backup og meta

Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?

Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?

Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái phát và tử vong, thay đổi hình ảnh cơ thể và tình dục, khó khăn trong hoạt động cuộc sống hàng ngày, các vấn đề liên quan đến gia đình và thiếu sự hỗ trợ về mặt cảm xúc (1). Khoảng 42% bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật bảo tồn vú hoặc phẫu thuật đoạn nhũ cải biên bị trầm cảm và lo âu, 27% bị trầm cảm nhẹ, 9,6% trầm cảm nặng, 8,6% chỉ lo âu, 6,9% rối loạn ám ảnh và 20% mắc 2 rối loạn trở lên (2).

Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ (NCI), một nghiên cứu mới đây cho thấy có mối liên quan giữa stress và ung thư tái phát. Cụ thể, các hormone gây căng thẳng có thể đánh thức các tế bào K không hoạt động vẫn còn trong cơ thể sau điều trị. Trong các thực nghiệm ở chuột, một loại hormone gây stress đã kích hoạt một chuỗi phản ứng trong các tế bào miễn dịch, thúc đẩy các tế bào K không hoạt động thức dậy và hình thành các khối u một lần nữa (3).

Để hiểu hơn về các vấn đề sức khỏe tinh thần mà người bệnh ung thư vú có thể gặp phải cũng như các phương pháp can thiệp phù hợp giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo lắng, bạn hãy dành vài phút xem qua những thông tin trong bài viết bên dưới nhé!

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần người bệnh có thể gặp phải sau điều trị ung thư vú

Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe tinh thần mà người bệnh có thể gặp phải sau điều trị ung thư vú:

Rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 10 bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú thì có 4 người bị lo lắng hoặc trầm cảm ở mức độ cao. Không những vậy, một nghiên cứu đánh giá bệnh nhân trong giai đoạn trước phẫu thuật cũng như tháng thứ 3 và 12 trong giai đoạn hậu phẫu cũng đã phát hiện  55% bệnh nhân có lo lắng và/hoặc trầm cảm (1). Tỷ lệ trầm cảm cao nhất được ghi nhận trong năm đầu tiên sau chẩn đoán ban đầu, các triệu chứng trầm cảm giảm trong vòng 1 năm sau đó (4). 

Tự tử

Tần suất tự tử ở bệnh nhân ung thư cao hơn dân số nói chung. Các yếu tố như cơn đau không thể kiểm soát, trầm cảm không được điều trị, hỗ trợ xã hội không đầy đủ, sử dụng chất gây nghiện, tiền sử tự tử trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ tự tử. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ tự tử cũng có thể tăng lên đáng kể đối với các trường hợp người bệnh ung thư vú có kèm theo trầm cảm (1). 

Rối loạn chức năng tình dục 

Vú là một cơ quan rất quan trọng vì nó tượng trưng cho tính nữ và tình dục. Việc phẫu thuật cắt bỏ vú do ung thư có thể gây ra các khó khăn về tình dục, cũng như hình ảnh cơ thể của bệnh nhân. Các yếu tố làm giảm ham muốn tình dục ở bệnh nhân ung thư vú được báo cáo là mất mô vú, rụng tóc, đau, mất hình ảnh cơ thể, khả năng sinh con, phương thức điều trị ung thư vú (hóa trị và liệu pháp nội tiết dài hạn) (1).

Rối loạn giấc ngủ

Một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư là mất ngủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư vú có tỷ lệ mất ngủ cao hơn so với bệnh nhân mắc các loại ung thư khác (với tỷ lệ từ 38% đến 61%) (1). Căn nguyên của rối loạn giác ngủ có thể do (5): 

  • Hội chứng cận ung thư với sự gia tăng sản xuất steroid và các triệu chứng liên quan đến sự xâm lấn của khối u (đau, sốt, khó thở) 
  • Các yếu tố liên quan đến điều trị, bao gồm các triệu chứng liên quan đến phẫu thuật (đau, sử dụng opioid)
  • Sử dụng hóa trị
  • Các loại thuốc như opioid, thuốc an thần/thuốc ngủ, steroid, một số thuốc chống trầm cảm và thực phẩm bổ sung
  • Các yếu tố môi trường (tiếng ồn môi trường bệnh viện)

Các phương pháp giúp ổn định tâm lý, giảm căng thẳng, lo lắng sau điều trị ung thư vú

Can thiệp dựa trên chánh niệm

Các biện pháp can thiệp dựa trên chánh niệm đã được chứng minh là giúp bệnh nhân ung thư đối phó với cảm giác mất kiểm soát, sự không chắc chắn về tương lai và nỗi sợ tái phát liên quan đến chẩn đoán, điều trị và khả năng sống sót của bệnh ung thư. Các thử nghiệm cũng cho thấy hiệu quả của các biện pháp can thiệp dựa trên chánh niệm để cải thiện tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, chất lượng cuộc sống, các dấu hiệu tâm lý, hành vi, sinh lý và sinh học (6). 

Tập yoga (một trong những phương pháp can thiệp dựa trên chánh niệm) từ một đến ba lần một tuần, mỗi buổi kéo dài từ 60 đến 90 phú ở bệnh nhân ung thư vú và cho thấy lợi ích đáng kể về mặt thống kê trong việc cải thiện chứng trầm cảm, căng thẳng, lo lắng, sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống, mệt mỏi, đau do ung thư, chức năng nhận thức và thèm ăn. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp tăng khả năng chịu đựng các tác dụng phụ của hóa trị liệu (6).

Châm cứu

Châm cứu là một trong những kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh qua việc tăng cường chức năng miễn dịch thông qua hoạt động của tế bào NK. Châm cứu mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư với các triệu chứng vận mạch, lo lắng, đau liên quan đến ung thư, buồn nôn và nôn (6). 

Nhóm hỗ trợ và tư vấn tâm lý

Kết nối với những bệnh nhân ung thư khác, chẳng hạn như thông qua các nhóm hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến, có thể mang lại sự hỗ trợ về mặt xã hội và tinh thần cho một số bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng các buổi tư vấn tâm lý cho thấy sự cải thiện chất lượng cuộc sống ở người bệnh (6). 

Tập thể dục 

Tập thể dục là chiến lược thường được khuyến nghị để giúp người bệnh chống lại mệt mỏi và giảm căng thẳng (6). Người bệnh sau điều trị ung thư vú nên duy trì việc tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập có cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần với các bài tập có cường độ cao kết hợp cùng các buổi tập tăng cường sức mạnh 2 – 3 buổi mỗi tuần (7).

Thăm khám định kỳ để hiểu rõ sức khỏe bản thân

Sau điều trị ung thư vú, việc thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ lịch thăm khám này để phần nào hiểu rõ về sức khỏe bản thân và từ đó giảm bớt lo lắng, căng thẳng.

Lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú sẽ khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp điều trị, sức khỏe của người bệnh… Tuy nhiên, người bệnh thường sẽ cần thăm khám sau mỗi 3 – 4 tháng trong 1 đến 3 năm đầu tiên và từ 1 – 2 lần/năm trong những năm tiếp theo. Ở những lần thăm khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra xem người bệnh có gặp phải tác dụng phụ của các phương pháp điều trị không cũng như kiểm tra ung thư có tái phát hoặc di căn đến các bộ phận khác của cơ thể không (8). 

Điều quan trọng là khi thăm khám, người bệnh cần cởi mở trao đổi với bác sĩ, nhất là nếu đang gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày hoặc có xuất hiện một triệu chứng mới. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, việc xuất hiện một triệu chứng nhất định không đồng nghĩa với việc với ung thư tái phát. Các triệu chứng này có thể do những vấn đề khác và người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để có hướng giải quyết (8). 

Tóm lại, việc điều trị ung thư vú có thể gây nên những rối loạn không chỉ về thể chất mà còn cho cả tinh thần của bệnh nhân. Do đó, trong quá trình hồi phục sau điều trị, người bệnh và người chăm sóc cần “cảnh giác” với các vấn đề về tinh thần, đồng thời, cần cởi mở trao đổi với bác sĩ trong quá trình thăm khám để được hướng dẫn các phương pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện kết cuộc điều trị. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. İzci F, İlgün AS, Fındıklı E, Özmen V. Psychiatric Symptoms and Psychosocial Problems in Patients with Breast Cancer. J Breast Health. 2016 Jul 1;12(3):94-101. doi: 10.5152/tjbh.2016.3041. PMID: 28331743; PMCID: PMC5351486.

2. Kissane DW, Clark DM, Kin J, Bloch S, Smith GC, Vitetta L, McKenzie DP. Psychological morbidity and quality of life in Australian women with early-stage breast cancer; a cross section survey. Med J Aust. 1998;169:1192–6

3. National Cancer Institutes, Study Suggests a Link between Stress and Cancer Coming Back  [Internet]. 2018 [cited 2023 Oct 3]. Available from: https://www.cancer.gov/news-events/cancer-currents-blog/2021/cancer-returning-stress-hormones#

4. Burgess C, Cornelius V, Love S, Graham J, Richards M, Ramirez A. Depression and anxiety in women with early breast cancer: five year observational cohort study. BMJ. 2005;330:702–706.

5. Die Trill M. Anxiety and sleep disorders in cancer patients. EJC Suppl. 2013 Sep;11(2):216-24. doi: 10.1016/j.ejcsup.2013.07.009. PMID: 26217130; PMCID: PMC4041166.

6. Gosain, R., Gage-Bouchard, E., Ambrosone, C. et al. Stress reduction strategies in breast cancer: review of pharmacologic and non-pharmacologic based strategies. Semin Immunopathol 42, 719–734 (2020). https://doi.org/10.1007/s00281-020-00815-y

7. Dieli-Conwright CM, Orozco BZ. Exercise after breast cancer treatment: current perspectives. Breast Cancer (Dove Med Press). 2015 Oct 21;7:353-62. doi: 10.2147/BCTT.S82039. PMID: 26543382; PMCID: PMC4622557.

8. U.S. DEPARTMENT OF HEALTH AND HUMAN SERVICES National Institutes of Health, Facing Forward Life After Cancer Treatment  [Internet]. 2018 [cited 2023 Oct 3]. Available from: https://www.cancer.gov/publications/patient-education/life-after-treatment.pdf

Phiên bản hiện tại

19/04/2024

Tác giả: Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm

Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú


Tác giả:

Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam

Ung thư - Ung bướu · BCNV


Ngày cập nhật: 19/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo