backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đau bắp tay: Tại sao phải nhận biết để điều trị sớm?

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh · Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Ngày cập nhật: 29/12/2022

Đau bắp tay: Tại sao phải nhận biết để điều trị sớm?

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bắp tay, từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Đối với đau nhức bắp tay nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà, nhưng nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Bạn có thể bị đau nhức bắp tay trái hoặc đau bắp tay phải vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Cơn đau có thể xuất hiện do một chấn thương nghiêm trọng hoặc do nâng vật nặng không đúng tư thế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tự nhiên đau bắp tay có thể do một bệnh lý nào đó khó phát hiện và chẩn đoán hơn.

Cấu tạo và chức năng của cơ bắp tay

Nhắc tới đau bắp tay, nhiều người có thể liên tưởng tới vị trí đau là ở mặt ngoài cánh tay, vùng cánh tay nối tiếp với vai, cơ chính chủ yếu là cơ delta; hoặc vùng trước cánh tay (khi gồng lên có con chuột), là vùng cơ nhị đầu cánh tay.

Cơ delta có điểm bám từ xương đòn và gai xương vai tới nửa trên xương cánh tay. Cơ nhị đầu có hai đầu một ngắn một dài bám vào xương vai và đầu còn lại bám vào xương quay vùng cẳng tay. Vì thế, cơn đau có thể bắt đầu từ vùng vai kéo xuống bắp tay, hoặc có thể là cảm giác nặng mỏi co rút vùng cánh tay, đôi khi bạn có thể bị chuột rút (vọp bẻ) vùng cánh tay do sự co rút của các cơ này.

Chức năng của các cơ này giúp nâng vai, gập khuỷu tay và ngửa cẳng tay nên khi bị đau nó có thể làm cánh tay hạn chế vận động trong các động tác này.

Nguyên nhân gây đau bắp tay

Nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau bắp tay, trong đó bao gồm:

Chấn thương do áp lực

Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau cơ bắp tay. Căng cơ bắp tay là kết quả của việc các sợi cơ bị kéo căng quá mức, có thể xảy ra đột ngột hoặc phát triển từ từ theo thời gian do các chuyển động của cánh tay trên đầu lặp đi lặp lại, hoặc nặng hơn khi một cơ hoặc dây chằng của tay bị kéo căng làm rách các sợi cơ.

Sau khi bị chấn thương, cơn đau bắp tay sẽ sớm xuất hiện và có thể đi kèm thêm các triệu chứng như sưng, cứng khớp, co thắt hoặc co cứng cơ, bầm tím (nếu chấn thương nghiêm trọng). Một số chấn thương do áp lực có thể kể đến như căng cơ, bong gân hoặc viêm gân.

Mức độ chấn thương dao động từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào tình trạng căng rách cơ/dây chằng, nếu nhẹ có thể tự khỏi trong 2-3 tuần; còn nếu nghiêm trọng sẽ cần 2-3 tháng để lành hẳn.

Chèn ép thần kinh

Tình trạng này xảy ra khi rễ hoặc dây thần kinh từ cổ chi phối cho vùng cơ của cánh tay bị chèn ép, thường do lồi đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm. Những thay đổi do viêm xương vùng cột sống cổ hay thoái hóa cột sống cổ cũng có thể gây chèn ép dây thần kinh này, gây đau cổ, vai và bắp tay.

Bạn có thể giảm bớt đau nhức bắp tay bằng cách đưa bàn tay của bên bị ảnh hưởng lên đỉnh đầu.

Gãy xương

Đau bắp tay có thể xuất hiện nếu xương cánh tay bị gãy. Tình trạng gãy xương cánh tay rất dễ nhận biết, đặc biệt khi bạn bị ngã hoặc có vật đâm mạnh vào cánh tay. Bên cạnh đó, một số môn thể thao cần đưa tay qua khỏi đầu lặp đi lặp lại như tennis, bóng ném, bóng chuyền và bóng chày, cũng có thể gây đau nhức bắp tay.

Chấn thương vai có thể gây đau bắp tay

Viêm khớp vai hoặc gân có thể làm các cơ ngoài của cánh tay bị đau. Các trường hợp hay xảy ra tình trạng này bao gồm: va đập vai, cử động lặp lại (vận động viên bóng chảy, người bơi lội, chơi gold), duy trì tư thế nâng qua đầu hoặc tư thế vai cong về phía trước quá lâu.

Cơn đau nhức bắp tay thường tăng lên khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi. Các cơn đau này cũng có thể xuất hiện về đêm và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

Các vấn đề ở tim

Những cơn đau bắp tay trái có thể liên quan đến các vấn đề tim mạch. Tình trạng đau thắt ngực do giảm lưu lượng máu đến tim hoặc trong cơn nhồi máu cơ tim sẽ gây đau từ ngực lan lên cổ, vai và gây đau bắp tay trái hoặc cả hai bắp tay. Cơn đau xuất hiện đột ngột và có thể kèm theo tức ngực, khó thở, chóng mặt hoặc buồn nôn. Nếu gặp các triệu chứng trên, bạn cần đi cấp cứu ngay.

Đau bắp tay nghiêm trọng

Các tình trạng khác

Một vài tình trạng khác có thể dẫn đến đau cơ bắp tay như:

  • Nhiễm trùng xương ở cánh tay
  • Một khối u ở xương cánh tay (lành tính hoặc ung thư)
  • Một cục máu đông trong tĩnh mạch cánh tay.

Phương pháp điều trị đau bắp tay tại nhà

Tình trạng đau nhức bắp tay thường gây khó chịu. Vì vậy, trước tiên, bạn có thể áp dụng các mẹo sau đây để giúp làm dịu cơn đau và tăng khả năng phục hồi khỏi các chấn thương gây đau:

  • Nghỉ ngơi: Nếu cơn đau nhức bắp tay ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày của bạn, hãy ngừng ngay các hoạt động gây đau bắp tay và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Chườm đá: Chườm đá là một cách giúp giảm đau hiệu quả và nếu có tình trạng viêm xảy ra như sưng nóng đỏ vùng bắp tay. Bạn có thể chườm đá lên vùng bị ảnh hưởng 15-20 phút/lần, vài lần mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên bọc đá vào một cái khăn hoặc một miếng vải để tránh gây tổn thương da.
  • Chườm ấm: Sau vài ngày, tình trạng viêm cải thiện, bạn có thể chuyển qua phương pháp chườm ấm để các cơ được thư giãn và giúp tăng tuần hoàn tới cơ tổn thương để nhanh phục hồi vùng cơ. Tuy nhiên, chườm ấm cũng không nên sử dụng lâu dài vì nó sẽ làm giãn cơ quá mức.
  • Nâng cao cánh tay: Bạn nên ngồi dậy thay vì nằm xuống để giữ cho bắp tay cao hơn tim, giảm tình trạng sưng tại đây.

Bên cạnh đó, bạn có thể chăm sóc cơ bắp tay bằng cách:

  • Tuân thủ các nguyên tắc an toàn dành riêng cho môn thể thao, chẳng hạn như giới hạn số lần phát bóng trong môn bóng chày.
  • Không gây căng cơ vai nếu chúng bị đau.
  • Khởi động, kéo giãn và làm nóng cơ trước khi hoạt động hay chơi bất kỳ một môn thể thao nào.
  • Sử dụng đúng kỹ thuật khi ném, bơi lội hoặc thực hiện các hoạt động khác đòi hỏi cử động vai và cánh tay lặp đi lặp lại.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

nguyên nhân gây đau bắp tay và cách xử trí

Đau bắp tay có thể là dấu hiệu cho bệnh lý nguy hiểm, không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều rủi ro. Trong đó, nếu bắp tay bị đau nhức đang cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim thì việc cấp cứu sớm sẽ giúp bảo tồn sức khỏe tim mạch và cứu lấy tính mạng người bệnh. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp những tình trạng sau đây:

  • Đau nhức bắp tay không thuyên giảm hoặc ngày càng nặng dù đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà kể trên
  • Khó thở
  • Nặng ngực hoặc đau thắt ngực
  • Cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc thậm chí ngất xỉu
  • Đột ngột tê hoặc ngứa ran
  • Yếu hoặc không thể di chuyển tay
  • Khó nói hoặc không hiểu người khác
  • Mờ mắt
  • Khó đi lại hoặc mất thăng bằng.

Bạn có thể xem thêm: Đau nhức toàn thân: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo rằng bạn không nên xem nhẹ tình trạng đau nhức bắp tay diễn ra liên tục trong nhiều ngày. Tốt nhất nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp. Bởi đó có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề ở một số cơ quan xung quanh, không chỉ là bắp tay. Chẳng hạn như gai đốt sống cổ lâu ngày không được xử lý sẽ có nguy cơ gây liệt tay.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Ngày cập nhật: 29/12/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo