backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Biến chứng lâu dài của bệnh viêm cột sống dính khớp lên cơ thể

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Châu Tuấn · Chỉnh hình · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/08/2022

    Biến chứng lâu dài của bệnh viêm cột sống dính khớp lên cơ thể

    Bệnh viêm cột sống dính khớp có thể tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng lâu dài đối với sức khỏe của người mắc. Hiểu về biến chứng của bệnh sẽ giúp bạn nhận ra tầm nghiêm trọng của viêm cột sống dính khớp để không chủ quan trước bệnh lý này. 

    Viêm cột sống dính khớp chủ yếu tác động đến cột sống. Tuy nhiên, một số khớp khác trên cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, bệnh có khả năng tác động đến mắt, tim hoặc phổi của người bệnh.

    Bệnh viêm cột sống dính khớp không chỉ ảnh hưởng đến cột sống 

    Các triệu chứng viêm cột sống dính khớp thường xuất hiện ở cột sống và có thể lan rộng sang các khớp khác trên cơ thể.

    Cột sống 

    Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm cột sống dính khớp thường chỉ giới hạn ở cột sống, phần thắt lưng và khớp cùng chậu. Tình trạng cứng khớp và đau lưng xảy ra nhiều hơn vào buổi tối hoặc nửa đêm về sáng. Vận động hoặc di chuyển thường có thể làm giảm các triệu chứng viêm cột sống dính khớp. Sau nhiều năm, bệnh có khả năng gây dính cột sống, khiến lưng bạn bị hạn chế vận động và đôi khi gây tàn phế nếu không được điều trị kịp thời. 

    Các khớp khác

    Đối với viêm cột sống dính khớp thể ngoại biên, tình trạng viêm có thể xảy ra ở các khớp khác trên cơ thể, đặc biệt là các khớp lớn như vai, hông, gối hoặc cổ chân. Việc này sẽ gây đau và giảm khả năng vận động. Các khớp có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm cột sống dính khớp bao gồm:

    • Khớp cùng chậu: Những cơn đau ở vùng chậu sẽ khiến bạn không thoải mái khi ngồi trên ghế cứng. Đây là vị trí khớp thường bị ảnh hưởng nhất ở giai đoạn sớm của bệnh.
    • Khớp háng: Khoảng 1/3 số bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp gặp các biến chứng ở khớp háng và vai. Những tác động của bệnh ở khớp háng thường xuất hiện từ từ và gặp nhiều ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Tình trạng này có tiên lượng nặng và có thể tiến triển thành các tình trạng nghiêm trọng, gây hạn chế vận động và tàn phế.
    • Khớp vai: Cùng với khớp háng, khớp vai là khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất do bệnh viêm cột sống dính khớp. Một số bằng chứng cho thấy, bệnh nhân nữ có thể bị cứng và đau vai nhiều hơn bệnh nhân nam. 
    • Khớp sườn – đốt sống (lồng ngực): Bệnh viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng đến các khớp ở vùng cột sống ngực, nơi liên kết giữa xương sườn và các đốt sống. Viêm khớp sườn – cột sống có thể gây đau ở ngực. 
    • Khớp hàm: Khoảng 10% bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp bị viêm khớp thái dương hàm và gặp khó khăn trong việc ăn uống. 

    Mắt

    biến chứng viêm cột sống dính khớp

    Khoảng 1/3 bệnh nhân mắc viêm cột sống sống dính khớp gặp phải các tình trạng viêm khác ở mắt như viêm mống mắt hoặc viêm màng bồ đào. Nếu tình trạng viêm xảy ra ở mắt, bạn có thể bị:

    • Đau mắt
    • Nhạy cảm hơn với ánh sáng
    • Mờ mắt

    Bệnh nhân có biểu hiện mắt cần được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và điều trị ngay để ngăn ngừa các tổn thương khác có thể xảy ra.

    Tim và phổi

    Nhiều bệnh nhân mắc viêm cột sống dính khớp có thể bị thiếu máu và mệt mỏi do thiếu hụt hồng cầu. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tình trạng viêm do bệnh viêm cột sống dính khớp có thể ảnh hưởng đến động mạch chủ, gây viêm động mạch chủ, phình bóc tách động mạch chủ. Ngoài ra, những đối tượng này cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đôi khi dẫn đến bệnh van động mạch chủ, bệnh mạch vành, phì đại cơ tim, đau thắt ngực, hoặc đột quỵ.

    Bệnh viêm cột sống dính khớp hiếm khi ảnh hưởng đến phổi. Tình trạng viêm mạn tính hoặc dính khớp sườn – đốt sống có thể gây hạn chế chuyển động lồng ngực và khiến bạn gặp khó khăn khi hít thở sâu. Một số ít người bị sẹo hoặc xơ hóa ở vùng đỉnh phổi. Điều này có thể gây suy giảm chức năng phổi và khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh. 

    Sức khỏe chung

    Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh viêm cột sống dính khớp giai đoạn muộn có thể ảnh hưởng đến các rễ thần kinh cột sống và gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa. Tình trạng này có khả năng gây tiêu tiểu mất tự chủ, rối loạn chức năng tình dục, gây đau và giảm phản xạ ở chân.

    Một nghiên cứu cho thấy, 86% người bị bệnh viêm cột sống dính khớp cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và giảm khả năng tập trung (đờ đẫn). Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm:

    • Thiếu máu
    • Mất ngủ vì đau hoặc khó chịu
    • Cơ thể phải làm việc nhiều hơn do yếu cơ
    • Trầm cảm và các vấn đề về tâm lý khác
    • Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp

    Nếu không điều trị, người bệnh viêm cột sống dính khớp sẽ ra sao? 

    Viêm cột sống dính khớp là một bệnh tiến triển. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị đầy đủ, quá trình viêm vẫn tiếp tục diễn ra và có thể dẫn đến các biến đổi về cấu trúc. Tình trạng viêm kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

    • Nguy cơ mắc bệnh tim mạch
    • Rối loạn hệ tiêu hóa
    • Mệt mỏi kéo dài
    • Loãng xương
    • Khuyết tật thể chất (Tàn phế)

    biến chứng bệnh viêm cột sống dính khớp

    Bệnh viêm cột sống dính khớp chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Điều này không có nghĩa là bạn không cần điều trị và phải chấp nhận nhìn bệnh tiến triển nặng hơn. Các phương pháp điều trị khác nhau có thể làm chậm hoặc tạm dừng tiến triển của bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp giữa việc sử dụng thuốc, các bài tập cải thiện chức năng và thay đổi lối sống để điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp.

    • Thuốc: Các thuốc NSAIDs, DMARDs cổ điển hoặc tiêm corticosteroids tại chỗ có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng bệnh. Khi bệnh tiến triển nặng hơn hoặc khi bạn không dung nạp các loại thuốc thông thường, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng các thuốc sinh học mới như thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u TNF hoặc thuốc ức chế interleukin IL-17.
    • Hoạt động thể chất: Bên cạnh phương pháp điều trị y khoa, bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có thể được đề nghị thực hiện một số hoạt động thể chất như vật lý trị liệu, các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng hoặc các hoạt động như bơi lội, đạp xe đạp, để giúp tăng cường sự dẻo dai và giảm thiểu triệu chứng của bệnh.
    • Chườm đá, chườm nóng: Chườm đá hoặc chườm nóng tại chỗ cũng có thể giúp làm dịu triệu chứng của bệnh. Chườm nóng có tác dụng tốt trong việc giảm đau ở các khớp bị cứng do bệnh viêm cột sống dính khớp. Tắm nước nóng cũng làm giảm cơn đau và giúp bạn thư giãn. Trong khi đó, chườm lạnh giúp giảm tình trạng sưng quanh các khớp bị viêm.
    • Phẫu thuật: Trong trường hợp được chẩn đoán muộn, các khớp và đốt sống của bệnh nhân có thể bị dính lại gây hạn chế hoạt động chức năng của cơ thể. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phẫu thuật như thay khớp háng hoặc chỉnh hình cột sống tùy theo tình trạng của bạn.

    Viêm cột sống dính khớp là một loại viêm khớp tác động chủ yếu đến cột sống và khớp cùng chậu. Tuy nhiên, theo thời gian, các khớp khác hoặc cơ quan khác trên cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên sớm tìm gặp bác sĩ nội cơ xương khớp để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Châu Tuấn

    Chỉnh hình · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo