Gãy xương đòn là một trong những trường hợp phổ biến nhất, chiếm đến 10% các trường hợp gãy xương. Mặc dù có thể được điều trị lành lại hoàn toàn nhưng nếu biến chứng gãy xương đòn xảy ra sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của bạn.
Gãy xương đòn thường được điều trị bảo tồn hiệu quả bằng cách đeo đai số 8. Một số trường hợp nặng như gãy xương đòn di lệch hay gãy xương hở thì sẽ cần điều trị bằng phẫu thuật để điều chỉnh xương lại đúng vị trí.
1. Quá trình liền xương đòn mất bao lâu?
Cho dù có điều trị phẫu thuật hay không thì có thể mất đến vài tháng để xương đòn lành lại. Đặc biệt, quá trình liền xương đòn sẽ lâu hơn ở những người lớn tuổi, bị tiểu đường hay hút thuốc lá.
Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt và vận động bình thường trong vòng 3 tháng sau chấn thương. Nếu bạn vận động tay trở lại quá sớm có thể gây nên những biến chứng do mảnh xương gãy bị di lệch hoặc do gãy dụng cụ nối xương (được đưa vào trong phẫu thuật).
Bạn có thể quan tâm: “[Infographic] Triệu chứng gãy xương: Nhận biết ngay kẻo muộn!”
2. Biến chứng gãy xương đòn
Thực chất hầu hết bệnh nhân đều hồi phục lại bình thường sau chấn thương mà ít gặp các biến chứng gãy xương đòn. Tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra một số biến chứng liên quan đến vết xương gãy và phẫu thuật. Chúng bao gồm:
Biến chứng gãy xương đòn liên quan đến phẫu thuật
Cũng giống như bất kỳ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật điều trị gãy xương đòn có thể xảy ra một số rủi ro như:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Đau
- Hình thành cục máu đông
- Phản ứng với thuốc gây tê (gây mê).
- Chấn thương phổi.
- Xương đòn không lành lại.
- Phản ứng phụ của cơ thể với dụng cụ dùng để nối liền xương.
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các biến chứng gãy xương đòn này và đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Biến chứng gãy xương đòn không liên quan đến phẫu thuật
Một số biến chứng gãy xương đòn khác không xuất phát từ quá trình điều trị bằng phẫu thuật phải kể đến:
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu. Các đầu xương gãy có thể gây tổn thương các dây thần kinh và mạch máu lân cận. Điều này xảy ra ngay khi xương gãy hoặc trong quá trình lành lại và hình thành mô sẹo ở xương đòn. Cần gọi cấp cứu ngay nếu biến chứng gãy xương đòn có dấu hiệu tê hoặc lạnh ở cánh tay hoặc bàn tay.
- Chữa lành kém hoặc chậm. Xương đòn bị gãy nghiêm trọng có thể mất nhiều thời gian để liền xương hoặc xương đòn không thể lành lại hoàn toàn. Lành xương kém dễ dẫn tới ngắn xương. Nếu ngắn trên 2cm có thể gây vấn đề về thần kinh hoặc chức năng của xương, khiến người bệnh đau liên tục, giảm phạm vi cử động, giảm sức bền. Những yếu tố nguy cơ cao dẫn tới biến chứng gãy xương đòn này là tuổi cao, giới tính nữ, hút thuốc lá, gãy xương di lệch.
- Hình thành cục u trong xương. Đây là một phần của quá trình liền xương đòn. Chúng hình thành tại chỗ xương đan vào nhau và thường nằm sát da nên dễ quan sát thấy. Hầu hết các cục u xương này biến mất dần theo thời gian nhưng một số có thể tồn tại vĩnh viễn.
- Bệnh xương khớp. Gãy xương liên quan đến các khớp nối xương đòn với xương bả vai hoặc xương ức của bạn có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp tại các khớp đó.
3. Tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương đòn đúng cách
Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn sau khi điều trị đều cần tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Bác sĩ hay các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn một số bài tập vai và cánh tay để lấy lại sức mạnh ở các khu vực này. Các bài tập này có thể được tiến hành tại trung tâm vật lý trị liệu hoặc tại nhà.
Bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương đòn sẽ bắt đầu bằng các động tác nhẹ nhàng và tăng dần cường độ cho đến khi vết gãy lành lại. Lưu ý luôn tuân theo kế hoạch tập vật lý trị liệu của các chuyên gia đề ra để tránh gây biến chứng.
Bạn có thể xem thêm: Nguyên nhân gãy xương là do đâu? Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Mặc dù gãy xương đòn thường nhẹ nhưng nếu không chú ý chăm sóc vết gãy cũng có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về biến chứng gãy xương đòn và những lưu ý trong quá trình liền xương đòn, giúp vết gãy lành lại một cách an toàn nhé!
[embed-health-tool-bmi]