Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy thường khởi phát và tiến triển nhanh chóng chỉ trong vài tuần. Vì vậy, nhiều người bệnh lo sợ không biết bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu? Tiên lượng sống của mỗi bệnh nhân có thể khác nhau bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm: tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, loại bệnh bạch cầu, ung thư là nguyên phát hay thứ phát…
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu tùy vào tuổi tác
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán mắc bệnh là khoảng 68 tuổi, mặc dù bệnh cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và trẻ em.
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu? Theo một số liệu thống kê tại Anh, trung bình, khoảng 15% bệnh nhân có thể sống sót trong 5 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tỷ lệ trung bình này dành cho mọi bệnh nhân thuộc mọi độ tuổi. 5 năm chỉ là mốc thời gian để đo lường khả năng sống sót của bệnh nhân, rất nhiều trường hợp có thể sống lâu hơn nhiều.
Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu. Những bệnh nhân trẻ tuổi, có sức khỏe tổng thể tốt sẽ thường có tiên lượng tốt hơn. Những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều thay đổi bất lợi trong gen của tế bào ung thư và có sức khỏe tổng thể yếu sẽ khó đáp ứng với điều trị và tiên lượng kém hơn.
Cụ thể như sau:
- Đối với những người dưới 40 tuổi, hơn 50% bệnh nhân sẽ sống sót trong 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
- Đối với những người trong độ tuổi từ 40 đến 49, khoảng 45% trường hợp sẽ sống được 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
- Đối với những người trong độ tuổi từ 50 đến 59, khoảng 25% bệnh nhân có thể sống trong 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
- Đối với những người trong độ tuổi từ 60 đến 69, khoảng 15% trường hợp sẽ sống trong 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
- Đối với những người trong độ tuổi từ 70 đến 79, chỉ có khoảng 5% người bệnh sẽ sống được 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
- Đối với những người từ 80 tuổi trở lên, chỉ 2% bệnh nhân sẽ sống được trong 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
Các yếu tố khác
Ngoài yếu tố tuổi tác, người bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu còn tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:
Loại bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy
Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy có thể được phân chia nhỏ hơn thành nhiều loại phụ khác nhau. Xác định chính xác loại bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị và dự đoán tiên lượng chính xác hơn.
Một số loại phụ của bệnh, chẳng hạn như bệnh bạch cầu cấp tính tiền tủy bào có số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót cao hơn những loại khác. Các loại bệnh phụ khác có một số đặc điểm như thay đổi gen và nhiễm sắc thể cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tiên lượng.
Những thay đổi di truyền
Một số thay đổi di truyền bất thường trong gen có thể giúp bác sĩ xác định bệnh bạch cầu sẽ đáp ứng với điều trị như thế nào và liệu bệnh có nguy cơ tái phát cao sau khi điều trị hay không. Tuy nhiên, một số bất thường di truyền trong các tế bào ung thư bạch cầu có thể khiến bệnh bạch cầu khó điều trị hơn, đồng nghĩa với tiên lượng sống kém hơn.
Số lượng tế bào bạch cầu
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu còn bị ảnh hưởng bởi mức độ tiến triển của bệnh bạch cầu khi được chẩn đoán. Nếu bạn có số lượng bạch cầu tăng cao trong máu (trên 100.000 tế bào/mm³) tại thời điểm chẩn đoán thì sẽ có tiên lượng kém hơn.
Nhiễm trùng nghiêm trọng
Nhiễm trùng nghiêm trọng, không kiểm soát được tại thời điểm chẩn đoán là yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng sống của bệnh nhân.
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu nếu chuyển từ mạn tính sang cấp tính
Nếu là đợt cấp của bệnh bạch cầu mạn, thì sẽ khó điều trị hơn. Ngoài ra, nếu bệnh phát triển từ hội chứng loạn sản tủy (một tình trạng rối loạn máu) thì tiên lượng sống cũng sẽ kém hơn.
Bệnh bạch cầu thứ phát
Bệnh bạch cầu có thể phát triển sau khi hóa trị một bệnh ung thư khác trước đây và lần hóa trị trước đó đã làm các tế bào tủy xương bị phá hỏng. Nó còn được gọi là bệnh bạch cầu thứ phát và khó điều trị hơn các trường hợp nguyên phát.
Bệnh bạch cầu thứ phát thường phát triển trong vòng 10 năm sau khi điều trị bệnh ung thư đầu tiên. Tình trạng này là hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra và ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng sống của bệnh nhân.
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với điều trị
Nhiều bệnh nhân lo sợ không biết bệnh bạch cầu cấp dòng tủy có chữa được không bởi khả năng chữa khỏi bệnh cao sẽ giúp họ kéo dài thời gian sống. Phản ứng với điều trị bằng hóa trị liệu được đo bằng thời gian cần thiết để bệnh thuyên giảm hoàn toàn hoặc có đáp ứng hoàn toàn với điều trị, tức là bệnh bạch cầu không tiến triển và bác sĩ không thể tìm thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.
Những người mắc bệnh bạch cầu đáp ứng nhanh với điều trị và thuyên giảm hoàn toàn sau một đợt hóa trị có tiên lượng tốt hơn so với những bệnh nhân đáp ứng lâu với điều trị hoặc cần nhiều hơn một chu kỳ hóa trị để bệnh thuyên giảm.
Khả năng tái phát
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu nếu tái phát sau điều trị lần đầu tiên? Nếu bệnh tái phát sau lần điều trị đầu tiên thì tiên lượng sống sẽ kém đi. Tái phát càng sớm thì tiên lượng càng xấu. Với tình trạng tái phát, bác sĩ có thể phải chỉ định điều trị bằng nhiều đợt hóa trị liệu hơn để giúp bệnh có thể thuyên giảm.
Hi vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ và bớt lo lắng về vấn đề bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu. Từ đó, bạn hãy tích cực điều trị để nhanh chóng thuyên giảm bệnh nhé!
[embed-health-tool-bmi]