backup og meta

Tự nhiên bị đau cổ là bị gì? Sái cổ, đau nhức cổ có sao không và cách trị

Tự nhiên bị đau cổ là bị gì? Sái cổ, đau nhức cổ có sao không và cách trị

Đau cổ là nguyên nhân thứ tư gây ra tình trạng tàn phế trong nhiều năm, xếp sau đau lưng, trầm cảm và đau khớp. Khoảng một nửa số người sẽ trải qua một đợt đau cổ trong suốt cuộc đời của họ.

Đau cổ khá phổ biến, ảnh hưởng đến 10% đến 20% người lớn. Thông thường, phụ nữ dễ gặp phải tình trạng này hơn nam giới và khi bạn già đi, nguy cơ sái cổ của bạn cũng tăng lên.

Đau cổ (sái cổ) thường không để lại biến chứng, nhưng nếu kéo dài sẽ khiến bạn gặp thêm nhiều vấn đề khác khó chịu hơn, chẳng hạn như đau đầu, mất ngủ. Thông thường, các vấn đề về cơ – xương – khớp vùng cổ là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Khi nắm rõ nguyên nhân, việc điều trị mới đạt kết quả toàn diện. Cùng tìm hiểu nhé!

Đau cổ (sái cổ) là bệnh gì?

Cổ của bạn linh hoạt và chịu sức nặng của đầu. Vì vậy, nó có thể dễ bị chấn thương, gây đau và hạn chế chuyển động. Các nguyên nhân chính khiến cổ bị đau nhức hay bị sái cổ bao gồm:

  • Sự căng cơ. Việc sử dụng cơ cổ nhiều, trong thời gian dài, vào các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc gắng sức dễ dẫn đến cứng và đau cổ. Bên cạnh đó, tư thế xấu, cơ bụng yếu và thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến đường cong sinh lý của cột sống và góp phần gây đau cổ. Ví dụ, căng cổ để xem màn hình máy tính trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến gây đau cổ.
  • Mòn các khớp. Cũng giống như các khớp khác trên cơ thể, khớp cổ của bạn có xu hướng bị mòn dần theo tuổi tác. Sự hao mòn tự nhiên có thể khiến các cấu trúc của cột sống cổ bị thoái hóa, từ đó gây đau. Các tình trạng thoái hóa như đợt cấp của hẹp ống sống (thu hẹp khoảng trống trong cột sống), hẹp lỗ liên hợp… cũng có thể dẫn đến đau cổ. Ngoài ra, tình trạng căng cơ và các vận động lặp đi lặp lại trong thời gian dài cũng là một nguyên nhân khiến các đĩa đệm ở cột sống thoái hoá, gây thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh và làm cổ bị đau.
  • Stress. khi bạn căng thẳng có thể dẫn đến đau và cứng cổ. Nhiều người co cứng các cơ cổ khi họ căng thẳng hoặc kích động. Họ thường không nhận ra rằng họ làm điều đó cho đến khi cổ của họ bắt đầu đau.
  • Chèn ép dây thần kinh. Đĩa đệm hoặc gai xương ở đốt sống cổ có thể chèn ép lên các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống.
  • Thương tật(chấn thương). Các chấn thương khác cũng có thể làm hỏng cơ, dây chằng, đĩa đệm, khớp đốt sống và rễ thần kinh trong tủy sống của bạn và dẫn đến đau cổ. Căng cổ trong các vụ tai nạn ô tô là một chấn thương phổ biến gây ra tình trạng này.
  • Một số bệnh. Chẳng hạn như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm màng não hoặc ung thư liên quan đến cột sống, có thể gây đau cổ.

Triệu chứng đi kèm đau cổ (sái cổ) là gì?

Các triệu chứng bị đau cổ bao gồm gặp khó khăn khi nhìn sang hai bên, khi lái xe và đọc sách. Đôi khi, bệnh gây đau làm bạn không ngủ được.

Đau cổ cũng có thể dẫn tới đau đầu, khi kéo dài nhiều tháng có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn.

triệu chứng bị đau cổ

Các dấu hiệu và triệu chứng mà một số người mô tả cơn đau là:

  • – Một cơn đau dai dẳng.
  • – Một cơn đau như dao đâm hoặc bỏng rát.
  • – Một cơn đau nhói chạy từ cổ đến vai hoặc cánh tay của họ.

Đau cổ có thể liên quan đến các triệu chứng khác, bao gồm:

  • – Đau đầu.
  • – Cứng cổ, vai và lưng trên.
  • – Không thể quay cổ hoặc nghiêng đầu.
  • – Cảm giác tê hoặc ngứa ran (kim châm) ở vai hoặc cánh tay của bạn.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:

  • Bị đau cổ hoặc đau đầu kéo dài mà không thuyên giảm
  • Gặp tác dụng phụ của thuốc
  • Cơn đau lan xuống tay hoặc chân, kèm theo đó là dấu hiệu tê, yếu hoặc ngứa ran.

Hiếm khi, đau cổ là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám sớm nếu cơn đau cổ của bạn kèm theo tê hoặc mất sức ở tay; hoặc cơn đau lan xuống vai hoặc xuống cánh tay.

nguyên nhân bị đau cổ

Chẩn đoán và điều trị

Nhng thông tin được cung cp không th thay thế cho li khuyên ca các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham kho ý kiến bác sĩ.

Nhng k thut y tế nào giúp chn đoán đau c (sái c)?

Khi cổ bị đau nhức, bạn cần đến bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt.

Bác sĩ sẽ hỏi về những chấn thương cổ trước đó có thể làm cổ tổn thương hoặc thoát vị đĩa đệm. Họ có thể hỏi về công việc hoặc các hoạt động khác xem chúng có phải là nguyên nhân căng cổ hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng hỏi về cơn đau của bạn, thời điểm nó bắt đầu, vị trí, thời gian kéo dài và mức độ dữ dội ra sao.

Các xét nghiệm hình ảnh thường không cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau cổ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chụp ảnh cổ của bạn nếu họ nghi ngờ có chấn thương nghiêm trọng hoặc nếu bạn đang bị đau dữ dội mà không cải thiện.

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể cho thấy các vấn đề về xương hoặc mô mềm có thể gây đau cổ. Chúng bao gồm các vấn đề về căn chỉnh cột sống cổ, gãy xương và trượt đĩa đệm. Đồng thời, X quang còn giúp phát hiện bệnh khớp khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ có thể cho thấy các vấn đề với tủy sống, dây thần kinh, tủy xương đĩa đệm và mô mềm cột sống. Xét nghiệm này cho biết liệu đĩa đệm có bị trượt ra khỏi vị trí hay không, các dấu hiệu nhiễm trùng và các khối u hoặc u nang có thể gây đau cổ.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể được sử dụng nếu không có sẵn MRI. Nó có thể cho thấy gai xương và dấu hiệu thoái hoá xương.

Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

  • Điện cơ: Để kiểm tra chức năng của các dây thần kinh và cơ bắp. 
  • Xét nghiệm sinh hoá: Giúp xác định nguyên nhân gây đau cổ ngoài chấn thương cơ xương như nhiễm trùng, bệnh thấp khớp hoặc ung thư. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu.

Những phương pháp nào dùng để điều trị đau cổ (sái cổ)?

Điều trị nhằm mục đích giảm đau và cải thiện biên độ vận động cổ. Hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ có thể được kiểm soát tại nhà. Bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng của bạn, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau và giãn cơ: Bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm cổ, thuốc giãn cơ để giúp cơ cổ phục hồi. Đây là phương pháp điều trị đầu tay phổ biến cho chứng đau cổ.
  • Vật lý trị liệu: Bạn có thể làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên thể hình để học các bài tập và động tác giúp tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai của cơ và gân ở cổ.
  • Thiết bị kích thích dây thần kinh bằng điện xuyên da (TENS): Thiết bị TENS đưa một dòng điện cường độ thấp lên vùng da gần dây thần kinh để phá vỡ tín hiệu đau. 
  • Tiêm steroid: Tiêm vào gần rễ thần kinh có thể làm giảm viêm và giảm đau.
  • Các liệu pháp thay thế: Gồm châm cứu để giảm đau, xoa bóp để giãn cơ, nắn chỉnh cột sống.
  • Phẫu thuật: Hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu một hoặc nhiều đốt sống bị lệch khỏi vị trí, đè nén lên dây thần kinh thì phẫu thuật là cần thiết.

Phòng ngừa

Nhng biện pháp nào giúp phòng ngừa và kiểm soát tình trạng bị đau c (sái c)?

phòng ngừa bị đau cổ

Hầu hết các cơn đau cổ liên quan đến tư thế sai kết hợp với sự hao mòn sụn khớp do tuổi tác. Để giúp ngăn ngừa đau cổ, hãy giữ đầu của bạn thẳng bằng một số thay đổi đơn giản trong thói quen hàng ngày:

  • Duy trì tư thế tốt. Khi đứng và ngồi, hãy đảm bảo giữ thẳng cột sống, hai vai cao bằng nhau.
  • Thường xuyên nghỉ giải lao. Nếu bạn di chuyển xa hoặc làm việc nhiều giờ bên máy tính, hãy đứng dậy, đi lại và vươn vai, xoay cổ.
  • Chú ý tư thế ngồi làm việc. Điều chỉnh bàn, ghế và máy tính của bạn sao cho màn hình ngang tầm mắt. Đầu gối nên thấp hơn hông một chút.
  • Tránh kẹp điện thoại bằng đầu và vai khi nói chuyện. Thay vào đó, hãy sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài.
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc có thể khiến bạn có nguy cơ bị đau cổ cao hơn.
  • Tránh mang balo hoặc túi nặng. Trọng lượng có thể làm căng cổ của bạn.

Cọn tư thế ngủ phù hợp. Đầu và cổ của bạn khi ngủ phải thẳng hàng với cột sống. Bạn nên dùng một chiếc gối nhỏ kê dưới cổ. Nếu nằm nghiêng, hãy gác một chân trên gối để giữ cột sống thẳng.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Bản in. Trang 814

Neck pain. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neck-pain/basics/definition/con-20028772. Ngày truy cập: 30/07/2015

Neck pain. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003025.htm. Ngày truy cập: 30/07/2015

Neck pain. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neck-pain/symptoms-causes/syc-20375581. Ngày truy cập: 30/07/2021

Neck pain. https://www.nhs.uk/conditions/neck-pain-and-stiff-neck/. Ngày truy cập: 30/07/2021

Neck pain. https://www.versusarthritis.org/about-arthritis/conditions/neck-pain/. Ngày truy cập: 30/07/2021

Neck Pain. https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Neck-Pain. Ngày truy cập: 30/07/2021

Phiên bản hiện tại

10/05/2023

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Hãy cẩn thận! Cơn đau khớp của bạn có thể là viêm cột sống dính khớp

Bệnh văn phòng: Đau cơ xương khớp làm giảm hiệu quả công việc


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 10/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo