Tìm hiểu chung
Phẫu thuật chuyển gân là gì?
Phẫu thuật chuyển gân là một loại phẫu thuật ở tay, được thực hiện để cải thiện chức năng tay bị mất. Mục đích của phẫu thuật là làm duỗi bàn tay, các ngón tay, dạng ngón cái, ngửa cổ tay và bàn tay.
Sự thành công của phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của các cơ khác ở cánh tay, sức mạnh của cơ được hiến, sự linh hoạt của khớp, sức khỏe tổng thể và quá trình tham gia vào các bài tập trị liệu của bạn.
Khi nào bạn cần làm phẫu thuật?
Nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau có thể được điều trị bằng phẫu thuật chuyển gân. Đây là một phẫu thuật cần thiết khi bạn mất một chức năng cơ nào đó do chấn thương dây thần kinh. Nếu một dây thần kinh bị tổn thương và không thể sửa chữa, thì nó không còn gửi tín hiệu đến các cơ nhất định. Những cơ bắp sẽ bị tê liệt và mất chức năng.
Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật chuyển gân để cố gắng thay thế chức năng đó. Các chấn thương thần kinh thường điều trị bằng thủ thuật này là chấn thương tủy sống, dây thần kinh tọa, dây thần kinh cánh tay hoặc chấn thương dây thần kinh giữa.
Bạn cũng cần làm chuyển gân nếu có một cơ bị đứt hoặc rách và không thể sửa chữa, chẳng hạn như đứt gân do viêm khớp dạng thấp hoặc gãy xương. Ngoài ra, vết rách gân không thể sửa chữa sau chấn thương có thể được điều trị bằng thủ thuật chuyển gân.
Phẫu thuật chuyển gân cũng có thể cần thiết nếu chức năng cơ bị mất do rối loạn hệ thần kinh. Trong tình huống này, một bệnh lý hoặc chấn thương hệ thần kinh sẽ ngăn chặn các tín hiệu thần kinh được gửi đến cơ và dẫn đến sự mất cân bằng trong chức năng tay. Các rối loạn hệ thần kinh phổ biến được điều trị bằng phẫu thuật này là bại não, đột quỵ, chấn thương sọ não và teo cơ tủy.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc một số tình trạng khiến mất chức năng ở tay khi vừa mới ra đời. Trong những tình huống này, các chức năng cơ bị thiếu đôi khi có thể được điều trị bằngchuyển gân.
Quy trình thực hiện
Quá trình thực hiện phẫu thuật chuyển gân như thế nào?
Phẫu thuật sẽ diễn ra sau khi bạn được gây mê toàn thân và kéo dài trong 2-6 giờ. Trong quá trình phẫu thuật, phần đầu của cơ, cũng như dây thần kinh và dòng máu đến cơ này vẫn được bảo tồn. Bác sĩ sẽ tách phần xương có chứa gân cần chuyển và gắn vào một phần xương hoặc gân khác. Sau khi đã chèn gân xong, khi cơ bắp kích hoạt, gân mới sẽ tạo ra các hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào vị trí mà nó được chèn.
Sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, tùy vào loại và số lượng gân được chuyển, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định các biện pháp bảo vệ gân. Ví dụ, nếu mục đích phẫu thuật là giúp duỗi thẳng tay, bạn phải cần đeo nẹp khuỷu tay trong 8-10 tuần. Nếu phẫu thuật để có thể dạng ngón tay cái, bạn phải đeo nẹp ngón tay trong 4 – 6 tuần.
Vì gân phải mất tới 6 tuần để đạt được khoảng 95% sức mạnh của chúng, bạn có thể sẽ cần thêm sự chăm sóc của người thân và bạn bè.
Tuy nhiên, bạn lưu ý hoạt động của tay sau phẫu thuật có thể không được như trước vì mỗi lần chuyển gân chỉ có thể thay thế một chuyển động và không có đủ cơ bắp được hiến để cung cấp năng lượng cho tất cả các cơ bị liệt trong tay. Tuy nhiên, chuyển gân thành công sẽ cải thiện chức năng tay và cánh tay của bạn.
Rủi ro
Phẫu thuật chuyển gân có thể gây ra những rủi ro nào?
Giống như các phẫu thuật khác, phương pháp chuyển gân cũng có một số rủi ro nhỏ như:
- Sẹo tại vị trí phẫu thuật
- Nhiễm trùng
- Tương tác với thuốc mê. Để tránh tình trạng này, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và bệnh sử của bạn trước khi thực hiện phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, nếu bạn cố gắng di chuyển gân sớm, gân có thể bị đứt. Tuy nhiên, di chuyển gân trễ hơn dự định sẽ dẫn đến cứng gân. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tái khám thường xuyên để bác sĩ kiểm tra và quyết định khi nào bạn có thể di chuyển gân được nhé.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]