backup og meta

Mùa nắng nóng, uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không?

Mùa nắng nóng, uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không?

Bột sắn dây được làm từ phần rễ của cây sắn dây. Vào mùa nắng nóng, nhiều người thường xuyên uống bột sắn dây với mục đích giải nhiệt cơ thể. Vậy uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không? Uống bột sắn dây có tác dụng gì?

Với những thông tin được bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tham vấn, bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu cách sử dụng bột sắn dây để tối ưu lợi ích của nó đối với sức khỏe.

Tìm hiểu về bột sắn dây

Củ sắn dây thường được thu hoạch vào mùa đông – xuân. Bột sắn dây làm từ củ sắn dây có màu trắng, thường được dùng để pha nước uống hoặc chế biến món ăn. Theo Đông y, sắn dây có vị ngọt, thanh mát nên có tác dụng trong việc giải nhiệt cơ thể và hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Nhiều người cũng uống bột sắn dây để giảm cân hoặc cải thiện làn da. Vậy cụ thể uống bột sắn dây có tác dụng gì?

Uống bột sắn dây có tác dụng gì?

Thành phần dinh dưỡng trong 100gr bột sắn dây

  • Năng lượng: 340 Kcal
  • Carbohydrate: 84.3 g
  • Chất xơ: 0.8 g
  • Protein:  0.7 g
  • Chất béo: 0 g
  • Canxi: 18 mg
  • Sắt: 1.5 mg
  • Phốt pho: 20 mg
Lưu ý: Thành phần dinh dưỡng trong 100gr bột sắn dây có thể thay đổi tùy theo nhà cung cấp và quy trình chế biến bột sắn dây. Polisaccarit – hỗn hợp của amylose và amylopectin trong sắn dây là loại tinh bột có lợi cho sức khỏe đường ruột. Hàm lượng vitamin C trong bột sắn dây thô có lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể.

Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không

Uống bột sắn dây có tác dụng gì?

Dưới đây là 4 tác dụng sức khỏe nổi bật khi uống bột sắn dây

1. Uống bột sắn dây giảm cân

Tinh bột kháng là một loại carbohydrate mà cơ thể không thể phân hủy để sử dụng làm năng lượng. Tinh bột kháng của sắn dây có cấu trúc giống tinh bột nhưng không thể tiêu hóa ở ruột non bởi men tụy. Nó sẽ xuống ruột già và lên men nhờ hệ vi khuẩn ở đây để cung cấp các vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Sự lên men các tinh bột kháng ở ruột già sẽ tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, bao gồm acetate, propionate và butyrate và làm gia tăng khối lượng vi khuẩn. Butyrate là nguồn năng lượng chính các tế bào ruột già. Nó cũng tăng sự trao đổi chất, giảm viêm và chống stress và làm tăng cảm giác no. Từ đó, giúp bạn hạn chế lượng đồ ăn nạp vào cơ thể mỗi ngày.

2. Uống bột sắn dây giúp giải nhiệt cơ thể

Bột sắn dây có khả năng giải nhiệt cơ thể hiệu quả. Nhờ vào tính chất làm mát tự nhiên và khả năng hấp thụ nước tốt, việc tiêu thụ bột sắn dây có thể giúp bạn giảm cảm giác nóng bức. Đồng thời, các khoáng chất có trong bột sắn dây cũng hỗ trợ trong quá trình điều tiết nhiệt làm mát cơ thể từ bên trong. Vì vậy, bạn có thể sử dụng sắn dây trong các trường hợp: Nóng sốt, viêm họng, nhiệt miệng, mụn nhọt…

3. Cải thiện quá trình trao đổi chất trong cơ thể

Bột sắn dây có khả năng làm giảm tốc độ tiêu hoá thức ăn và tăng độ nhạy của tế bào đối với insulin. Từ đó giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn, ngăn ngừa những loại bệnh do rối loạn trao đổi chất như: Béo phì, tiểu đường, tim mạch…

4. Cải thiện sức khỏe đường ruột

Như đã đề cập, tinh bột trong sắn dây là loại tinh bột có lợi cho sức khỏe đường ruột. Nó không được tiêu hoá tại ruột non mà được lên men tại ruột già. Tại đây, chúng sẽ giúp phát triển những loại vi khuẩn có lợi, hỗ trợ cơ thể chống lại những căn bệnh do rối loạn vệ sinh đường ruột.

Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không

Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không?


Vì có tính hàn nên bột sắn dây có công dụng giải nhiệt cơ thể rất hiệu quả. Tuy nhiên, vì sắn dây có tính hàn nên bạn không nên lạm dụng uống bột sắn dây mỗi ngày trong mùa nắng nóng. Bởi vì tính hàn có thể khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu hóa. Thậm chí, trẻ nhỏ và người có thể trạng yếu rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy nếu tiêu thụ quá nhiều bột sắn dây. 
Mặc khác, dù có những lợi ích nổi bật nhưng bột sắn dây cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe nếu không được sử dụng đúng cách. 

Tác hại của bột sắn dây 

1. Tổn thương gan

Theo Pubmed, một nghiên cứu khoa học được được thực hiện trên chuột trong 4 tuần để đánh giá về độc tính gan do chiết xuất rễ sắn dây. Theo đó, các nhà khoa học tiến hành nuôi cấy tế bào gan chuột và tế bào HepG2 với chiết xuất rễ sắn dây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:  Sự gia tăng ALT và AST huyết thanh cũng như những thay đổi về mô bệnh học ở chuột được điều trị cho thấy chiết xuất rễ cây sắn dây gây độc cho gan. Do vậy, chúng ta không nên sử dụng bột sắn dây lâu dài với hàm lượng cao. Thay vào đó hãy để cơ thể tiếp nhận sự đa dạng và phong phú của nhiều loại thức uống khác.

2. Có thể  gây tương tác với  thuốc điều trị đái tháo đường

Các hoạt chất trong rễ sắn dây cũng có thể tương tác với thuốc trị tiểu đường. Người ta ghi nhận rằng chất puerarin chứa trong sắn dây có tác dụng giảm lượng đường trong máu, cải thiện tình trạng kháng insulin, bảo vệ tuyến tụy hiệu quả. Do vậy, cần thận trọng khi dùng cùng lúc trên người bệnh tiểu đường đang điều trị.


Mặc dù cần nhiều nghiên cứu khoa học hơn để tăng tính thuyết phục cho các kết luận về tính rủi ro tiềm ẩn của bột sắn dây nhưng bạn cần cân nhắc kỹ hoặc trao đổi với bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền để biết đối với từng thể trạng cụ thể thì việc uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không.


3. Thận trọng với phụ nữ có thai

Sắn dây vẫn có thể dùng được cho bà bầu do nhiệt lượng cơ thể thai phụ luôn tỏa ra nhiều. Tuy vậy cũng không nên uống mỗi ngày. Vì tính hàn nên bột sắn dây dễ khiến đầy bụng, khó tiêu, hạn chế hấp thu nguồn dinh dưỡng cần thiết khác cho sự phát triển của bào thai và còn có thể là nguy cơ gây động thai, tăng co bóp tử cung…Vậy nên, khi mẹ bầu muốn uống sắn dây, hay các loại thực phẩm khác, cần nắm vững những thông tin cần biết và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không

Cách sử dụng bột sắn dây đúng cách

1. Có nên uống bột sắn dây trước khi ngủ không?

Khi uống sắn dây vào ban đêm, sát giờ ngủ sẽ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc liên tục, về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Do vậy, thời điểm tốt nhất để uống là sau bữa ăn trưa hoặc tối từ 30 phút đến 1 giờ.

2. Bột sắn dây uống sống hay chín tốt?

Việc nên uống bột sắn dây sống hay chín phụ thuộc vào sở thích cá nhân, cơ địa của mỗi người và mục đích sử dụng. Dưới đây là một số điểm cần xem xét để bạn có thể quyết định:

Bột sắn dây sống:

  • Cung cấp nhiều dưỡng chất hơn do không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao.
  • Có thể gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái đối với một số người do vị ngọt và hơi nhão của bột sắn dây sống.

Bột sắn dây chín:

  • Dễ tiêu hóa hơn và có vị ngọt nhẹ hơn so với sống.
  • Loại bỏ một số enzyme có thể gây ra khó chịu hoặc phản ứng dị ứng cho một số người.
Hầu hết các loại bột sắn dây lưu hành trên thị trường đều được chế biến thủ công, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, rất dễ bị lẫn các bụi bẩn và tạp chất. Do vậy khi sử dụng bột sắn dây bạn nên uống chín để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Hello Bacsi hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không và những thông tin liên quan. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bí quyết ăn uống lành mạnh, bạn hãy để lại câu hỏi cho chúng tôi ở phần bình luận nhé. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bột sắn dây: Lợi ích giải nhiệt và những tác dụng tuyệt vời

https://bvquan9.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe/bot-san-day-chat-giai-nhiet-va-nhung-loi-ich-tuyet-voi-danh-cho-co-the-c14234-89375.aspx

Ngày truy cập: 12/3/2024

Evaluation of kudzu root extract-induced hepatotoxicity

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26545459/ 

Ngày truy cập: 12/3/2024

Neurocytoprotective effects of the bioactive constituents of Pueraria thomsonii in 6-hydroxydopamine (6-OHDA)-treated nerve growth factor (NGF)-differentiated PC12 cells

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031942210003158

Ngày truy cập: 12/3/2024

Radix Puerariae: An overview of Its Chemistry, Pharmacology, Pharmacokinetics, and Clinical Use

https://accp1.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/jcph.96

Ngày truy cập: 12/3/2024

Three new isoflavones from Pueraria thomsonii Benth and their protective effects on H2O2-induced oxidative injury in H9c2 cardiomyocytes

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1874390020302160

Ngày truy cập: 12/3/2024

Pueraria Lobata and Pueraria Thomsonii for Mild Dyslipidemia

https://clinicaltrials.gov/study/NCT04861376

Ngày truy cập: 12/3/2024

Comparative analysis of the medicinal and nutritional components of different varieties of Pueraria thomsonii and Pueraria lobata

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpls.2023.1115782/full

Ngày truy cập: 12/3/2024

Puerarin: a review of pharmacological effects

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24339367/

Ngày truy cập: 19/3/2024

Phiên bản hiện tại

19/03/2024

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mách bạn 6 cách uống bột sắn dây đẹp da hiệu quả

Bà bầu ăn bột sắn dây được không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 19/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo