nào chấn thương xảy ra?
  • Khi nào các triệu chứng của bạn xuất hiện ?
  • Những triệu chứng bạn có? Ví dụ, bạn bị đau hoặc đau và sưng, hay sưng và đổi màu?

Bác sĩ sẽ khám tổng quát, đặc biệt chú ý đến cánh tay bị thương của bạn.

  • Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tim, phổi và bụng.
  • Bác sĩ có thể kiểm tra đầu, cổ, lưng, tay và chân không bị thương của bạn. Hầu hết các kiểm tra này nhằm không bỏ xót các tổn thương hay tình trạng nghiêm trọng nào khác. Đôi khi, người bị chấn thương đau rất nặng ở khuỷu tay bị gãy nên không nhận ra các thương tích khác.

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang cơ bản. Tùy thuộc vào bệnh sử và nhu cầu điều trị của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung hoặc chụp X-quang chuyên biệt.

Đôi khi, chấn thương khuỷu tay gây đau nghiêm trọng nên bác sĩ không thể thực hiện thăm khám lâm sàng toàn diện. Bác sĩ có thể chỉ khám bằng cách quan sát khuỷu tay mà không di chuyển hay chạm vào nó.

Bác sĩ có thể khám bàn tay và cổ tay để đảm bảo rằng các mạch máu và dây thần kinh hoạt động tốt. Sau đó, bác sĩ có thể quyết định điều trị cơn đau và làm xét nghiệm X-quang. Thông thường, sau khi cơn đau thuyên giảm (bằng nẹp hoặc thuốc giảm đau), bác sĩ có thể khám kỹ hơn.

X-quang khuỷu tay cơ bản được chụp từ phía trước và mặt bên. Thường được bổ sung với 2 góc chụp khác nhau.

Ở trẻ em, bác sĩ có thể chụp X-quang khuỷu tay không bị thương. Khuỷu tay trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh. Sụn tăng trưởng thành xương, có thể bị nhầm với xương bị gãy. So sánh X-quang của khuỷu tay bị thương và không bị thương giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Các chẩn đoán hình ảnh khác như tia X-siêu âm, CT scan và MRI-có thể cung cấp hình ảnh đầy đủ hơn ở khuỷu tay bị thương. Các xét nghiệm này ít được chỉ định nhưng thỉnh thoảng cũng được tiến hành tại khoa cấp cứu.

Các xét nghiệm cơ bản khác thường không cần thiết cho người bị gãy khuỷu tay. Nếu bạn đang dùng thuốc hay có tình trạng sức khỏe nhất định hoặc phải phẫu thuật để chỉnh sửa khuỷu tay gãy, các xét nghiệm cơ bản có thể được thực hiện.

Nếu bác sĩ nghi ngờ động mạch vùng khuỷu tay bị tổn thương, bạn có thể cần chụp động mạch đồ.

Trong xét nghiệm này, bác sĩ đưa thuốc nhuộm vào động mạch để kiểm tra. Tổn thương động mạch cần được phẫu thuật vì nó cung cấp máu đến cổ tay và bàn tay.

Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương khuỷu tay?

Điều trị gãy xương khuỷu tay phụ thuộc vào loại chấn thương. Điều trị có thể chỉ đơn giản với nẹp nâng cánh tay, chườm đá lạnh các khu vực bị sưng và dùng thuốc giảm đau. Điều trị cũng có thể bao gồm phẫu thuật nhằm chỉnh sửa xương bị gãy, dây thần kinh và mạch máu. Trẻ em và người lớn thường có các loại chấn thương khuỷu tay khác nhau và cách hồi phục cũng rất khác nhau. Vì vậy, phương pháp điều trị cho người lớn và trẻ em bị gãy xương khuỷu tay khác nhau.

Thuốc

Một loạt các loại thuốc giảm đau thường được bác sĩ chỉ định.

  • Thuốc uống thường sử dụng với cơn đau nhẹ.
  • Thuốc tiêm vào cơ hoặc tĩnh mạch được sử dụng cho cơn đau trung bình đến nặng.

Thuốc có thể được đưa trực tiếp vào khớp khuỷu tay để giảm đau hoặc có thể dùng đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

  • Nếu khớp khuỷu tay của bạn bị trật hoặc vỡ, bạn cần được nắn chỉnh, thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng trong quá trình này.
  • Các thuốc giảm đau mặc dù có thể gây buồn ngủ, nó làm giãn cơ bắp và giúp bác sĩ có thể thao tác dễ dàng trên khuỷu tay.

Phẫu thuật

Đôi khi, phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có vết thương hở hoặc chấn thương khuỷu tay phức hợp (gãy nhiều phần xương).

  • Chấn thương khuỷu tay hở có nghĩa là một hoặc nhiều xương khuỷu tay xuyên qua da.
  • Không chỉ xương cần phải được chỉnh mà còn cần được làm sạch để nhiễm trùng không xảy ra. Điều này sẽ được thực hiện tốt nhất trong một phòng phẫu thuật vô trùng.

Chấn thương khuỷu tay kèm tổn thương dây thần kinh và mạch máu cần được sửa chữa trong phòng phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu y học đã phát hiện một số loại gãy khuỷu tay sẽ lành tốt hơn nếu được phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn và giúp bạn có lựa chọn tốt nhất.

Liệu pháp khác

Nếu khớp khuỷu tay của bạn chứa đầy máu hoặc dịch lỏng khác, dịch này có thể được dẫn lưu trong khoa cấp cứu.

  • Máu hoặc chất lỏng chảy từ khuỷu tay có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tổn thương cụ thể.
  • Dẫn lưu chất lỏng này ra ngoài làm giảm bớt áp lực và đau ở khuỷu tay.

Lúc này bạn sẽ được nẹp, dây đai và bó bột. Bác sĩ sử dụng nẹp cho các loại chấn thương khuỷu tay khác nhau. Bản nẹp thường là thạch cao. Nẹp thường được đặt ở mặt sau cánh tay và không hoàn toàn bao quanh với các vật liệu nẹp. Nẹp được thiết kế để giữ khuỷu tay của bạn ở một vị trí cố định.

  • Nẹp cho khuỷu tay bị gãy thường chạy dài từ gần vai đến bàn tay. Nẹp giữ khuỷu tay không quay hay gập. Các chuyển động này có thể làm xương gãy khó liền hoặc gây trật khớp.
  • Các bác sĩ có thể cung cấp một dây đeo giúp cánh tay được nẹp có thể nghỉ ngơi thoải mái. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tháo dây đeo khi ở nhà và nâng cánh tay qua đầu. Nâng cánh tay làm giảm sưng, nhất là vài ngày đầu sau khi bị chấn thương. Khuỷu tay khi sưng có thể chèn vào thần kinh và mạch máu trong khuỷu tay hoặc cẳng tay của bạn.
  • Bác sĩ hiếm khi bó bột khuỷu tay mới bị chấn thương. Nếu khuỷu tay bị sưng bên trong bột, nó có thể gây tổn thương thần kinh và mạch máu.

Nắn chỉnh khuỷu tay bị hỏng: Nếu một xương ở khuỷu tay của bạn bị trục trặc hoặc chệch ra khỏi khớp, bác sĩ có thể cần phải đặt lại xương. Các lý do để thực hiện thủ thuật này:

  • Đưa xương trở lại vị trí đúng của nó có thể làm giảm đau đáng kể.
  • Nắn xương giúp lành xương nhanh chóng.
  • Đôi khi gãy xương gây chèn ép hoặc cắt dây thần kinh và mạch máu. Việc di chuyển các xương vào vị trí đúng của nó có thể ngăn chặn tổn thương này.
  • Nếu bạn cần nắn chỉnh xương khuỷu tay, nên sử dụng thuốc giảm đau và giảm lo lắng.

Chế độ sinh hoạt hợp lý

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của gãy xương khuỷu tay?

Dưới đây là một số mẹo quan trọng cần nhớ:

  • Nếu bạn có một vết thương hở, hãy che dùng băng sạch băng khuỷu tay. Nếu bạn bị chảy máu, ấn mạnh và giữ chặt vết thương đồng thời nâng cao cánh tay.
  • Chườm đá lạnh vào vùng bị sưng.
  • Gọi cấp cứu khẩn cấp hoặc nhờ ai đó gọi cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức.
  • Nếu phải chờ xe cấp cứu quá lâu hoặc nếu bạn đang vận chuyển một người bị gãy xương khuỷu tay, hãy cố gắng bất động xương gãy càng nhiều càng tốt.
  • Không cố gắng kéo thẳng xương bị gãy.
  • Không cố gắng đẩy một xương gãy vào chỗ cũ nếu nó nhô ra khỏi da. Tự nắn chỉnh cánh tay bị biến dạng có thể làm trầm trọng thêm tổn thương của xương hoặc các phần khác trong khuỷu tay.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo