backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh loãng xương có nguy hiểm không? Các biến chứng và cách phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 21/10/2021

    Bệnh loãng xương có nguy hiểm không? Các biến chứng và cách phòng ngừa

    Bệnh loãng xương có nguy hiểm không vốn chỉ được mọi người quan tâm sau khi được chẩn đoán bệnh. Trong khi đó, có rất nhiều người bị loãng xương âm thầm trong nhiều năm mà không hay biết mà phải đợi tới khi có biến chứng. Lúc này, khả năng vận động, vóc dáng và chất lượng cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

    Mời bạn cùng tìm hiểu mức độ nguy hiểm của loãng xương, các biến chứng cũng như cách phòng ngừa rủi ro hiệu quả. 

    Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?

    Bệnh loãng xương nguy hiểm không hơn bạn nghĩ. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả phụ nữ và nam giới, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Rất khó để phát hiện triệu chứng của bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu nên nhiều người chỉ phát hiện mình mắc bệnh khi loãng xương gây ra các biến chứng nguy hiểm.

    Các biến chứng của loãng xương điển hình nhất là:

    Gãy xương

    bệnh loãng xương có nguy hiểm không? Gây gãy xương

    Chỉ nhìn vào biến chứng này thôi đã đủ hiểu bệnh loãng xương có nguy hiểm không. Đây là biến chứng hàng đầu của bệnh, để lại tàn tật vĩnh viễn cho 50% bệnh nhân và tăng khoảng 20% nguy cơ tử vong sau năm đầu tiên.

    Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương, khiến xương trở nên yếu giòn, dễ gãy hơn. Chỉ cần một cú va chạm nhẹ, thậm chí cúi gập người, ho hoặc hắt hơi cũng có thể gây gãy xương.

    Gãy xương cột sống hoặc gãy xương hông là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Bên cạnh đó, một số vị trí chịu lực khác của cơ thể cũng rất dễ gãy như xương đùi, xương cổ tay,… Khả năng hồi phục khi bị gãy ở những vị trí này là rất khó, kèm theo đó là nguy cơ bị tàn tật suốt đời và tử vong là rất cao.

    Đồng thời, người từng bị gãy xương do loãng xương cũng rất dễ bị tái gãy xương về sau.

    Bệnh loãng xương có nguy hiểm không khi gây lún xẹp cột sống

    Bệnh loãng xương còn nguy hiểm ở chỗ làm lún xẹp đốt sống cho khoảng 3% người bệnh. Người bệnh chỉ cần vác vật nặng, không cẩn thận té ngã hay hắt hơi thôi cũng có thể dẫn đến lún xẹp đốt sống.

    Trên thực tế, biến chứng lún xẹp đốt sống do loãng xương có tỷ lệ tử vong thấp nhưng lại có nguy cơ cao gây tàn phế vĩnh viễn.

    Lún xẹp cột sống khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến tình trạng đau kéo dài. Nếu số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều còn có thể đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống.

    Bên cạnh đó, biến dạng cột sống do tình trạng lún xẹp cũng rất phổ biến. Nếu bạn là nữ giới và đang quan tâm đến bệnh loãng xương có nguy hiểm không thì đừng bỏ qua biến chứng này. Cột sống suy yếu đến mức biến dạng, dẫn đến đau lưng kéo dài, giảm chiều cao, gây gù lưng hay còng lưng. Thậm chí, gãy xương cột sống ở người loãng xương xảy ra ngay cả khi không có té ngã hay va chạm gì quá mạnh. 

    Ngoài ra, nếu loãng xương làm biến dạng đốt sống ngực cũng có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực và nặng hơn là gây khó thở nghiêm trọng.

    bệnh loãng xương có nguy hiểm không? Gây lún xẹp đốt sống

    Giảm khả năng vận động

    Một biến chứng nguy hiểm khác của loãng xương là làm giảm khả năng vận động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp, người bị loãng xương có thể bị tàn phế suốt đời, làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người cao tuổi.

    Theo thống kê, khoảng 30% ca gãy xương hông do loãng xương cần đến sự chăm sóc dài hạn. Người bị gãy xương do loãng xương có thể phải nằm bất động một chỗ, mọi sinh hoạt bình thường phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Bên cạnh đó, việc nằm bất động trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến các biến chứng khác như hoại tử da, viêm phổi, tắc mạch chi,…

    Những ai dễ mắc phải các biến chứng do loãng xương?

    Sau khi đã có câu trả lời cho vấn đề: “Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?” thì bạn cũng nên biết thêm những đối tượng dễ mắc phải các biến chứng của loãng xương để chủ động phòng ngừa. Cụ thể như sau:

    • Người cao tuổi, người ốm yếu nhẹ cân.
    • Người có lối sống ít hoạt động thể chất, nghiện rượu, uống nhiều cà phê, hút thuốc lá.
    • Người ăn chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D lâu ngày.
    • Phụ nữ thiếu hormone sinh dục do cắt bỏ buồng trứng, mãn kinh sớm hoặc mắc các bệnh về nội tiết.
    • Người có tiền sử bệnh bị gãy xương trước đó.
    • Người phải dùng thuốc corticoid, thuốc chống động kinh… kéo dài.

    Phòng ngừa biến chứng của loãng xương

    bệnh loãng xương có nguy hiểm không và cách phòng ngừa

    Hiểu bệnh loãng xương có nguy hiểm không, hẳn bạn cũng hiểu vai trò của việc phòng ngừa biến chứng của loãng xương từ sớm. Hãy chủ động bằng cách những mẹo sau đây:

    • Cung cấp đủ canxi và vitamin D mà cơ thể cần thông qua chế độ ăn cho người loãng xương và tham khảo bác sĩ để chọn loại viên uống bổ sung phù hợp.
    • Thường xuyên tập thể dục và vận động ngoài trời với cường độ phù hợp để xây dựng một hệ xương chắc khỏe, cơ bắp dẻo dai, tăng cường sức khỏe tổng thể, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
    • Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích khác để tránh làm tổn thương thêm xương khớp.
    • Nếu xuất hiện các vấn đề ở xương khớp như đau nhức xương khớp, đau cơ bắp, thường xuyên bị chuột rút,…thì nên thăm khám sớm để điều trị kịp thời.
    • Không lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid bởi có thể khiến loãng xương thêm nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn.
    • Thận trọng khi làm việc, đi lại để tránh những tai nạn đáng tiếc.

    Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về vấn đề bệnh loãng xương có nguy hiểm không, cũng như cách phòng ngừa bệnh tiến triển và giảm thiểu biến chứng nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 21/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo