Bạn đọc hỏi
Chào bác sĩ! Tôi là nữ 35 tuổi. Công việc của tôi phải tiếp xúc nhiều với máy vi tính. Vì vậy tôi thường xuyên uống vitamin E với mong muốn cải thiện sức khỏe của da và mắt. Tuy nhiên tôi không uống cố định vào một khung giờ mà chỉ nhớ ra lúc nào thì uống lúc đó. Như vậy có tốt không thưa bác sĩ? Để tối ưu thì tôi nên uống vitamin E vào lúc nào trong ngày?
(Hoàng Mai – TP.HCM)
Bác sĩ trả lời
Với câu hỏi nên uống vitamin E vào lúc nào trong ngày của độc giả Hoàng Mai, Bác sĩ Lai Ngọc Hiền, hiện đang công tác tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM trả lời cụ thể như sau:
Vitamin E là một trong những loại vitamin tan trong dầu. Trong đó alpha-tocopherol là dạng có hoạt tính sinh học mạnh nhất. Hiện nay chúng ta thường nghe nói về các tác dụng mang tính ưu việt của nó, được sử dụng rộng rãi ở nhiều đối tượng. Qua các tài liệu nghiên cứu, Vitamin E được ghi nhận có nhiều vai trò, lợi ích sau:
- Hỗ trợ quá trình chống oxy hóa. Trong khi đó, quá trình này là nguyên nhân thúc đẩy mọi bệnh tật của con người.
- Có thể có lợi trong việc bảo vệ gan, thận, não khi điều trị nhiễm độc thủy ngân
- Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị viêm xương khớp do giảm quá trình stress oxy hóa trong cơ thể.
- Chống oxy hóa mạnh, vô hiệu hóa các gốc tự do, ngăn chặn sản xuất Cytokine và chứng loãng xương.
- Giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt về nhận thức và trí nhớ.
- Hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường
- Phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch, góp phần giảm mỡ máu
- Điều hòa miễn dịch, tăng cường sức đề kháng
- Làm chậm quá trình lão hóa da
- Hỗ trợ trong điều trị: sẩy thai, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, Alzheimer, mãn kinh, bệnh Beta – Thalassemia ở trẻ em, bảo vệ mô lành trong quá trình hóa trị, bệnh võng mạc ở những trẻ sinh non, đục thủy tinh thể ở người lớn…
Đối với một người trưởng thành, trung bình cần bổ sung 100 – 400 IU vitamin E mỗi ngày. Tình trạng thiếu hụt vitamin E chỉ gặp ở trẻ đẻ non, người kém hấp thu chất béo trong bệnh lý gan, mật, tụy.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn bổ sung vitamin E đúng cách, đúng liều
Tuy có nhiều tác dụng hữu ích nhưng đến nay vitamin E vẫn chưa được công nhận vai trò thực sự đối với từng loại bệnh lý đã nêu trên. Nhiều nghiên cứu không chứng minh được lợi ích của vitamin E trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát và thứ phát, thậm chí có thể làm tăng tổng tỷ lệ tử vong, suy tim và đột quỵ xuất huyết khi dùng liều cao và lâu dài. Vì lẽ đó, chúng ta nên tham khảo thêm một số hạn chế về Vitamin E:
1. Tương tác thuốc
- Đối kháng với tác dụng vitamin K và sẽ làm tăng thời gian đông máu
- Dùng chung với Aspirin và 1 số thuốc NSAID (nhóm các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid)làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Uống vitamin E 400 IU/ngày trong thời gian dài cùng với Estrogen dễ hình thành huyết khối.
- Kết hợp vitamin E liều cao sẽ làm tăng khả năng hấp thu Cyclosporine gây tăng tác dụng phụ của thuốc này.
- Kết hợp các thuốc chuyển hóa tại gan với Vitamin E vì có thể làm giảm hiệu quả điều trị.
2. Tác dụng quá liều: mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn, phát ban nhẹ. Nghiêm trọng hơn chúng ta có thể gặp phải triệu chứng như: đau bụng, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, choáng váng, ngất, rối loạn đông máu…
3. Những ai không nên uống vitamin E hoặc cần thận trọng khi sử dụng vitamin E
- Phụ nữ mang thai nên tham vấn ý kiến bác sĩ sản phụ khoa trước khi dùng.
- Bệnh nhân đái tháo đường khi sử dụng vitamin E liều cao làm tăng nguy cơ bị suy tim.
- Bệnh nhân có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cần hết sức lưu ý khi sử dụng vitamin E vì có thể làm tăng nguy cơ tử vong, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Những bệnh nhân bị thiếu vitamin K trầm trọng.
- Những bệnh nhân bị rối loạn đông cầm máu hoặc sắp phẫu thuật không nên sử dụng vitamin E vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Một điều cần đặc biệt lưu ý nữa là vitamin E không thể ngăn cản hoàn toàn quá trình phát triển của bệnh. Các chuyên gia khuyên rằng nên tiêu thụ đủ lượng thức ăn giàu vitamin E từ nhiều nguồn thực phẩm như: dầu thực vật, dầu mầm lúa mì, dầu hướng dương, dầu ngũ cốc, dầu oliu, hạnh nhân, trứng, gan, rau cải xanh, trái bơ và nhiều loại trái cây khác …để cơ thể tiếp nhận vitamin E một cách an toàn.
Bác sĩ hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp bạn giải đáp thắc mắc uống vitamin E vào lúc nào để đạt hiệu quả tối ưu và những thông tin liên quan khác. Bạn có thể đọc thêm các bài viết liên quan đến vitamin E và cách sử dụng ở Hello Bacsi để chăm sóc sức khỏe đúng cách.
8 tác dụng của vitamin E tốt cho sức khỏe
Thực phẩm chức năng vitamin E và những lợi ích bị thổi phồng
Tại sao phải cung cấp đủ vitamin E cho cơ thể?
[embed-health-tool-bmr]