Bạn thường không biết mình có u tuyến giáp cho đến khi khối u lớn, gây ra triệu chứng hoặc vô tình phát hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ vì những lý do sức khỏe khác. Vậy, người bị u tuyến giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
U tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở phía trước cổ, ngay phía trên xương ức, chịu trách nhiệm sản xuất hormone điều hòa một số chức năng của cơ thể như trao đổi chất, thân nhiệt, tâm trạng, nhịp tim và tiêu hóa. U tuyến giáp là một khối u bất thường phát triển bên trong tuyến giáp.
Hơn 90% các u tuyến giáp được phát hiện ở người lớn là u lành tính (không phải ung thư), có thể không cần điều trị, nhưng đôi khi khối u có thể phát triển đủ lớn gây khó thở, khó nuốt và là dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp (suy giáp hoặc cường giáp).
Ngoài ra, trung bình khoảng 5% trường hợp u tuyến giáp là ác tính (ung thư tuyến giáp). Đây là trường hợp khối u tuyến giáp nguy hiểm nhất nhưng vẫn có thể điều trị được bằng phẫu thuật. Vậy, người mắc u tuyến giáp nên ăn gì và kiêng ăn gì để tốt cho sức khỏe?
Bệnh u tuyến giáp kiêng ăn gì?
U tuyến giáp ác tính kiêng ăn gì?
Chế độ ăn hạn chế i-ốt đôi khi được chỉ định cho những bệnh nhân cần điều trị u tuyến giáp ác tính (ung thư tuyến giáp) thể nhú, thể nang và kém biệt hoá. Mục tiêu của chế độ ăn này là nhằm làm cho tuyến giáp của bệnh nhân bị “đói” i-ốt bằng cách tạm thời hạn chế càng nhiều i-ốt trong chế độ ăn càng tốt. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng i-ốt phóng xạ, các tế bào ác tính sẽ nhanh chóng hấp thụ nó và i-ốt phóng xạ sẽ tiêu diệt chính các tế bào đó.
Chế độ ăn hạn chế i-ốt không hiệu quả với bệnh nhân ung thư tuyến giáp mất biệt hoá (giảm biệt hoá) và ung thư tuyến giáp thể tuỷ.
Người bị u tuyến giáp kiêng ăn gì nếu là ác tính? Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ khuyến cáo bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn ít i-ốt, hạn chế lượng i-ốt tiêu thụ ở mức dưới 50 microgam/ngày và hạn chế muối dưới 3 gam/ngày. Điều đó có nghĩa là tránh muối i-ốt và các thực phẩm chứa nhiều muối. Chúng bao gồm:
- Cá, hải sản, động vật có vỏ, rong biển và thậm chí cả chất bổ sung canxi có nguồn gốc từ vỏ hàu
- Rau sống như rau bina và bông cải xanh
- Lòng đỏ trứng
- Bánh ngọt, bánh quy làm từ trứng hoặc bơ
- Socola sữa, socola trắng
- Các loại thức ăn nhanh
- Trái cây sấy khô, đóng hộp
- Khoai tây
- Đường mật mía
- Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, bao gồm cả đậu phụ
- Bánh mì được làm bằng muối iốt trong bột hoặc các thành phần khác có chứa iốt, chẳng hạn như kali iodat
- Muối i-ốt, muối biển.
- Các loại nước sốt pha sẵn chứa nhiều muối.
Hãy lưu ý rằng cơ thể chúng ta vẫn cần i-ốt để hoạt động bình thường. Vì vậy, chế độ ăn ít i-ốt chỉ mang tính tạm thời và không phải là một giải pháp lâu dài. Bệnh nhân vẫn có thể trở lại chế độ ăn uống bình thường sau khi điều trị hoặc khi được bác sĩ cho phép.
U tuyến giáp lành tính kiêng ăn gì?
U tuyến giáp lành tính có kích thước lớn, đa nhân thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu khối u có kích thước lớn, chèn ép các cơ quan khác, sẽ gây khó thở, khó nuốt và ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn uống. Vậy, bị u tuyến giáp kiêng ăn gì trong trường hợp này?
- Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê: Đây đều là những chất có thể gây khó tiêu, ngăn chặn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp và gây hại cho sức khỏe về mặt tổng thể.
- Các thực phẩm cứng, khô như thịt bò khô, hạt khô…: U tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến thực quản gây khó nuốt, nên hạn chế những loại thực phẩm cứng, khô vì chúng có thể gây đau khi nuốt và dẫn đến khó tiêu
- Thực phẩm chế biến sẵn: có chứa chất phụ gia và các calo xấu, không tốt cho u tuyến giáp. Chúng có thể làm cho khối u phát triển nhanh hơn ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh.
- Đậu nành và rau cải: U tuyến giáp kiêng ăn gì thì phải lưu ý đến hai loại này. Bởi chúng chứa nhiều chất goitrogens, cản trở quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp.
- Nội tạng động vật: Nội tạng động vật chứa nhiều axit lipoic có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tuyến giáp. Axit lipoic còn có thể làm giảm tác dụng của thuốc điều trị u tuyến giáp.
- Thực phẩm chứa gluten: gluten có nhiều trong lúa mì, lúa mạch đen,… có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột. Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mỳ, bánh quy, bánh ngọt… Ngoài ra, gluten còn gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp.
- Chất xơ: Mặc dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, nhưng nó có thể ngăn cản sự hấp thu thuốc của cơ thể và ảnh hưởng tới việc điều trị.
- Đường và các chất tạo ngọt: Chức năng chuyển hóa ở bệnh nhân u tuyến giáp thường bị suy giảm. Khi ăn quá nhiều đường hay các chất tạo ngọt thì cơ thể không thể chuyển hóa hoàn toàn đường thành năng lượng. Hệ quả là thừa đường, tăng cân và gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tuyến giáp.
- Các chất kích thích: rượu, bia, đồ uống có gas, các chất kích thích có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp và giảm khả năng hấp thu thuốc điều trị.
- Các chế phẩm chứa canxi: Đối với bệnh nhân u tuyến giáp đã phẫu thuật có thể phải sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp. Khi sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân cần lưu ý tránh các sản phẩm chứa canxi (sữa, thuốc và thực phẩm chứa canxi,…) vì chúng có thể tạo phức với thuốc và cản trở sự hấp thu của thuốc. Do đó phải uống các chế phẩm chứa canxi cách xa hormone tuyến giáp.
U tuyến giáp nên ăn gì?
Bên cạnh việc u tuyến giáp kiêng ăn gì thì nên ăn gì cũng rất quan trọng. Bởi một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn. Một số thực phẩm bệnh nhân u tuyến giáp có thể ăn nhưng cần hạn chế bao gồm:
- Sữa, khoảng 5 – 7 muỗng cà phê mỗi ngày (25ml)
- Bơ, một thìa cà phê (5g) mỗi ngày
- Phô mai 25g mỗi tuần
- Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, chỉ 1 phần mỗi tuần
- Trứng 1 quả mỗi tuần
- Các sản phẩm có chứa trứng như sốt mayonnaise, sữa trứng, mì ống, trứng tươi, cơm chiên trứng, bánh pudding,…
Có nhiều loại thực phẩm bệnh nhân u tuyến giáp vẫn có thể thưởng thức trong chế độ ăn ít i-ốt. Chúng bao gồm:
- Rau củ và trái cây tươi, đặc biệt là các loại giàu vitamin C như dâu tây, việt quất, súp lơ, ớt chuông, cam, ổi, cà chua…
- Nước ép trái cây
- Trà và cà phê không sữa
- Bơ hạt
- Lòng trắng trứng
- Thịt tươi, chẳng hạn như thịt gà, thịt bò
- Ngũ cốc dưới dạng thô, không qua chế biến như mì ống, cơm, bún, bánh mì tươi
- Dầu thực vật, dầu ô liu, dầu hạt
- Ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như gạo hoặc bột yến mạch
- Salad dầu giấm hoặc các loại nước sốt không chứa muối khác
- Muối ăn không chứa i-ốt.
- Socola đen và trơn có 70% cacao trở lên.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bệnh u tuyến giáp kiêng ăn gì để bệnh nhân và người chăm sóc lên một thực đơn lành mạnh, đa dạng mà vẫn đầy đủ dưỡng chất.
[embed-health-tool-bmi]