Căng cơ bắp chân là một dạng chấn thương phổ biến do hoạt động quá sức hoặc dồn lực quá mức ở các cơ bắp chân gây nên. Thông thường, cơn đau do bị căng cơ chân từ nhẹ đến nặng, tùy vào mức độ tổn thương ở cơ.
Vậy căng cơ ở bắp chân do đâu và có triệu chứng cụ thể là gì? Cách chẩn đoán và điều trị căng cơ bắp chân như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Căng cơ bắp chân là do đâu?
Căng cơ bắp chân gây nên do hoạt động quá sức hoặc dồn lực quá mức ở các cơ tại bắp chân, vùng phía sau của cẳng chân. Chấn thương này khiến các sợi cơ bị kéo căng ra, trở nên yếu đi dẫn đến chảy máu vào trong cơ.
Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn ở những người tham gia các môn thể thao yêu cầu tăng tốc nhanh từ vị trí đứng yên và nhanh chóng dừng chuyển động. Tình trạng này khiến cơ bị co lại nhưng bị ép phải giãn cơ bắp chân ra đột ngột. Cầu thủ bóng đá, vận động viên quần vợt, điền kinh.. là những người dễ gặp phải dạng chấn thương này nhất.
Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng khả năng bị căng cơ bắp chân như:
- Tuổi tác: những người trên 40 tuổi có khả năng bị căng cơ chân khi hoạt động thể chất
- Giới tính: một số nghiên cứu cho thấy nam giới dễ bị chấn thương cơ bắp chân hơn
- Chất lượng cơ bắp: người có cơ bắp chân săn chắc hoặc ngắn sẽ có nguy cơ bị căng cơ bắp chân cao hơn
- Không khởi động cơ bắp kỹ trước khi hoạt động thể chất
- Mang giày dép không phù hợp khi tập luyện
- Thường xuyên đi giày cao gót
Triệu chứng
Triệu chứng căng cơ bắp chân là gì?
Các triệu chứng căng cơ bắp chân thường bao gồm:
- Khó căng cơ bắp chân hoặc khó kiễng chân lên
- Đau khi gập cổ chân
- Gặp vấn đề khi co khớp gối
- Có cảm giác đau nhói hoặc tê ngứa ở bắp chân
- Bắp chân sưng tấy hoặc bầm tím
- Đau đột ngột ở phía sau cẳng chân
Hầu hết người bị căng cơ bắp chân cho biết họ không thể tiếp tục các hoạt động của mình sau khi gặp phải chấn thương này.
Nếu có rách cơ mà không được điều trị hoặc tái phát nhiều lần, các sợi cơ bị tổn thương có thể trở thành mô sẹo, làm giảm sức mạnh và tính linh hoạt của cơ. Do đó, bạn nên đi kiểm tra y tế nếu xuất hiện một trong các tình trạng sau đây:
- Gặp một chấn thương đáng kể khác ngoài việc bị căng cơ bắp chân
- Gặp khó khăn khi đi bộ hoặc thậm chí không thể đứng thẳng
- Bị đau dữ dội ở bắp chân
- Sưng cẳng chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán căng cơ bắp chân như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi về quá trình gặp chấn thương, kiểm tra tình trạng bị căng cơ chân của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh để xác định xem có bị rách cơ hay không. Việc này cũng nhằm loại trừ các tình trạng khác gây đau bắp chân như đứt gân Achilles hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu. Bởi hiện tại, có đến 10% bắp chân bị căng cứng là do huyết khối tĩnh mạch sâu – tình trạng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Các xét nghiệm hình ảnh được dùng để chẩn đoán căng cơ bắp chân gồm:
- Siêu âm: để kiểm tra xem cơ có bị rách không hoặc có xuất hiện chất lỏng tích tụ xung quanh cơ bắp chân không
- Chụp cộng hưởng từ MRI: để kiểm tra các cục máu đông, vết rách và tình trạng chảy máu bên trong chân
Những cách chữa căng cơ bắp chân hiệu quả
Mẹo chữa căng cơ bắp chân tại nhà
Ở giai đoạn đầu, bạn có thể thực hiện một số mẹo chữa căng cơ bắp chân tại nhà như sau:
- Nghỉ ngơi: tạm ngừng chạy bộ hoặc bất kỳ hoạt động thể chất nào để tránh làm tổn thương bắp chân của bạn
- Chườm nước đá: chườm một túi đá hoặc gạc lạnh trong 20 phút sau mỗi 2 giờ. Không được chườm đá trực tiếp lên da.
- Quấn băng quanh vùng bị thương: giúp giảm sưng và tích tụ chất lỏng.
- Nâng cao chân: đặt chân lên một vị trí cao hơn tim bằng gối, chăn hoặc đệm để nâng đỡ cẳng chân.
Ngoài ra, khi chữa căng cơ bắp chân tại nhà, bạn cũng cần lưu ý tránh những điều sau đây:
- Chườm nóng vùng bị thương
- Uống rượu
- Xoa bóp giúp giãn cơ bắp chân
- Đi bộ hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn sử dụng thuốc giảm đau để bớt đau đớn và băng bó cố định phần cẳng chân.
Điều trị căng cơ bắp chân bằng phẫu thuật
Trong trường hợp căng cơ bắp chân nặng dẫn đến rách cơ, người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật. Sau khi gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ rạch một đường ở bắp chân để khâu lại hai đầu cơ.
Sau phẫu thuật, bạn phải bó bột trong vài tuần cho đến khi lành hẳn. Trong thời gian này, bạn có thể di chuyển bằng nạng. Đến khi tháo bột, tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ cho biết bao lâu bạn có thể vận động nhẹ nhàng, có cần vật lý trị liệu hay không. Nhìn chung, phục hồi sau phẫu thuật trị căng cơ bắp chân có thể mất đến 6 tháng.
Phòng ngừa
Một số lưu ý để ngăn ngừa bị căng cơ chân
Khi đã từng bị căng cơ chân, bạn sẽ có nguy cơ cao bị căng cơ tại vị trí này trong tương lai. Để giảm nguy cơ bị căng cơ bắp chân, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Tập kéo dãn chân và rèn luyện cơ bắp chân thường xuyên
- Không cố gắng nén đau mà nên nghỉ ngơi khi thấy cơ bắp khó chịu
- Cần có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục sức lực giữa các buổi tập
- Sử dụng đúng các kỹ thuật khi chơi thể thao
- Khởi động và kéo giãn cơ bắp chân trước khi vận động
- Mang giày vừa vặn và thoải mái
Trên đây là một số thông tin cơ bản về căng cơ bắp chân, một tình trạng chấn thương rất phổ biến hiện nay. Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như biết cách hạn chế xảy ra căng cơ khi tập thể dục.
[embed-health-tool-bmi]