Một trong những biện pháp điều trị hàng đầu cho tình trạng viêm xương khớp là phẫu thuật thay khớp gối. Tuy nhiên, thủ thuật này cũng có những rủi ro nhất định.
Phẫu thuật thay khớp gối là một trong những lựa chọn điều trị cho tình trạng viêm xương khớp xảy ra ở khớp đầu gối. Viêm xương khớp phát sinh do sự thoái hóa của lớp sụn khớp, dẫn đến tình trạng cọ xát của các đoạn xương bên dưới sụn.
Trong trường hợp những phương pháp điều trị viêm xương khớp như dùng thuốc hay vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật.
Tương tự các liệu pháp can thiệp y tế khác, phẫu thuật thay khớp gối cũng có những nguy cơ rủi ro đặc trưng. Vậy, bạn đã biết biến chứng của phương pháp này là gì chưa? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Bạn có thể quan tâm: Nhận biết bệnh viêm xương khớp và cách điều trị.
Sơ lược về phẫu thuật thay khớp gối
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ phần sụn và xương bị hỏng trước khi cấy ghép khớp nhân tạo thay thế, bao gồm kim loại, nhựa và các vật liệu tổng hợp khác.
Theo Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), hơn 90% ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Người được thay khớp gối sẽ cảm thấy cơn đau giảm đi đáng kể. Ngoài ra, khả năng di chuyển cũng như thực hiện các công việc hàng ngày cũng chuyển biến tốt đẹp hơn.
Tuy kết quả rất khả quan, nhưng tương tự bất kỳ thủ thuật nào, phẫu thuật thay khớp gối cũng có những rủi ro riêng, chẳng hạn như nhiễm trùng, đau nhức hay đông máu. Tuy vậy, theo thống kê từ các chuyên gia, khả năng biến chứng xảy ra không đến 2%.
Những rủi ro từ phẫu thuật thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối mang nhiều rủi ro khác nhau. Một số là kết quả trực tiếp từ phẫu thuật, trong khi một số khác có thể xuất phát từ phản ứng của cơ thể với các yếu tố của ca mổ, bao gồm:
Gây mê và gây tê
Những người thực hiện phẫu thuật thay khớp gối sẽ cần được gây mê hoặc gây tê để tránh cảm giác đau đớn trong quá trình phẫu thuật.
Nếu áp dụng phương pháp gây mê, bạn sẽ bất tỉnh cho đến khi ca mổ kết thúc. Trong khi đó, nếu sử dụng biện pháp gây tê, bạn chỉ tạm thời mất cảm giác ở chân hoặc phần thân dưới. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thêm thuốc an thần để thư giãn.
Một số tác dụng phụ do gây mê đem đến có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Buồn ngủ
- Đau họng, do sử dụng ống thở trong khi phẫu thuật
Người bệnh có nhiều khả năng gặp các biến chứng của gây mê toàn thân nếu tình trạng sức khỏe của họ vốn không ổn định, chẳng hạn như mắc bệnh tim hoặc các vấn đề về phổi. Trong trường hợp hiếm hoi, đau tim hoặc đột quỵ có nguy cơ xảy ra.
Ngược lại, gây tê gây ra ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn gây mê toàn thân. Đồng thời, nó cũng ít khi khiến bạn cảm thấy buồn ngủ sau ca phẫu thuật. Tỷ lệ mất máu, đông máu hay đau tim và đột quỵ cũng thấp hơn hẳn so với liệu pháp gây mê.
Tuy vậy, gây tê vẫn có những tác dụng phụ riêng, chẳng hạn như:
- Đau đầu
- Khó đi ngoài
- Phản ứng dị ứng
Trong vài trường hợp hiếm gặp, kim tiêm gây tê có thể dẫn đến chấn thương thần kinh.
Nhiễm trùng
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua bất kỳ vết thương hở miệng nào. Bác sĩ phẫu thuật luôn có biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro này xảy ra trong ca mổ. Tuy nhiên, sau đó, họ sẽ không tiếp tục can thiệp vào vấn đề này. Do đó, bạn cần tìm hiểu những phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng để tự bảo vệ bản thân.
Các chuyên gia có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn nếu sau khi xuất viện, bạn bắt gặp những triệu chứng như:
- Vị trí phẫu thuật đỏ, sưng, nóng rát hoặc chảy mủ
- Sốt
- Ớn lạnh
Xuất huyết
Thực tế, tình trạng chảy máu trong và sau ca phẫu thuật rất bình thường. Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể mất quá nhiều máu khi đang làm thủ thuật và cần truyền máu.
Đôi khi, sau khi phẫu thuật, máu có thể chảy dưới da và gây sưng. Nếu điều này xảy ra, bạn sẽ cần thực hiện thêm một thủ thuật khác để giải phóng lượng máu kia.
Huyết khối (máu đông)
Sự xuất hiện của một hoặc nhiều huyết khối (cục máu đông) là một trong những rủi ro đáng kể nhất của phẫu thuật thay khớp gối. Việc huyết khối hình thành có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân sau:
- Ca phẫu thuật làm hỏng mạch máu
- Người bệnh không tập vận động trong những ngày đầu sau khi thực hiện phẫu thuật
Một cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu ở chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Nếu huyết khối vỡ ra, nó có thể di chuyển đến phổi và chặn dòng máu lưu thông ở đây. Các chuyên gia đánh giá tình trạng này là tắc mạch phổi, có khả năng lớn đe dọa tính mạng.
Chăm chỉ vận động chân cùng đeo nẹp đặc hiệu sau phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa biến chứng này.
Đau và sưng
Tình trạng đau và sưng khá phổ biến sau phẫu thuật. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của chúng phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh.
Các bác sĩ sẽ kê cho bạn toa thuốc giảm đau để kiểm soát mọi khó chịu sau phẫu thuật. Đơn thuốc này thường chỉ hiệu quả trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, nếu cơn đau tiếp tục trong vài tháng sau phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thêm các phương pháp điều trị khác.
Đầu gối, mắt cá chân hoặc bàn chân là những chỗ có xu hướng sưng tấy. Chườm lạnh tại khu vực sưng và tập những động tác nhẹ có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng khó chịu này.
Vấn đề về hô hấp
Một số người gặp khó khăn khi cố gắng thở sâu ngay sau khi phẫu thuật, đặc biệt khi họ chọn biện pháp gây mê toàn thân.
Nếu không đủ không khí đến phổi, chất nhầy có thể tích tụ bên trong đó. Điều này có thể dẫn đến viêm phổi.
Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ giúp người bệnh hít thở sâu để phổi hoạt động ổn định trở lại.
Động mạch và thần kinh chịu tổn thương
Trong một số ít trường hợp, bác sĩ phẫu thuật có thể vô tình cắt nhầm một dây thần kinh hoặc mạch máu chạy gần đầu gối.
Nếu điều này xảy ra, quy trình phẫu thuật thứ hai sẽ phải tiến hành để sửa chữa thiệt hại này. Dây thần kinh bị cắt có thể gây mất cảm giác hoặc khó khăn trong việc cử động ở khu vực bị ảnh hưởng. Hệ quả đôi khi có thể kéo dài vĩnh viễn.
Dị ứng
Một số người có thể phản ứng dị ứng với các thành phần kim loại trong phần khớp nhân tạo. Trong trường hợp này, các chất gây dị ứng sẽ kích hoạt phản ứng tạo ra một loạt dấu hiệu, bao gồm sưng, phát ban và mụn nước.
Trong một số ít trường hợp, phản ứng dị ứng có thể gây ra các triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như yếu cơ, tiêu chảy, đau đầu và mất chức năng ở khu vực phẫu thuật.
Những người đã có phản ứng dị ứng với trang sức kim loại trong quá khứ nên kiểm tra với bác sĩ để xem xét nghiệm dị ứng kim loại có cần thiết trước khi phẫu thuật hay không.
Cấy ghép thất bại
Công nghệ thay khớp gối đã được cải thiện rất nhiều trong những năm qua, nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo. Khớp nhân tạo có thể bị nới lỏng, hao mòn hoặc mất dần sự ổn định.
Nếu cấy ghép khớp mới không thành công, người bệnh có khả năng bị đau và cứng khớp liên tục sau phẫu thuật. Lúc này, họ sẽ cần một thủ thuật khác để thay thế nó.
Giảm thiểu rủi ro
Cách tốt nhất để đảm bảo kết quả khả quan là tuân theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật. Người bệnh cũng nên đảm bảo rằng họ đã tìm hiểu đầy đủ thông tin liên quan đến việc chăm sóc đầu gối mới của họ.
Một số mẹo sau đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa hoặc giảm bớt nguy cơ các biến chứng thay khớp gối có thể xảy ra:
Bình tĩnh chờ vết thương bình phục hoàn toàn
Các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh bắt đầu vận động đầu gối mới càng sớm càng tốt sau phẫu thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không nên lạm dụng nó. Bạn sẽ cần 3–6 tuần để có thể thực hiện nhuần nhuyễn một số hoạt động bình thường, bao gồm leo cầu thang và lái xe máy.
Tập thể dục
Duy trì hoạt động thể chất sẽ làm giảm nguy cơ đông máu. Tất cả những gì bạn cần là rời khỏi giường và di chuyển xung quanh. Một số bài tập vật lý trị liệu do bác sĩ cung cấp cũng sẽ hỗ trợ đầu gối hồi phục nhanh hơn.
Chườm lạnh
Bọc vài viên đá trong một miếng vải mềm và giữ nó trên đầu gối có thể làm giảm sưng và giảm đau trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.
Dùng thuốc giảm đau
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm đau sau phẫu thuật. Việc kiểm soát cơn đau có thể giúp người bệnh hoạt động thuận lợi hơn. Điều này sẽ tăng tốc độ phục hồi.
Làm sạch vết thương
Các chuyên viên chăm sóc y tế sẽ hướng dẫn bạn chăm sóc vết thương đúng cách. Giữ cho khu vực phẫu thuật sạch sẽ có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Những phương pháp điều trị thay thế
Trước khi quyết định phẫu thuật thay khớp gối, bạn hãy xem xét liệu các phương pháp điều trị không cần đến dao kéo khác có thể làm giảm đau xương khớp và cứng khớp không. Chúng có thể bao gồm:
- Sử dụng những thiết bị đặc hiệu, chẳng hạn như giày chỉnh hình hoặc gậy hay khung tập đi
- Tập thể dục kết hợp vật lý trị liệu
- Thuốc giảm đau, như acetaminophen (Tylenol) hoặc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), bao gồm ibuprofen (Motrin), naproxen (Naprosyn) và celecoxib (Celebrex)
- Tiêm steroid hoặc axit hyaluronic vào đầu gối
- Giảm cân nếu cần thiết
Duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa viêm xương khớp phát triển.
[embed-health-tool-bmi]