Bong gân, viêm cơ, gãy xương… là những chấn thương khuỷu tay khá phổ biến. Khi gặp những vấn đề này, bạn nên làm gì để điều trị cơn đau kịp thời, không dẫn đến đau mạn tính?
Nguyên nhân đau khuỷu tay
Đau khuỷu tay thường không phải là triệu chứng của bất kỳ tình trạng nghiêm trọng nào mà nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương.
Chấn thương thường xảy ra trong các tình huống sau:
- Ngã.
- Luyện tập thể thao như bóng đá, bóng rổ, đi xe đạp, trượt tuyết, trượt ván.
- Chấn thương khi làm việc.
Trẻ em có nhiều khả năng bị thương khuỷu tay do ngã trong quá trình chơi thể thao. Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị gãy khuỷu tay vì họ có tình trạng loãng xương. Họ cũng có nhiều khả năng bị té ngã vì khả năng giữ thăng bằng kém và tầm nhìn hạn chế.
Chấn thương cấp tính
Chấn thương có thể do té ngã, hoặc do bạn thực hiện các động tác uốn cong, xoắn vặn khuỷu tay đột ngột. Chấn thương khuỷu tay cấp tính có thể gây ra cơn đau dữ dội, sưng và bầm tím ngay sau khi bạn bị thương. Một số chấn thương cấp tính thông thường bao gồm:
- Tổn thương dây chằng, gân ở khuỷu tay
- Bong gân
- Căng cơ
- Rách cơ khuỷu tay
- Gãy xương
- Trật khớp.
Chấn thương mạn tính
Chấn thương khuỷu tay mạn tính có thể xảy ra sau một thời gian dài bạn lạm dụng hoặc lặp đi lặp lại một số hoạt động liên quan đến khuỷu tay. Chấn thương mạn tính thường gặp bao gồm:
- Viêm gân: Còn gọi là bệnh khuỷu tay của những người đánh golf. Đây là tình trạng các dây chằng neo giữ khớp khuỷu tay bị viêm. Triệu chứng thường là đau ở khuỷu tay. Đau có thể tồi tệ hơn khi bạn vận động khuỷu tay bị thương. Đôi khi, bạn mắc kèm một số triệu chứng như cứng và yếu khuỷu tay
- Viêm bao hoạt dịch: Tình trạng này xuất hiện ở những khớp thực hiện các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bạn bị viêm bao hoạt dịch, bạn sẽ cảm thấy đau ở khuỷu tay khi di chuyển khuỷu tay hoặc nhấn vào nó. Khuỷu tay có thể trở nên cứng, sưng và đỏ
- Dây thần kinh bị chèn ép: Các dây thần kinh gần khớp khuỷu tay có thể bị chèn ép do chuyển động lặp đi lặp lại.
Khi nào bạn nên khám bác sĩ?
Đối với tình trạng này, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc giảm đau thông thường, nhưng nếu bạn xuất hiện những triệu chứng sau thì bạn nên đi khám bác sĩ:
- Cơn đau dữ dội khiến bạn không chịu được
- Khuỷu tay của bạn bị biến dạng
- Bạn thấy vết thương hở ở khuỷu tay
- Bạn cảm thấy tê, yếu, ngứa ran ở khuỷu tay
- Da lạnh, trắng bệch, hoặc chuyển màu xanh
- Bạn không thể di chuyển khuỷu tay hoặc cánh tay bị đau
- Bạn không thể làm các hoạt động dùng sức nhiều ở vùng khuỷu tay
- Tình trạng sưng và đau khuỷu tay không cải thiện
- Có nhiễm trùng ở khu vực khuỷu tay, các triệu chứng nghi ngờ bao gồm sốt, ớn lạnh, vùng da xung quanh đỏ, nóng, sờ thấy đau.
Phương pháp điều trị chấn thương khuỷu tay
Các phương pháp điều trị đau khuỷu tay gồm có mang nẹp, vật lý trị liệu, thuốc, hoặc phẫu thuật. Việc chọn phương pháp nào còn phụ thuộc vào:
- Nguyên nhân gây đau khuỷu tay
- Vị trí đau
- Mức độ nghiêm trọng của các cơn đau
- Khả năng hoạt động của khuỷu tay
- Các bệnh mạn tính khác bạn đang mắc phải
- Tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, việc làm và thể thao của bạn.
Hiện nay có một số phương pháp điều trị đau khuỷu tay hiệu quả như vật lý trị liệu, điều trị bằng laser độ IV, sử dụng sóng xung kích hay sử dụng băng dán cơ.
Vật lý trị liệu
Phương pháp này được kết hợp với điều trị thần kinh cột sống giúp bệnh nhân phục hồi, cải thiện khả năng sinh lý. Các nhà trị liệu sẽ xác định thương tổn trong cơ thể bạn, sau đó kết hợp trị liệu, nắn xương.
Tia laser cường độ cao thế hệ thứ IV
Thiết bị được sử dụng sẽ chiếu tia laser cường độ cao thế hệ thứ IV vào da, tác động sâu và rộng lên vùng tổn thương, giúp kích thích quá trình tái tạo mô sinh học. Quá trình này giúp giảm viêm, giảm đau, tăng khả năng tự chữa lành vết thương, nhờ đó mà các cấu trúc sụn, mô bị tổn thương có thể tái tạo hoàn toàn tự nhiên.
Sóng xung kích
Sóng âm mang năng lượng sẽ tác động vào những điểm đau để thúc đẩy quá trình phục hồi mô, tế bào, giảm đau và khôi phục khả năng vận động.
Băng dán cơ
Băng dán cơ được làm bằng vải chuyên dụng với một lớp keo kết dính hỗ trợ. Băng dán sẽ nâng đỡ da ở vùng bị đau giúp giảm sưng, cố định hình dạng cơ bắp và giúp tăng tuần hoàn máu, điều trị chấn thương, giảm đau hiệu quả.
Khuỷu tay là nơi dễ bị tổn thương và phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình hình của bạn. Bạn nên đi khám tại bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa để được tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
[embed-health-tool-bmi]