backup og meta

Căng cơ đùi có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

Căng cơ đùi có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

Chấn thương căng cơ là tình trạng phổ biến ở các vận động viên. Người ta đã báo cáo rằng căng cơ thường xảy ra khi sử dụng cơ bắp quá mức trong các môn thể thao ở trường trung học và đại học ở Hoa Kỳ. Theo Chương trình Giám sát Chấn thương của Hiệp hội Vận động viên Đại học Quốc gia (NCAA), căng cơ đùi sau (cơ gân kheo) là loại căng cơ phổ biến nhất ở các vận động viên và thường xuyên xảy ra trong môn bóng bầu dục, bóng bầu dục và chạy nước rút.

Căng cơ đùi gây nên những cơn đau đớn, làm cản trở hoạt động thường ngày của người bị chấn thương. Tình trạng này có thể biểu hiện từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Một khi đã bị căng cơ rất dễ tái phát lại. Điều quan trọng là cơ cần được chữa lành đúng cách và tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa từ bác sĩ.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về căng cơ đùi để biết cách chăm sóc và phòng ngừa chấn thương này đúng cách nhé! 

1. Căng cơ đùi là gì?

Căng cơ đùi (hay giãn cơ đùi hoặc rách cơ) là một chấn thương phổ biến, đặc biệt ở những người thường xuyên chơi thể thao.

Vùng đùi gồm 4 nhóm cơ chính thường bị chấn thương căng cơ:

  • Nhóm cơ trước đùi: cơ tứ đầu đùi, vận động chính là duỗi gối và gập háng
  • Nhóm cơ sau đùi: cơ gân kheo (cơ nhị đầu đùi, cơ bán gân, cơ bán màng), vận động chính là gập gối và duỗi đùi
  • Nhóm cơ trong đùi: nhóm cơ khép, vận động chủ yếu là khép đùi
  • Nhóm cơ ngoài đùi: cơ căng mạc đùi, dải chậu chày, vận động chủ yếu là dạng đùi

Trong đó, 3 nhóm cơ khỏe là cơ đùi sau (cơ gân kheo), cơ tứ đầu ở phía trước và cơ phụ ở bên trong. Trong đó các nhóm cơ gân đùi sau và cơ tứ đầu đặc biệt có nguy cơ bị căng và rách cao vì chúng bắt chéo cả khớp háng và khớp gối. Chúng cũng được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động tốc độ cao, chẳng hạn như điền kinh (chạy, vượt rào, nhảy xa), bóng rổ và bóng đá.

Rách cơ đùi thường xảy ra khi cơ bị kéo căng quá giới hạn, làm tổn thương các sợi cơ. Tổn thương này thường xảy ra ở gần điểm mà cơ liên kết với các mô cứng và gân.

2. Triệu chứng nhận biết căng cơ đùi

Căng giãn cơ đùi hay nặng hơn là rách cơ đùi thường biểu hiện các dấu hiệu điển hình như: 

  • Cảm thấy đùi phát ra tiếng kêu “lộp bộp” hoặc đứt “phựt” khi cơ đùi bị rách. 
  • Chạm vào thấy mềm ở khu vực xung quanh vùng chấn thương.
  • Cơn đau cơ đùi đột ngột và dữ dội. 
  • Sưng ngay sau khi bị căng cơ đùi quá mức.
  • Vết bầm tím thường kéo dài từ phía sau đùi cho đến bắp chânmắt cá chân
  • Yếu cơ, giảm chuyển động.
  • Nếu rách gân cơ đùi sau bệnh nhân đặc biệt đau khi ngồi. 

Phân loại mức độ căng cơ và triệu chứng như sau:

  • Căng cơ độ I (nhẹ) chỉ ảnh hưởng đến một số lượng ít các sợi cơ: Không có sự suy giảm sức cơ, biên độ vận động chủ động và thụ động bình thường. Cơn đau thường chỉ kéo dài cho đến ngày hôm sau.
  • Căng cơ độ II (trung bình) có gần một nửa số sợi cơ bị rách: Đau cấp tính và đáng kể đi kèm với sưng, giảm nhẹ sức cơ.
  • Căng cơ cấp III (nghiêm trọng) thể hiện sự đứt hoàn toàn của cơ: Điều này có nghĩa là gân bị tách ra khỏi bụng cơ hoặc bụng cơ thực sự bị rách thành 2 phần. Sưng đau dữ dội và mất hoàn toàn chức năng là đặc điểm của loại căng cơ này.

căng cơ đùi

3. Nguyên nhân gây căng cơ đùi là gì?

Những nguyên nhân phổ biến gây căng giãn cơ đùi là:

Căng cơ đột ngột

Cơ đột ngột co mạnh trong các hoạt động như chạy, nhảy sẽ gặp tình trạng căng giãn quá mức. Điều này xảy ra là bởi những cơ bắp săn chắc như cơ đùi rất dễ bị căng, gặp chủ yếu ở vận động viên. Vì vậy, những người này nên tuân theo chương trình tập luyện chuyên nghiệp để tránh tình trạng này.

Ít vận động nên cơ yếu và kém đàn hồi

Bởi vì cơ tứ đầu và cơ gân kheo hoạt động đồng thời khi chúng ta di chuyển, nên nếu cơ này mạnh hơn cơ kia thì cơ yếu hơn có thể bị căng. Ngoài ra, nếu cơ đùi của bạn yếu, chúng sẽ khó chịu được áp lực khi vận động và dễ bị chấn thương hơn.

Mỏi cơ đùi

Mỏi cơ khiến khả năng hấp thu năng lượng của cơ kém đi, hậu quả là chúng dễ bị chấn thương.

Ngoài ra, căng cơ đùi còn có thể xảy ra ở những người đã có triệu chứng căng cơ nhưng vẫn cố gắng tiếp tục thực hiện các hoạt động làm cơ căng giãn mạnh hơn (chạy, nhảy).

4. Chẩn đoán và điều trị căng đau cơ đùi

Căng cơ ở đùi có thể xảy ra đột ngột lần đầu, nhưng cũng có thể là chấn thương mãn tính lặp đi lặp lại. Bên cạnh yếu tố nguy cơ cao ở người thường xuyên chơi thể thao, làm việc đòi hỏi sức mạnh thì việc những người có tiền sử bị căng cơ đùi nhưng không được điều trị thích hợp cũng dễ bị chấn thương trở lại. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ căng cơ đùi, bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra và kịp thời can thiệp.

Đặc biệt khi căng cơ làm bạn không thể di chuyển hay vết thương rỉ máu, cần đến bệnh viện cấp cứu ngay. 

Các kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán căng cơ đùi?

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi về tiền sử chấn thương của bạn, kiểm tra cơ đùi xem bạn có bị sưng hay bầm tím không. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn co hoặc duỗi thẳng đầu gối để quan sát biên độ vận động. 
  • Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Như X-quang hay MRI đôi lúc sẽ cần thiết để loại trừ các trường hợp gãy xương hay chấn thương gân khớp khác.

Có thể bạn quan tâm: Phân biệt bong gân với căng cơ

Mức độ căng cơ đùi cần được phân loại tùy theo mức độ nghiêm trọng. Nếu ở mức độ 1 chỉ dừng lại ở tình trạng căng cơ nhẹ và chữa lành dễ dàng thì mức độ 3 là vết rách cơ đùi nặng và có thể mất vài tháng mới phục hồi.

Cách sơ cứu tình trạng căng cơ quá mức

Điều trị ban đầu của tình trạng căng cơ đùi cũng giống như các chấn thương gân cơ khác là tuân theo nguyên tắc RICE.

  • R (Rest) – Nghỉ ngơi: Đầu tiên là cần ngừng các hoạt động có thể làm đau chân và nghỉ ngơi. Bác sĩ cũng sẽ khuyến khích bạn sử dụng nạng hỗ trợ đi lại để tránh đè nén trọng lượng lên chân.  
  • I (Ice) – Chườm lạnh: Mỗi lần chườm lạnh trong 20 phút, chườm nhiều lần trong ngày. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da. Sau 3 ngày đầu, bạn có thể chườm nóng.
  • C (Compression) – Nén ép: Để hạn chế tình trạng sưng đau cơ đùi, bạn có thể bó phần đùi bị chấn thương với băng mềm hoặc gạc đàn hồi. 
  • E (Elevation) – Nâng cao: Nếu có thể hãy giữ cho chân nâng cao hơn tim để làm giảm thiểu tình trạng sưng phù. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn cho bệnh nhân một số thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs như ibuprofen để làm dịu cơn đau. Khi đã bớt sưng và đau, vật lý trị liệu thường được khuyến khích. Liệu pháp này sẽ bao gồm các bài tập tăng cường và ổn định, cũng như giúp cơ đùi hoạt động bình thường trở lại.

Nếu như tất cả các biện pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, can thiệp phẫu thuật có thể được xem xét nếu bị rách cơ đùi hoàn toàn.

căng cơ đùi

4. Cách để phòng ngừa căng cơ đùi quá mức 

Một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn hạn chế những nguy cơ dẫn đến chấn thương này: 

  • Điều hòa và tăng cường độ dẻo dai cho cơ bắp bằng việc luyện tập thường xuyên. 
  • Khởi động kỹ trước bất kỳ buổi luyện tập thể dục thể thao nào. Khởi động kỹ sẽ chuẩn bị cho cơ thể bạn hoạt động với cường độ cao hơn nhờ tăng lưu thông máu, tăng nhiệt độ cơ; giúp cơ thể bạn có thời gian để điều chỉnh theo nhu cầu tập luyện, tăng phạm vi chuyển động và giảm độ cứng cơ. Bạn có thể tham khảo các bài tập căng cơ động.
  • Dành thời gian giãn cơ sau khi tập thể dục để cơ nghỉ ngơi và phục hồi. Bạn có thể tham khảo các bài tập căng cơ tĩnh.
  • Nếu bạn bị chấn thương trước đó, lời khuyên là hãy dành thời gian để cơ hồi phục hoàn toàn trước khi trở lại chơi thể thao. Với các chấn thương nhẹ có thể mất 10 ngày đến 3 tuần; với các chấn thương nặng (chẳng hạn như căng gân cơ đùi sau) cần tối thiểu là 6 tháng để cơ phục hồi. 

Trên đây là một số thông tin về tình trạng căng cơ đùi, hi vọng chúng sẽ giúp bạn khắc phục và phòng ngừa tình trạng này hiệu quả nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Muscle Strains in the Thigh – OrthoInfo – AAOS. https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/muscle-strains-in-the-thigh/. Ngày truy cập: 20/12/2021

Muscle strains (IT band, groin, hip flexor) – Mayo Clinic Orthopedics & Sports Medicine https://sportsmedicine.mayoclinic.org/condition/muscle-strains/ Ngày truy cập: 20/12/2021

Muscle strain – anterior compartment muscles of thigh | Radiology Case | Radiopaedia.org https://radiopaedia.org/cases/muscle-strain-anterior-compartment-muscles-of-thigh-1 Ngày truy cập: 20/12/2021

Thigh and Hip Strains https://www.nationwidechildrens.org/conditions/thigh-and-hip-strains Ngày truy cập: 20/12/2021

Muscle Strains – Symptoms, Causes and Tests https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/strains Ngày truy cập: 20/12/2021

Phiên bản hiện tại

03/11/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Căng cơ bắp chân: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Phân biệt bong gân và căng cơ


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo