backup og meta

Mách nàng tuyệt chiêu tránh đau chân khi đi giày cao gót

Mách nàng tuyệt chiêu tránh đau chân khi đi giày cao gót

42% phụ nữ nói rằng họ vẫn sẽ đi giày cao gót ngay cả khi cảm thấy đau chân và 73% thừa nhận rằng họ đã bị các vấn đề về chân khi đi giày cao gót, vậy làm thế nào để tạm biệt cảm giác đau chân khi đi giày cao gót và tự tin sải bước?

Nếu bạn vẫn thường thấy trên những bộ phim điện ảnh, các cô gái có thể đuổi theo một chiếc taxi, hay chạy trên đôi giày cao gót 10cm một cách dễ dàng thì hãy đừng vội tin nhé, thực tế giày cao gót “vừa là bạn vừa là thù” của các cô nàng đấy.

Phụ nữ có thể yêu thích những đôi giày cao gót, nhưng nếu bạn phải đi thường xuyên sẽ dẫn tới đau chân và những vấn đề về chân như chứng vẹo ngón chân cái, vết chai chân hay mắt cá chân, nghiêm trọng hơn nữa là biến dạng ngón chân gây đau đớn và có thể phát triển xấu hơn theo thời gian. Do đó nếu bạn vẫn muốn mang những đôi giày cao gót ấy thì hãy ghi nhớ một số lời khuyên và bài tập chân dưới đây để tôn dáng và trông quyến rũ hơn trong mắt người đối diện.

Giày cao gót gây hại cho sức khỏe thế nào?

2. Hình dáng của chân

Thông thường bàn chân của chúng ta giúp phân phối đều trọng lượng và chống sốc cho cơ thể khi đứng hay đi lại, làm lớp đệm cho xương khi chúng ta thực hiện những bước đi trên nền đất. Nếu để tình trạng này kéo dài quá lâu, những ngón chân sẽ bị biến dạng. Đặc biệt là các đốt ngón chân sẽ bị cụp vào, gây đau đớn. Bên cạnh đó, gót chân bị kích thích, vị trí xương ngay gót chân sẽ bị bè ra, làm mất dáng đôi bàn chân thon gọn.

2. Bệnh về khớp chân

bệnh về khớp chân

Khi mang giày cao gót, việc thay đổi dáng đi đã tạo sức ép lên đầu gối của bạn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn dễ bị các bệnh ở khớp gối như viêm khớp gối nếu đi giày cao gót trong thời gian dài. Hơn nữa do chịu trọng lực nhiều, mắt cá chân của bạn khó chịu lực thăng bằng, dễ bị rạn nứt và vỡ mắt cá chân. Nếu bạn bị phù mắt cá chân do thường xuyên mang giày cao gót sẽ làm cản trở việc lưu thông máu xuống bàn chân.

Vị trí khớp dễ bị đau nhất là nằm ở dưới đế chân. Toàn bộ trọng lực cơ thể bị dồn xuống mũi chân, bàn chân dễ bị bè ra, đau nhức. Các dây thần kinh bị chèn ép dưới bàn chân dễ làm chân bạn bị tê buốt và nhức mỏi.

3. Ảnh hưởng đến cột sống

Để dễ dàng di chuyển trên một đôi giày cao gót, cột sống của bạn cần phải lắc lư theo một tư thế bất thường. Đó là một quá trình gây nhiều áp lực xuống các cơ ở thắt lưng, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xương gai cột sống, làm bạn khó cân bằng trọng lượng, có cảm giác chúi về phía trước. Dần theo thời gian, bạn sẽ bị nhức mỏi lưng vì hệ cơ phải làm việc quá sức.

Phần lớn những phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót sẽ khiến cho cơ lưng, eo và hệ dây chằng eo sườn nhão ra, dễ gây nên chứng đau lưng mãn tính và làm đau hông, gối và khớp.

4. Vấn đề sinh sản

Khi trọng lượng được dồn vào mũi chân, chân phải chịu lực ép hơn mức bình thường, sẽ dẫn đến nguy hại cho hệ thống niệu sinh dục dẫn đến sự thay đổi bên trong của các cơ quan. Sau nhiều cuộc nghiên cứu về tác hại của giày cao gót, các chuyên gia ở Anh Quốc đã đi đến kết luận. Theo đó, những đôi giày cao gót khoảng 5cm là mối đe dọa cho các nàng muốn làm mẹ khi mang giày thường xuyên. Áp lực dồn về phía trước, máu lưu thông không đều, khung xương chậu bị nghiêng, rối loạn kinh nguyệt và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, từ đó giảm khả năng thụ thai.

Bí quyết tránh đau chân khi đi giày cao gót

1. Chọn cỡ giày vừa chân

Chị em phụ nữ Việt Nam thường quan niệm rằng “giày thừa, dép thiếu”, tức là họ sẽ chọn giày rộng hơn chân mình một chút. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển. Do đó, bạn nên tìm hiểu về hình dạng đôi chân của mình đã nhé. Bạn nên biết bàn chân mình có xu hướng hơi phẳng hay dạng cong vòm. Bởi vì nếu lòng bàn chân phẳng thì khả năng đi giày cao gót sẽ ít đau hơn so với người có bàn chân lõm. Một đôi giày cao gót không vừa với dáng chân sẽ khiến bạn cảm thấy đau khi di chuyển.

2. Sử dụng miếng lót nệm gót chân

lót silicon nệm gót chân

Nếu tính chất công việc khiến bạn phải di chuyển hoặc đứng trong thời gian dài, thay vì mua lót giày thông thường, bạn hãy mua loại lót nệm làm từ silicone. Chúng không chỉ giúp giảm ma sát, hạn chế tình trạng bong tróc mà còn là vị cứu tinh trong trường hợp bạn mua phải giày quá rộng.

3. Chọn giày cao gót đế vuông

Giày gót nhọn tuy đẹp nhưng lại mang đến không ít bất tiện cho các chị em. Nếu muốn mua một đôi giày cao để tôn dáng, bạn có thể tham khảo các mẫu đế xuồng tiện dụng xem sao. Hoặc nếu các cô nàng vẫn muốn điệu đà trên những đôi giày cao gót cả ngày một cách thoải mái, bạn có thể thử một đôi giày đế thô thiết kế to bản vuông, và độ cao vừa phải. Đế vuông sẽ giúp lòng bàn chân được nâng đỡ và tránh được những hiểm họa khi mang giày cao gót.

4. Giảm độ dốc của giày

Khi đi giày cao gót, bạn đã chuyển phần lớn trọng lượng cơ thể vào các đốt xương khiến những ngón chân của bạn luôn bị trượt về phía trước. Một đôi giày cao gót quá cao với độ dốc lòng bàn chân lớn có thể khiến bàn chân trượt phía trước nhiều hơn. Vì vậy, bạn nên chọn những đôi giày cao gót có phần gót trung bình từ 3–5cm để làm giảm áp lực lên chân.

5. Chọn giày cao gót hở mũi

Mũi giày được thiết kế để bảo vệ các ngón chân. Ngày nay mũi giày cũng được thiết kế biến tấu theo nhiều hình dạng khác nhau. Bạn nên chọn những loại giày hở mũi và tránh các loại giày cao gót bịt kín mũi để có đủ không gian cho bàn chân và các ngón chân cũng như ngăn ngừa các vết chai chân và sưng tấy phần gót chân.

Bài tập chân dành cho các tín đồ giày cao gót

Khi bạn đi trên một đôi giày cao gót, toàn bộ trọng lực cơ thể dồn vào ngón chân, cơ bắp chân bị rút ngắn và không tốt cho sức khỏe đôi chân của bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ thói quen mang giày cao gót. Thay vào đó, hãy thực hiện các bài tập cho chân dưới đây, chúng được thiết kế cho các cơ bắp chân, bàn chân và xung quanh mắt cá chân giúp bạn tránh khỏi các cơn đau do mang giày cao gót quá nhiều.

1. Ngồi duỗi thẳng chân

Phục hồi từ một ngày dài mang giày bằng việc ngồi và căng bắp chân. Bắt đầu ở tư thế ngồi, hai chân mở rộng, gót chân đặt trên sàn nhà. Quấn dải băng quanh lòng bàn chân của 1 bên chân và kéo băng về phía bạn, giữ thẳng chân, thẳng lưng. Giữ trong 30 giây, sau đó đổi bên. Lặp lại ba lần. Tác dụng của động tác này đó là giảm khả năng rút ngắn các cơ bắp chân.

2. Tập gắp khăn 

bài tập chân - gắp khăn

Những tín đồ giày cao gót không nên quên các cơ bàn chân bên trong, đây là những cơ bắp nhỏ bắt đầu và dừng lại bên dưới mắt cá chân. Một cách hữu ích để luyện tập các cơ này là sử dụng một chiếc khăn giấy hoặc khăn vải. Bạn đặt khăn giấy trên mặt đất và chỉ sử dụng các ngón chân gắp lấy mảnh giấy và thả ra sau khi giữ khoảng 30 giây. Sau đó chuyển đổi chân còn lại. Lặp lại ba lần. Bài tập này sẽ giúp các ngón chân khỏe hơn, giúp giữ thăng bằng và cũng làm giảm tác dụng của việc bị dồn vào mũi giày quá lâu.

3. Ngâm chân với nước ấm

ngâm hoặc massage chân khi đi giày cao gót

Nếu bàn chân của bạn bị đau, ngâm chúng trong bồn tắm với nước ấm và muối trong 15 phút sẽ có thể giúp làm giảm nguy cơ bị viêm. Và nếu bạn không có thời gian cho việc này, chỉ cần năm phút mát xa chân với loại kem yêu thích của mình cũng là một cách mang lại hiệu quả tốt.

Giày cao gót luôn được coi là người bạn không thể thiếu giúp ngoại hình các nàng thon thả và chuẩn dáng hơn. Hãy tự tin sải bước trên đôi giày của mình thay vì luôn phải lo lắng cách làm giảm đau, sưng tấy chân khi đi giày cao nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tips to Avoid Foot Pain From High Heels
https://www.webmd.com/women/features/tips-to-avoid-foot-pain-from-high-heels#4
Ngày truy cập 10.01.2018

3 Exercises High Heel Lovers Should Do to Avoid Foot Pain
http://www.health.com/fitness/high-heel-foot-pain-exercises
Ngày truy cập 10.01.2018

How Much Do High Heels Hurt?
https://www.shape.com/lifestyle/beauty-style/how-much-do-high-heels-hurt
Ngày truy cập 10.01.2018

 

Phiên bản hiện tại

28/07/2020

Tác giả: Ngoc Luyen

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Top 4 Bệnh viện, Phòng khám Cơ xương khớp uy tín tại Hà Nội

Những bài tập đơn giản giúp giảm đau khớp ngón chân cái


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngoc Luyen · Ngày cập nhật: 28/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo