backup og meta

Hướng dẫn tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước đúng cách

Hướng dẫn tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước đúng cách

Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL: Anterior cruciate ligament) là một trong các chấn thương thường gặp và nghiêm trọng nhất ở đầu gối, thường gặp ở các vận động viên bóng đá, bóng rổ,… Hàng năm, khoảng 3% vận động viên nghiệp dư gặp chấn thương này; còn các vận động viên ưu tú gặp tới 15%. Phụ nữ có nguy cơ cao gấp 2 – 8 lần nam giới. Chấn thương dây chằng chính ở đầu gối này có thể khắc phục bằng cách mổ tái tạo dây chằng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh không thể khôi phục hoàn toàn ngay mà cần tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước để lấy lại chức năng bình thường của khớp gối.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

1.Tìm hiểu về mổ dây chằng chéo trước

Trong phẫu thuật tái tạo ACL, phần dây chằng bị rách sẽ được loại bỏ và thay thế bằng một dải gân khác để nối cơ với xương. Gân ghép này có thể được lấy từ phần khác của đầu gối bệnh nhân hoặc từ gân được hiến tặng. 

Có thể bạn quan tâm: Phẫu thuật nối gân Achilles bị đứt

Mục tiêu tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước bao gồm:

  • Bảo vệ mảnh ghép
  • Phục hồi khả năng di chuyển
  • Phục hồi toàn bộ các cấu trúc xung quanh, cải thiện dần biên độ vận động.
  • Giảm thiểu sự ức chế sương khớp, thiết lập lại kiểm soát thần kinh

Những điều bạn nên làm là:

  • Giữ đầu gối của bạn luôn thẳng và nâng cao khi nằm hoặc ngồi, không nên kê khăn dưới đầu gối.
  • Không chủ động đá thẳng đầu gối; nhờ người hỗ trợ trong thay đổi tư thế (như từ ngồi xuống để nằm) .
  • Không nên nằm nghiêng hay đổ người về phía gối phẫu thuật của bạn.

Bạn sẽ được hướng dẫn cách để giảm đau và sưng, phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen, naproxen cho đến meloxicam, tramadol, oxycodone), chườm lạnh.

Sau phẫu thuật, hãy lưu ý nếu bị sốt, đau bắp chân dữ dội, vết mổ chảy nhiều dịch, đau không kiểm soát được hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn lo lắng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ giúp tầm soát nguy cơ nhiễm trùng vết thương hoặc các tai biến sau phẫu thuật để đạt được mục tiêu phục hồi sớm được tốt nhất.

Bạn sẽ được hướng dẫn cách để giảm đau và sưng, phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen, naproxen cho đến meloxicam, tramadol, oxycodone), chườm lạnh, kê cao chân và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.

Trong thời gian đầu sau mổ, bạn vẫn cần phải đẹo nẹp hay đeo nạng để tránh đặt áp lực lên đầu gối. Thường mất từ 7 – 10 ngày bạn có thể bỏ nạng và tự đi bộ mà không cần hỗ trợ. Để bệnh nhân sớm quay lại các hoạt động thường ngày, bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp vật lý trị liệu phù hợp

2. Tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước 

Thời điểm để bắt đầu việc tập luyện phục hồi chức năng nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi tái tạo dây chằng chéo trước để đạt được hiệu quả tối ưu các kết quả có lợi về mặt chức năng, thể chất, sinh lý, trong khi trì hoãn thời gian này sẽ ít có ý nghĩa hơn hơn đối với mục tiêu phục hồi sớm.

Thời gian tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước thường được chia thành các giai đoạn như sau: 

Tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước 1-2 tuần

Mục tiêu: 

  • Bệnh nhân có thể co – duỗi thẳng đầu gối hết mức có thể ở chân bị thương. 
  • Tập trung lấy lại sức mạnh cơ tứ đầu đùi và cơ gân đùi sau – 2 nhóm cơ đóng vai trò co duỗi cho đầu gối.   

Sau đây là các bài tập được bác sĩ chỉnh hình và các chuyên viên vật lý trị liệu đề xuất cho bạn: 

1. Bài tập mở rộng đầu gối

Kê gót chân của chân bị chấn thương lên một vật dụng dày vài cm. Từ từ thả lỏng và để duỗi thẳng chân. Lặp lại bài tập này ít nhất 3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút để duy trì phạm vi hoạt động bình thường của khớp gối

2. Bài tập gồng cơ tĩnh 

Giữ chân ở vị trí cố định và siết chặt cơ tứ đầu đùi (phần cơ trên đùi) mà không nhấc gót chân lên không trong 10 giây. Sau đó nghỉ 10 giây rồi tiếp tục gồng cơ đùi trong 10 giây. Lặp lại 10 hiệp như thế để tăng cường sức mạnh của cơ tứ đầu đùi sau phẫu thuật. 

3. Duỗi thẳng chân/Trượt gót chân

Từ từ co đầu gối bằng cách trượt gót chân về phía mông cho đến khi bạn cảm thấy hơi khó chịu và cảm giác áp lực bên trong đầu gối. Giữ nguyên trong vòng 10 giây. Trở lại vị trí ban đầu và nghỉ ngơi 10 giây. Lặp lại bài tập này 10 lần, giúp người bệnh duy trì phạm vi vận động của mình. 

4. Bài tập khuỵu gối hay cúi đầu gối 

Nằm nghiêng về phía trước và dùng chân không bị thương đỡ chân đã được phẫu thuật. Trong khi giữ hông và mặt sau đầu gối cố định trên sàn nhà, sử dụng chân còn lại hỗ trợ đầu gối cong về phía dưới trong mức giới hạn của bạn. Giữ nguyên tư thế này trong vòng 10 giây, sau đó từ từ hạ chân xuống và duỗi thẳng. Lặp lại bài tập này 10 lần.

tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước

Tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước 2-6 tuần 

Trước khi chuyển sang giai đoạn tập luyện mới, bạn cần chắc chắn: 

  • Đã có thể bỏ nạng. 
  • Khôi phục đầy đủ biên độ vận động bình thường ở đầu gối.

Ở giai đoạn này, mức độ hồi phục của mỗi người là khác nhau. Song song đó, độ khó của các bài tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước sẽ được nâng cao dần. Bạn cần hoàn thành cấp độ tập luyện trước đó để bước vào các bài tập sau đây: 

1. Bài tập Squat 

Ngồi xổm xuống bằng hai chân, kẹp một quả bóng ở giữa 2 đầu gối của bạn. Thực hiện động tác squat (đứng lên – ngồi xổm xuống) mà vẫn giữ nguyên quả bóng (sẽ dễ dàng hơn nếu bạn dựa lưng vào tường và trượt theo động tác lên xuống). Giữ tư thế ngồi xổm 45 độ trong 5 giây và lặp lại động tác squat này 10 lần. 

2. Tập bước đi trên bậc thang 

Tập bước lên – bước xuống bậc thang với chân đã phẫu thuật 20 lần mỗi hiệp. 

3. Các bài tập căng cơ gân kheo

Bài tập căng cơ gân kheo trong tư thế đứng:

  • Gập và duỗi thẳng đầu gối một góc 0-30 °, lặp lại 20 lần cho mỗi hiệp. 
  • Lặp lại với 30-90 ° và 90-140 °.
  • Bài tập này cũng có thể kết hợp với uốn cơ gân kheo, có sự hỗ trợ của tạ sau 6-12 tuần phục hồi chức năng. 

Bài tập căng cơ gân kheo trong tư thế nằm: 

  • Nằm nghiêng về phía trước, uốn cong đầu gối và đẩy gót chân về phía mông. 
  • Trở lại vị trí nằm như bình thường.
  • Lặp lại động tác này 15 lần mỗi hiệp. 
  • Bạn có thể tăng cường bài tập này với sự hỗ trợ của tạ sau 6-12 tuần hồi phục. 

Sau khi căng cơ gân kheo bạn cần làm một vài động tác giãn cơ trong vòng 20-30 giây. 

4. Tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước qua các bài tập tăng cường sức mạnh bắp chân

  • Bài tập kiễng gót chân. 
  • Bài tập căng cơ gót chân. 
  • Tập giữ thăng bằng trên một chân (chân không phẫu thuật).

tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước

Bên cạnh đó, đạp xe trên máy đạp xe cố định tại nhà cũng là bài tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước được khuyến khích cho giai đoạn này. Bạn nên bắt đầu ở cường độ thấp trong vòng 5 phút và tăng dần khi có thể. 

Tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước từ 6-12 tuần

Trước khi tiến hành các bài tập phục hồi dưới đây bạn cần đảm bảo các tiêu chí sau: 

  • Phục hồi hoàn toàn các chuyển động ở chân đã phẫu thuật. 
  • Giảm thiểu hoặc không còn sưng đầu gối. 
  • Có thể giữ thăng bằng trên chân đã phẫu thuật trong hơn 20 giây. 

Ở giai đoạn này chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn tăng cường và kết hợp các bài tập ở giai đoạn trước đó cùng với: 

1. Bài tập gấp duỗi gối chủ động 

  • Ngồi trên ghế, 2 chân mở rộng. 
  • Nâng thẳng cẳng chân và giữ nguyên trong vòng 5 giây. Sau đó trở lại vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này 15 lần.

tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước

Một số môn tập luyện cũng được khuyến khích bao gồm: bơi lội, đạp xe và chạy bộ nhưng nên tránh các môn thể thao liên quan nhiều đến vặn mình, nhảy hoặc xoay người.

Phục hồi chức năng sau cuộc phẫu thuật tái tạo ACL từ 3-6 tháng

Mục đích của giai đoạn này là giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn và chuẩn bị để trở lại chơi thể thao một cách an toàn ở thời gian tiếp theo (sau phẫu thuật 6 tháng trở lên). Chế độ tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước ở giai đoạn này chủ yếu sẽ tập trung vào các bài tập cụ thể bao gồm bài tập thăng bằng và bài tập plyometric ở cường độ cao.

Tùy mỗi người mà sẽ được xây dựng một chương trình vật lý trị liệu thích hợp ở giai đoạn này. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên viên để có bài tập phù hợp cho mình nhé!

tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước

Có thể bạn quan tâm: Những điều bạn cần biết về phẫu thuật ghép xương

Phục hồi chức năng sau 6 tháng 

Nếu bạn cần quay trở lại tập luyện các môn thể thao không cần tương tác trực tiếp với đầu gối như quần vợt 6 tháng sau mổ, bạn cần đảm bảo: 

  • Không còn sưng phù ở khớp. 
  • Không còn đau ở bất kỳ phạm vi vận động nào.

Và có thể: 

  • Chạy trên đường thẳng với tốc độ tối đa
  • Chạy sang ngang và chạy lùi
  • Chạy theo hình số 8. 
  • Nhảy và nhảy lò cò. 

Trong suốt quá trình tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước, bạn nên xoa bóp giúp hỗ trợ quá trình hồi phục, giảm cảm giác đau sau phẫu thuật do cơ bị co cứng hoặc do tập luyện quá nhiều.

Các chuyên gia khuyên rằng người sau mổ chấn thương dây chằng chéo trước không nên quay trở lại các môn thể thao tương tác nhiều với đầu gối như đá bóng ít nhất là 9 tháng sau khi thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên quá trình phục hồi là khác nhau ở mỗi người. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn thời điểm thích hợp để vận động thể chất nhé.

Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn có thời gian tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước hiệu quả nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

ACL reconstruction – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/acl-reconstruction/about/pac-20384598 Ngày truy cập: 27/12/2021

ACL Reconstruction Physiotherapy advice for patients https://www.ouh.nhs.uk/patient-guide/leaflets/files/121210acl.pdf Ngày truy cập: 27/12/2021

Rehab Timeline Expectations https://www.emoryhealthcare.org/centers-programs/acl-program/recovery/rehab-timeline.html Ngày truy cập: 27/12/2021

Knee ligament surgery – Recovery – NHS https://www.nhs.uk/conditions/knee-ligament-surgery/recovery/ Ngày truy cập: 27/12/2021

After ACL Surgery | Patient Education | UCSF Health https://www.ucsfhealth.org/education/after-acl-surgery Ngày truy cập: 27/12/2021

Phiên bản hiện tại

24/01/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

5 cách để bạn có được kết quả tốt nhất khi tập vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu phục hồi tổn thương gân và dây chằng


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo