backup og meta

Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú

Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú

Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau điều trị, người bệnh và người chăm sóc thường ít nhiều sẽ có những băn khoăn về cách sinh hoạt, lịch thăm khám… 

Trong bài viết này, chúng tôi đã tổng hợp và giải đáp một số băn khoăn phổ biến ở người bệnh ung thư vú. Bạn hãy dành vài phút theo dõi để hiểu hơn nhé!

Băn khoăn 1: Làm thế nào để giúp bản thân “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể sau điều trị ung thư vú, nhất là vấn đề về tình dục?

Sau điều trị ung thư vú, hình ảnh cơ thể người bệnh có thể bị thay đổi do sự hiện diện của khối u, chẳng hạn như những thay đổi ở da (kết cấu và độ nhạy cảm), sự bất đối xứng của ngực cũng như những thay đổi liên quan đến điều trị ung thư (1).

Ngoài ra, sau điều trị ung thư, người bệnh cũng có thể phải “đối mặt” với các thay đổi về hành vi tình dục như rối loạn chức năng tình dục, cực khoái, ham muốn và gián đoạn khoái cảm do hóa trị, mãn kinh do hóa trị, tamoxifen và phẫu thuật. Những nguyên nhân đưa đến thay đổi tình dục bao gồm nỗi sợ mất khả năng sinh sản, hình ảnh cơ thể tiêu cực, cảm giác bất lực tình dục, mất nữ tính do mất tuyến vú và thay đổi nhận thức về tình dục (2).

Để “thích ứng” với những thay đổi này, một trong những giải pháp được khuyến khích là theo dõi/tái khám thường xuyên. Các chuyên gia y tế sẽ đánh giá mối quan tâm của người bệnh về hình ảnh cơ thể và qua đó cung cấp các “thiết bị” thích ứng phù hợp (ví dụ: khuôn ngực, tóc giả và/hoặc phẫu thuật khi được chỉ định). Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể giới thiệu người bệnh đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý xã hội  (1).

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất thực hiện phẫu thuật tái tạo vú. Đây được coi là một trong những phương pháp quan trọng để nâng cao mức độ hài lòng về hình ảnh cơ thể cho người (1). Về vấn đề tình dục, các phương thức có thể thực hiện là giáo dục, trị liệu tâm lý, tập các bài tập sàn chậu… (2). 

Băn khoăn 2: Lịch theo dõi và khám định kỳ của người bệnh sau điều trị ung thư vú như thế nào?

Nỗi sợ ung thư tái phát là một trong những lo lắng phổ biến nhất mà bệnh nhân phải đối mặt (3). Thông qua tái khám định kỳ, bác sĩ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng tái phát tại chỗ và di căn xa. Xét nghiệm duy nhất được khuyến cáo là chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) hai bên (sau phẫu thuật cắt bỏ khối u) hoặc vú đối diện còn lại (sau phẫu thuật cắt bỏ vú), bắt đầu 1 năm sau lần chụp nhũ ảnh đầu tiên nhưng ít nhất 6 tháng sau khi hoàn tất xạ trị. Khám lâm sàng nên được thực hiện 3 đến 6 tháng một lần trong 3 năm đầu, 6 đến 12 tháng một lần trong năm thứ 4 và 5, và hàng năm sau đó (4), (5). Bên cạnh đó, người bệnh sau điều trị ung thư vú còn được sàng lọc các bệnh lý ác tính cơ quan khác. Dưới đây là lịch theo dõi và thăm khám định kỳ được khuyến nghị (6):

Khi thăm khám, nếu có các bất thường nghi di căn, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác như siêu âm, CT, PET/CT, xạ hình xương, Ca15-3… Các xét nghiệm này không làm thường quy hay định kỳ.

Ngoài ra, khi thăm khám sau điều trị, người bệnh cũng sẽ được đánh giá và kiểm soát tác dụng phụ lâu dài của các phương pháp điều trị. Chẳng hạn, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp và huyết khối là những tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị anthracycline (doxorubicin, epirubicin), xạ trị thành ngực trái và các thuốc nhắm trúng đích như trastuzumab. Tamoxifen và các liệu pháp kháng estrogen khác như thuốc ức chế aromatase được khuyên dùng cho 80% bệnh nhân có biểu hiện thụ thể estrogen dương tính. Có tới 50% phụ nữ dùng các loại thuốc này sẽ có các triệu chứng rối loạn vận mạch và cơ xương khớp như đau khớp và cứng khớp (5). 

Bên cạnh đó, khi tái khám sau điều trị ung thư vú, người bệnh cũng có nhiều khả năng nhận được dịch vụ chăm sóc phòng ngừa, chăm sóc tốt hơn đối với các bệnh lý khác (5). Ngoài ra, thông qua việc tái khám, bác sĩ cũng sẽ tư vấn bệnh nhân về các cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như về chế độ ăn, hoạt động thể chất, giảm cân nếu béo phì

Băn khoăn 3: Sau điều trị ung thư vú, tôi nên duy trì chế độ ăn như thế nào? Liệu có cần hạn chế thịt đỏ, đậu nành hoặc cần một chế độ ăn đặc biệt?

Cho đến nay không có đủ bằng chứng để khẳng định mối liên quan giữa chế độ ăn uống với tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên người bệnh nên ăn nhiều trái cây và rau quả. Bởi việc này làm tăng lượng polyphenol và chất xơ trong cơ thể, giúp chống lại sự hình thành khối u (7). Đối với việc ăn thịt đỏ, đậu nành thì cần lưu ý (7):

  • Ăn thịt đỏ được cho là có nguy cơ ung thư vú cao hơn. Tuy nhiên, việc tránh hoàn toàn thịt thường không được ủng hộ vì đây là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein, sắt, kẽm và vitamin B12. Tuy nhiên, vẫn có khuyến cáo về việc tiết chế tiêu thụ thịt đỏ, mỗi ngày không nên ăn quá 70 gram hay 1 tuần không quá 500 gram (8)
  • Hàm lượng protein đậu nành cô lập cao làm tăng yếu tố tăng trưởng giống insulin 1, có thể góp phần gây tái phát ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu điều tra vai trò của đậu nành trong việc giảm nguy cơ ung thư vú và ảnh hưởng của nó đối với tỷ lệ tái phát và tử vong ung thư vú mang lại những kết quả khác nhau. Vì vậy, mối tương quan giữa tiêu thụ đậu nành và ung thư vú vẫn chưa rõ ràng.

Băn khoăn 4: Sau điều trị ung thư vú, tôi cần có chế độ vận động như thế nào? Tôi nên tập những bộ môn gì là phù hợp?

Tập thể dụng có tác dụng mạnh mẽ nhất trong tất cả các yếu tố về lối sống trong việc giảm tái phát ung thư vú (9). Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên dành 150-300 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần hoặc 75-100 phút (khoảng 1-2 giờ) hoạt động thể chất mạnh (10). Các bài tập được khuyến cáo (11): 

Bài tập aerobic: 

  • Đi bộ 
  • Chạy bộ 
  • Đi xe đạp 
  • Bơi 
  • Sử dụng máy chạy bộ 

Rèn luyện sức đề kháng: 

  • Ngồi dậy 
  • Squat 
  • Chống đẩy
  • Nâng chân 
  • Plank

Trên đây là lời giải đáp cho một số băn khoăn thường gặp về chế độ chăm sóc, sinh hoạt cho người bệnh sau điều trị ung thư vú. Trong quá trình chăm sóc sau điều trị, nếu có bất cứ  băn khoăn, lo lắng, người bệnh và người chăm sóc hãy đến thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ để hiểu hơn về tình trạng bạn đang gặp phải.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1.Guedes TSR, Dantas de Oliveira NP, Holanda AM, Reis MA, Silva CP, Rocha e Silva BL, Cancela MC, de Souza DLB. Body Image of Women Submitted to Breast Cancer Treatment. Asian Pac J Cancer Prev. 2018 Jun 25;19(6):1487-1493. doi: 10.22034/APJCP.2018.19.6.1487. PMID: 29936719; PMCID: PMC6103585.

2. Vaziri Sh, Lotfi Kashani F. Sexuality after breast cancer: need for guideline. Iran J Cancer Prev. 2012 Winter;5(1):10-5. PMID: 25780533; PMCID: PMC4352520.

3. Simard S, Thewes B, Humphris G, Dixon M, Hayden C, Mireskandari S, et al. Fear of cancer recurrence in adult cancer survivors: a systematic review of quantitative studies. J Cancer Surviv. 2013;7(3):300–22. Epub 2013 Mar 10

4. Khatcheressian JL, Hurley P, Bantug E, Esserman LJ, Grunfeld E, Halberg F, et al. Breast cancer follow-up and management after primary treatment: American Society of Clinical Oncology clinical practice guideline update. J Clin Oncol. 2013;31(7):961–5. Epub 2012 Nov 5

5. Sisler J, Chaput G, Sussman J, Ozokwelu E. Follow-up after treatment for breast cancer: Practical guide to survivorship care for family physicians. Can Fam Physician. 2016 Oct;62(10):805-811. PMID: 27737976; PMCID: PMC5063767.

6. Barnadas A, Algara M, Cordoba O, Casas A, Gonzalez M, Marzo M, Montero A, Muñoz M, Ruiz A, Santolaya F, Fernandez T. Recommendations for the follow-up care of female breast cancer survivors: a guideline of the Spanish Society of Medical Oncology (SEOM), Spanish Society of General Medicine (SEMERGEN), Spanish Society for Family and Community Medicine (SEMFYC), Spanish Society for General and Family Physicians (SEMG), Spanish Society of Obstetrics and Gynecology (SEGO), Spanish Society of Radiation Oncology (SEOR), Spanish Society of Senology and Breast Pathology (SESPM), and Spanish Society of Cardiology (SEC). Clin Transl Oncol. 2018 Jun;20(6):687-694. doi: 10.1007/s12094-017-1801-4. Epub 2017 Nov 14. Erratum in: Clin Transl Oncol. 2018 Jan 2;: PMID: 29139040; PMCID: PMC5942338.

7. Jia T, Liu Y, Fan Y, Wang L, Jiang E. Association of Healthy Diet and Physical Activity With Breast Cancer: Lifestyle Interventions and Oncology Education. Front Public Health. 2022 Mar 23;10:797794. doi: 10.3389/fpubh.2022.797794. PMID: 35400043; PMCID: PMC8984028

8. Wang Q, Liu S, Wang H, Su C, Liu A, Jiang L. Consumption of aquatic products and meats in Chinese residents: A nationwide survey. Front Nutr. 2022 Jul 22;9:927417. doi: 10.3389/fnut.2022.927417. PMID: 35938120; PMCID: PMC9354134

9.Chlebowski RT. Nutrition and physical activity influence on breast cancer incidence and

outcome. Breast. 2013;22(Suppl 2):S30–S37

10. Rock CL, Thomson C, Gansler T, et al. American Cancer Society guideline for diet and

physical activity for cancer prevention. CA Cancer J Clin. 70(4):245-271, 2020.

11. Types of Exercises for Breast Cancer Patients https://nybreasthealth.com/news/types-of-exercises-for-breast-cancer-patients

Phiên bản hiện tại

19/04/2024

Tác giả: Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?

4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm


Tác giả:

Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam

Ung thư - Ung bướu · BCNV


Ngày cập nhật: 19/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo