backup og meta

U nguyên bào gan: Ung thư gan ở trẻ em

U nguyên bào gan: Ung thư gan ở trẻ em

U nguyên bào gan chủ yếu xuất hiện ở trẻ em từ sơ sinh đến 3 tuổi. Các tế bào ung thư nguyên bào gan có thể di căn tới các khu vực khác của cơ thể.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu u nguyên bào gan là gì và những cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau đây nhé.

Tìm hiểu chung

Bệnh u nguyên bào gan là gì?

Gan là một trong những cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Các chức năng chính của gan là lọc và lưu trữ máu. Cấu trúc gan gồm 2 thùy phải và trái.

U nguyên bào gan là dạng ung thư gan nguyên phát rất hiếm gặp, bắt nguồn từ trong gan. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 3 – 4 tuổi nhưng đa số xảy ra ở 18 tháng đầu đời.

Bên cạnh u nguyên bào gan, ung thư gan nguyên phát còn có một số dạng khác như ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư đường mật, u mạch máu ác tính.

Các giai đoạn khác nhau của ung thư gan ở trẻ em là gì?

Giai đoạn là quá trình xác định ung thư đã lan rộng như thế nào. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau trong mỗi giai đoạn. Bạn và trẻ hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin về các giai đoạn của bệnh ung thư gan nguyên phát này. U nguyên bào gan gồm các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn I − thường là một khối u chỉ giới hạn trong gan và có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật
  • Giai đoạn II − thường là một khối u đã loại bỏ bằng phẫu thuật nhưng còn một lượng nhỏ tế bào ung thư còn sót lại ở phần rìa của mô bị loại bỏ
  • Giai đoạn III − thường là một khối u không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật khi chẩn đoán vì quá lớn, đã phát triển vào hoặc chèn ép lên các mô quan trọng trong gan. Đôi khi, các tế bào ung thư được tìm thấy trong các hạch bạch huyết gần đó
  • Giai đoạn IV − ung thư đã lan (di căn) tới các bộ phận khác của cơ thể, thường là đến phổi.
  • Tái phát − căn bệnh trở lại sau khi đã được điều trị. Nó có thể tái phát trong gan hoặc trong một phần khác của cơ thể.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các triệu chứng của u nguyên bào gan là gì?

Triệu chứng u nguyên bào gan

Mỗi đứa trẻ có thể gặp các triệu chứng u nguyên bào gan khác nhau tùy thuộc vào kích thước của khối u, hình dạng và vị trí di căn. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:

  • Cảm nhận thấy một khối u ở bụng
  • Bụng to lên
  • Chán ăn, sụt cân
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và nôn
  • Vàng da hoặc mắt
  • Da và môi nhợt nhạt (có thể do thiếu máu)
  • Sốt
  • Ngứa da
  • Giãn tĩnh mạch trên bụng có thể nhìn thấy trên da.

Các triệu chứng của u nguyên bào gan có thể giống với các bệnh lý khác nên tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra tại bệnh viện.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh u nguyên bào gan là gì?

Mặc dù nguyên nhân chính xác của các dạng ung thư gan nguyên phát nói chung vẫn chưa được biết rõ nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng, u nguyên bào gan có liên quan đến một số thay đổi trong gen ức chế khối u. Điều đó giải thích cho sự tăng sinh tế bào không kiểm soát được.

Tuy nguyên nhân gây bệnh cụ thể chưa được biết rõ nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh, bao gồm:

  • Trẻ sinh non, sinh thiếu tháng
  • Cân nặng khi sinh thấp
  • Mắc bệnh tăng sản một bên (hemihyperplasia)
  • Mắc các bệnh di truyền như hội chứng Beckwith-Wiedemann, đa polyp gia đình, hội chứng loạn dưỡng, hội chứng Edwards, bệnh lưu trữ glycogen, hội chứng Aicardi…

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách chẩn đoán u nguyên bào gan

Chẩn đoán u nguyên bào gan

Ngoài bệnh sử đầy đủ và khám sức khỏe, phương tiện chẩn đoán u nguyên bào gan có thể bao gồm:

  • Alpha-fetoprotein (AFP): Định lượng mức alpha-fetoprotein (AFP) trong máu có thể được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị.
  • Công thức máu toàn bộ (CBC): Đây là phương pháp dùng để xem xét kích thước, số lượng và sự trưởng thành của các tế bào máu khác nhau trong một thể tích máu.
  • Xét nghiệm máu khác: có thể bao gồm xét nghiệm đông máu, đánh giá chức năng gan, thận và các xét nghiệm di truyền.
  • Siêu âm: Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong đó sử dụng sóng âm tần số cao và máy tính để tạo ra hình ảnh của các mạch máu, các mô và các cơ quan. Siêu âm được sử dụng để xem các cơ quan nội tạng hoạt động và để đánh giá lưu lượng máu chảy trong các động mạch.
  • X- quang: Chẩn đoán bằng hình ảnh, trong đó sử dụng tia năng lượng điện vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các mô bên trong, xương và các cơ quan lên phim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (Còn gọi là CT hay CAT scan): Một xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh có sử dụng sự kết hợp của tia X và công nghệ máy tính để cho ra các hình ảnh ngang và dọc (thường gọi là slice) của cơ thể. CT scan có thể cho thấy hình ảnh chi tiết của bất kỳ phần nào của cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán có sử dụng sự kết hợp của nam châm lớn, sóng cao tần và một máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể
  • Sinh thiết gan: Một mẫu mô được lấy ra từ khối u và quan sát dưới kính hiển vi.

Điều trị u nguyên bào gan

Điều trị cụ thể cho u nguyên bào gan sẽ do bác sĩ xác định, dựa trên:

  • Tuổi của con bạn, sức khỏe tổng thể và tiền căn bệnh lý
  • Giai đoạn của bệnh
  • Sự đáp ứng của trẻ với các điều trị đặc hiệu
  • Kỳ vọng trong điều trị
  • Ý kiến và sự ưu tiên của bạn

Điều trị u nguyên bào gan nói chung nhằm mục đích loại bỏ càng nhiều tế bào ung thư càng tốt trong khi duy trì chức năng gan đầy đủ. Phần mô gan bị loại bỏ có thể tái sinh. Các hình thức điều trị có thể bao gồm (đơn hay đa trị liệu) như:

  • Theo dõi cẩn thận: Trong một số trường hợp, bác sĩ không bắt đầu điều trị ngay mà sẽ tiến hành theo dõi cho đến khi các triệu chứng xuất hiện hoặc thay đổi.
  • Tiêm ethanol qua da: Một cây kim nhỏ được sử dụng để tiêm cồn ethanol vào khối u nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển.
  • Xạ trị: Bác sĩ có thể áp dụng xạ trị tại chỗ hoặc xạ trị toàn thân để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc ngăn khối u phát triển. Trên thực tế, xạ trị thường được áp dụng để điều trị ung thư gan cho người lớn, chưa được sử dụng nhiều để điều trị cho trẻ em.
  • Phẫu thuật (để loại bỏ khối u và một phần hoặc toàn bộ gan)
  • Ghép gan

Tiên lượng

Tiên lượng xa cho một đứa trẻ bị u nguyên bào gan

Tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào:

  • Mức độ của bệnh
  • Kích thước và vị trí của khối u
  • Có bị di căn hay không
  • Đáp ứng của khối u với điều trị
  • Độ tuổi và sức khỏe tổng thể của trẻ
  • Sự đáp ứng của trẻ đối với những thuốc, thủ thuật hay liệu pháp cụ thể

Đối với các trường hợp khối u chỉ nằm trong gan và có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, tỷ lệ sống của trẻ có thể hơn 80%. Ngược lại, tỷ lệ sống sót sau 3 – 5 năm khi đã được chẩn đoán ở các trẻ có khối u phát triển trong toàn bộ gan hoặc đã lan ra ngoài gan chỉ còn khoảng 20 – 70%.

Từ các con số này có thể thấy tầm quan trọng của việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Bố mẹ cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của bé để nhận ra các dấu hiệu bất thường của bệnh và đưa trẻ đi thăm khám.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hepatoblastoma | Liver Cancer in Children. http://www.phoenixchildrens.org/medical-specialties/hepatology/liver-diseases/hepatoblastoma-liver-cancer. Ngày truy cập 25/4/2017.

Liver cancer/Hepatoblastoma. http://www.childrenscancer.org/main/liver_cancer_hepatoblastoma/. Ngày truy cập 25/4/2017.

Hepatoblastoma https://www.stjude.org/disease/hepatoblastoma.html Ngày truy cập: 19/07/2021

Hepatoblastoma in Children https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=hepatoblastoma-90-P02728 Ngày truy cập: 19/07/2021

How is hepatoblastoma diagnosed? https://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/h/hepatoblastoma/diagnosis-and-treatment Ngày truy cập: 19/07/2021

Hepatoblastoma https://www.cincinnatichildrens.org/health/h/hepatoblastoma Ngày truy cập: 19/07/2021

Phiên bản hiện tại

19/07/2021

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Người bị ung thư phổi nên kiêng ăn gì và ăn gì?

Chích ngừa ung thư cổ tử cung và những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 19/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo